Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh có quỹ di sản cảnh quan và kiến trúc đô thị đặc sắc, đa dạng và phong phú. Lịch sử của mỗi đô thị cũng như chuỗi vòng xoắn ADN kéo dài vô tận mà trong đó sự “phát triển” kinh tế là sức sống mới từ những tế bào nhân đôi, nhưng “bảo tồn” di sản văn hóa lại giữ vai trò cấu trúc ổn định của chuỗi vòng xoắn. Khi cấu trúc này bị phá vỡ, đô thị không còn bản sắc riêng. Một đô thị không có bản sắc riêng thì nó sẽ biến mất trong nhận thức và ký ức cộng đồng, sớm hay muộn mà thôi.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai đô thị lớn nhất nước, một trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị quan trọng. Người ta thường nói đến Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh với sự hình dung về một thành phố trẻ, năng động mới qua tuổi 300 nhưng thực tế tuổi đời của vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh lên đến 3000 năm. Biết bao giá trị di sản văn hóa đã được kết tinh, thăng hoa từ hàng ngàn năm đến hàng trăm năm trước còn ẩn chứa trong lòng và hiện diện trên mảnh đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Khảo cổ học Thành phố Hồ Chí Minh với nền tảng ban đầu được khai mở bởi những nhà khảo cổ học người Pháp từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Từ sau năm 1975, khảo cổ học Thành phố Hồ Chí Minh có những đóng góp lớn trong việc phục dựng lại quá khứ, giúp cho người dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân cả nước cùng bạn bè thế giới nói chung, thêm sự hiểu biết và yêu quý mảnh đất với nhiều biến cố thăng trầm nhưng cũng nhiều di sản văn hóa luôn hiện hữu trong đời sống và ký ức bao người.
Từ cuối thế kỷ XX, Thành phố Hồ Chí Minh chuyển động mạnh mẽ trong quá trình đô thị hóa. Quá trình này đang hàng ngày, hàng giờ tác động lên mọi mặt đời sống của cư dân đô thị từ kinh tế cho đến văn hóa. Những khu đô thị hiện đại nhiều hơn thay thế dần những khu nhà ổ chuột, xóm kênh đen; chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên. Song, cũng như quy luật phát triển của các nước đang phát triển, tiến trình đô thị hóa không chỉ là một đường thẳng với xu hướng tích cực mà còn làm phát sinh không ít những mâu thuẫn nội tại đòi hỏi các nhà quản lý đô thị phải có tầm nhìn, định hướng có tính chiến lược và chính sách để có thể “phát triển bền vững” trên cơ sở kinh tế và văn hóa cùng được coi trọng, đồng thời văn hóa phải là nền tảng của sự phát triển.
Làm thế nào để phát triển đô thị nhưng không làm phá hủy di sản văn hóa, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại nhưng không mâu thuẫn với việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa của đô thị?
Đến với thư viện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, quý khách có thể đọc được tập sách: “Đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh khảo cổ học và bảo tồn di sản”để giúp chúng ta hiểu rõ hơn việc Bảo tồn di sản văn hóa đô thị trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 4 năm 2022
Phạm Tuấn Trường
Chi đoàn Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
< Trước | Sau > |
---|