NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG Ở NAM BỘ

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, hạt giống cải lương đã được sinh ra và phát triển mạnh mẽ trên mảnh đất Nam Bộ. Ra đời sau Chèo và Hát Bội, phát triển từ nhạc Tài tử biến thành “ca ra bộ”, nghệ thuật cải lương đã dần dần phát triển và chinh phục đông đảo tầng lớp nhân dân, nó do người Việt sáng tạo trên nước Việt cho người Việt, được cha truyền con nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã có nhiều tác phẩm để đời đến ngày nay.

Có thể xem cải lương ra đời vào những thập niên của đầu thế kỷ XX ở địa bàn miền Tây Nam Bộ. Cải lương xuất phát từ thể loại đờn ca tài tử mà ra. Vào cuối thế kỷ 19, đờn ca tài tử đã phát triển hoàn chỉnh từ đờn, ca, bài bản. Người ca diễn tả tâm trạng của bài hát bằng những điệu bộ, gọi là lối ca ra bộ, là hiện tượng tự phát theo từng bài bản riêng một. Giá trị của đờn ca tài tử nó mang lại đó là sự gắn kết của mọi người, kể cả người thể hiện bài hát lẫn người nghe hát. Sau một ngày làm việc căng thẳng, được ngồi cùng nhau hát đờn ca, xua đi cái mệt mỏi của cả ngày làm việc đó mới chính là giá trị của đờn ca tài tử mà không thể loại nhạc nào hay hình thức nghệ thuật nào khác có được.

Đờn ca tài tử có tính thính phòng, được biểu diễn trong một không gian vừa đủ, dù ban ngày hay ban đêm, mọi người cùng nhau thưởng thức tiếng đờn, lời ca giản dị, mộc mạc mà không cần đến bất kỳ sự trợ giúp của thiết bị âm thanh nào. Đôi khi, muốn cảm nhận hết, người nghe phải lắng tai, nhắm mắt lại thì mới thấy cái tinh túy, cái chất riêng đặc biệt trong Đờn ca tài tử. Những người biểu diễn Đờn ca tài tử phải trọn bộ, trọn bài. Càng biểu diễn lâu, sự sáng tạo càng thăng hoa, giúp người nghe thỏa mãn mong muốn của mình

Cải lương mang tính sân khấu. Tức là, nó được trình diễn trong không gian mở, với phông màn, cảnh trí, hệ thống âm thanh hội trường ánh sáng, diễn viên hóa trang,… bắt mắt, thu hút ánh nhìn của khán giả. Không chỉ giúp họ thỏa mãn về thính giác mà Cải lương còn làm thỏa mãn thị giác của những người yêu âm nhạc.

Quá trình hình thành nghệ thuật cải lương là một quá trình phức tạp. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, “Ca ra bộ” do nhạc sư Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) tại Cái Thia – Tiền Giang chế ra từ năm 1916. Ca ra bộ xuất hiện đầu tiên ở Vĩnh Long trong nhóm đờn ca tài tử của ông Tống Hữu Định. Nhưng khi nó được đưa lên sân khấu ở Mỹ Tho, để ra mắt quần chúng rộng rãi, thì mới được chú trọng. Lúc đó, ở Thành phố Mỹ Tho có rạp chiếu bóng Casino của ông Châu Văn Tú, để lôi cuốn khách được hình thành từ lối ca hát tài tử, ca ra bộ và dần dà phát triển thành những kịch bản được diễn xuất trên sân khấu nhằm đáp ứng nhu cầu của khán thính giả thời bấy giờ. Đến năm 1920, gánh Tân Thinh có hai câu đối treo trước sân khấu:

Cải cách hát ca theo tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.

Cải lương có nghĩa là thay đổi tốt hơn khi so sánh với hát bội. Sân khấu cải lương là một loại hình sân khấu khác hẳn với hát bội cả về nội dung vở soạn lẫn nghệ thuật trình diễn.

Từ đó loại hình ca kịch sân khấu này mang tên “cải lương”. “Ban” hay “đoàn cải lương” là tên bảng hiệu, còn dân gian gọi là “gánh cải lương”, do xưa đi diễn ở vùng sâu vùng xa không có xe cộ, đào kép nhân viên đều phải gánh đạo cụ, y trang tới dựng rạp, treo màn nên gọi là “gánh hát”.

Từ sự ra đời của cải lương ở miền Nam, nó phát triển được khắp các miền đất nước. Nơi nào cũng tiếp nhận dễ dàng. Khác với một số thể loại như chèo chỉ ở Bắc, cung đình chỉ ở Huế, ca kịch bài chòi chỉ ở Nam Trung Bộ…

Ca ra bộ được đông đảo quần chúng hâm mộ, dần dần phát triển và con đường phát triển tất yếu của nó là đi vào nghệ thuật sân khấu, biến hát bội thành “hát bội pha cải lương” rồi tiến lên chuyển mình thành một loại hình riêng.

Âm nhạc cải lương cũng không kém phần phong phú, nào là nhạc dân ca, nhạc truyền thống và sau này có thêm tân nhạc. Lúc này, làn điệu vọng cổ không những đóng vai trò chủ chốt mà nó còn là linh hồn của cải lương. Bên cạnh đó, nhạc cụ cải lương cũng đóng một vai trò đáng kể. Mặc dù chỉ sử dụng nhạc cụ truyền thống (đàn cò, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, trống cơm…). Dàn nhạc trong cải lương bắt nguồn từ dàn nhạc lễ trong cung đình, sau đó do tính chất của nhạc lễ dần thay đổi từ trang nghiêm sang chất đời thường, gắn với tâm tư người lao động. Vì thế tên gọi ban nhạc tài tử đã được thay thế cho ban nhạc lễ. Các sáng tác mới trên cơ sở âm điệu dân tộc như Giang Nam, Phụng Hoàng, Tứ Đại, Văn Thiên Tường…

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Pháp cho du nhập vào nước ta những phim ảnh, sách báo và những đĩa hát, về sau có nhiều đoàn kịch hát Trung Quốc sang biểu diễn tại Sài Gòn. Do đó, nghệ thuật cải lương có cơ hội thu hút thêm tinh hoa sân khấu của nước ngoài như cách diễn xuất, sử dụng một số bài bản nước ngoài phù hợp với cách diễn tấu của dàn nhạc cải lương, học tập cách sử dụng bộ gõ bổ sung thêm kèn mới vào dàn nhạc cải lương.

Từ sau Hiệp định Geneve (1954), cải lương càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ, trở thành một loại hình nghệ thuật, một bộ môn sân khấu có khả năng thu hút hàng đêm cả vạn triệu khán thính giả say mê đến với nó tại các nhà hát hay bên chiếc radio.

Nghiên cứu toàn bộ lịch sử cải lương qua những nét đại thể, chúng ta thấy loại hình nghệ thuật này mang đặc điểm nổi bật. Đó là nền nghệ thuật mang tính giải phóng của người nông dân bị áp bức và mất nước, phải vùng lên để chiến đấu cho sự sống còn của tầng lớp mình, dân tộc mình. Tiếng nói của họ là tiếng ca bất khuất và đã được thể hiện qua nhiều tác phẩm mà “Đời cô Lựu” là một vở tiêu biểu của tác giả Trần Hữu Trang, vốn là một nông dân, một nghệ sĩ, trí thức.

Đề tài và cốt truyện ngay từ đầu đều khai thác các truyện Nôm của ta như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên hoặc các câu truyện trong khung cảnh xã hội Việt Nam. Sau đó chiều theo thị hiếu của khán giả, sân khấu cải lương cũng có một số vở soạn theo các truyện, tích của Trung Quốc hoặc dựng lên những cốt truyện với nhân vật, địa danh có vẻ của Trung Quốc nhưng những cảnh ngộ, tình tiết thì của xã hội Việt Nam. (Mộc Quế Anh, Phụng Nghi Đình…. Sau đó là Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu…).

Diễn xuất của diễn viên thường diễn một cách tự nhiên, nhất là khi diễn về đề tài xã hội thì diễn viên diễn như kịch nói. Cải lương cũng có múa và diễn võ nhưng nhìn chung là những động tác trong sinh hoạt để hài hòa với lời ca chứ không phải là hình thức bắt buộc.

Y phục trong các vở về đề tài xã hội, diễn viên ăn mặc như nhân vật ngoài đời. Trong các vở diễn về đề tài lịch sử dân tộc… thì y phục của diễn viên chỉ mới có tính ước lệ chứ chưa đúng với hiện thực.

Nhạc cải lương là một loại nhạc sân khấu, được phát triển dựa trên phong trào ca nhạc tài tử. Loại nhạc này bắt nguồn từ nền ca nhạc dân gian lâu đời của nước ta. Nó nằm trong kho tàng văn hóa dân tộc, và đồng thời phát triển với những cuộc di dân về phương Nam của ông cha ta. Cũng những cây đàn ấy khi vào phương Nam thì trở nên linh động với những màu sắc mới lạ và biến thành một loại hình nghệ thuật độc đáo. Âm nhạc cải lương hơi nhẹ nhàng vì dùng đàn dây tơ và dây kim, không có kèn trống như hát bội. Cải lương có những làn điệu bài bản cố định, từ đó nhạc sĩ thiết kế để phù hợp với tâm trạng từng nhân vật. Yếu tố hàng đầu cho một giọng ca cải lương hay chính là sức mạnh truyền cảm. Một giọng ca hời hợt, chỉ thấy lời mà không thấy lòng người thì không phải là giọng ca hay. Một giọng ca hay là giọng ca lột tả đến cùng tình cảm của câu hát, của tâm trạng nhân vật bằng tất cả rung động của trái tim người hát và bằng cả quá trình khổ luyện, tìm ra được cách biểu hiện tốt nhất. Mỗi người sẽ tạo ra một chất giọng riêng, như người ta dễ dàng nhận ra giọng hát của nghệ sĩ Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ.., hay Út Trà Ôn, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh… trên sân khấu miền Nam.

Tóm lại, cải lương là một nghệ thuật dân gian xuất phát từ miền Nam và lần lần được cả ba miền ưa thích. Cải lương có khả năng thực hiện những đề tài mới do tính cách động. Cải lương dễ chấp nhận những phong cách biểu diễn mới, du nhập cách múa của hát Tiều, hát Quảng kể cả những làn điệu của phương Tây, Trung Quốc… phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Nam bộ. Từ nhạc cổ và nhạc lễ chuyển thành nhạc tài tử, từ nhạc tài tử tiến lên hình thức ca ra bộ rồi chuyển thành loại hình nghệ thuật sân khấu, có kịch bản văn học, diễn viên, nhạc công, thiết kế mỹ thuật, quá trình hình thành sân khấu cải lương là quá trình kế thừa và phát triển truyền thống âm nhạc dân tộc và tiếp thu văn hóa nước ngoài. Cải lương đã đưa lại một giá trị tinh thần cho người Việt Nam. Nó khai thác thế giới tâm hồn của con người, bằng cảm nhận của tinh thần, đạo lý. Thế giới tình cảm được chắt lọc và được thăng hoa qua ngôn ngữ và phương tiện nghệ thuật biểu diễn đầy sức truyền cảm của diễn viên, nó tác động mạnh và trực tiếp nhận thức tình cảm của người xem. Vì vậy, cải lương- một nghệ thuật sân khấu đẹp trong hình thức lẫn nội dung, mang tính truyền thống đặc trưng của người dân Nam bộ cần được lưu giữ và phát triển để thế hệ trẻ được học hỏi, hiểu biết thêm về nghệ thuật này.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 11 năm 2021

Nguyễn Thị Thu Hồng

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tham khảo:

– Tạp chí Di sản Văn hóa – số 2(23) – 2008, Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương, (Cục Di sản văn hóa)

– www.vhntct.edu.vn, Nghệ thuật cải lương Nam Bộ.

– www.dattour.vn, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ