Họp mặt đại diện 41 nữ tù Côn Đảo

Sáng nay, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã diễn ra cuộc họp mặt “41 nữ tù chính trị Côn Đảo”, cuộc họp mặt do các chị là con của một những nữ tù chính trị Côn Đảo thời kỳ đấu tranh chống ly khai Cộng sản, giai đoạn 1957 – 1958 tổ chức. Về tham dự buổi họp mặt có 7 Dì – nguyên là nữ tù chính trị, đại diện 41 nữ tù chính trị Côn Đảo trong cuộc đấu tranh chống ly khai cộng sản năm 1957- 1958: bà Phạm Thị Mộng Vân, bà Nguyễn Thị Xuân, bà Trần Thị Minh Sơn, bà Bùi Thị Ngừng, bà Nguyễn Thị Yến, bà Trương Thị Khuyến và bà Đặng Thị Hồng.

               Tham dự buổi họp mặt còn có đại diện lãnh đạo của Ban quản lý Di tích Côn Đảo, Ban giám đốc Bảo tàng Côn Đảo, ông Phạm Quang – nguyên Giám đốc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Tư – nguyên Chủ tịch UBND Phường 14, Quận 3, Đài Truyền hình TFS, đại diện Ban giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và sự góp mặt của bà Trần Tố Nga (con gái Liệt sĩ Nguyễn Thị Tú – một trong 41 nữ tù chính trị Côn Đảo).

Như tất cả những người tù chính trị ở miền Nam nói chung và tù chính trị nói riêng, những tù chính trị Côn Đảo cũng phải đối mặt với chính sách lao tù vô cùng tàn bạo và khắc nghiệt của chế độ Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ. Đó là chính sách trường kỳ, truy bức tư tưởng, khuất phục về chính trị, làm tê liệt dẫn đến mất ý chí chiến đấu, tiến đến tiêu diệt sinh mạng chính trị của từng người, ép ly khai cộng sản, chấp nhận chính quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam.

Để thực hiện ý đồ trên, kẻ địch không ngừng tăng cường cô lập, cách ly, khủng bố, đọa đày, tác động tinh thần, kết hợp với dụ dỗ, mua chuộc, ly gián, cùng với vô vàn thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi, buộc từng người tù phải căng thẳng thần kinh quá sức chịu đựng cho đến khi phải gục ngã hoàn toàn.

Những người tù chính trị không còn cách nào khác hơn, bằng thứ vũ khí tư tưởng duy nhất trong chốn ngục tù là tinh thần kiên trung cách mạng và lòng tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc, vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, sẵn sàng đương đầu với kẻ địch để bảo vệ khí tiết và phẩm giá của người chiến sĩ cách mạng. Công văn số 3823-BNV/NA/MP3 ngày 30 tháng 7 năm 1958 của Bộ nội vụ Ngụy đã ghi nhận: “Việt cộng đang nỗ lực hoạt động để biến trung tâm huấn chính của ta thành trường huấn luyện của chúng…”. Trong đó tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh của 41 nữ tù chính trị cách mạng nhà tù Côn Đảo chống ly khai Đảng năm 1957 – 1958.

Nữ tù chính trị bị dày ra Côn Đảo có nhiều thành phần, hoàn cảnh mỗi người có khác nhau. Có người là cán bộ, đảng viên, có người chỉ là cơ sở cách mạng tiếp tế cho kháng chiến, nuôi giấu cán bộ, có người còn đang nặng gánh gia đình có con nhỏ phải mang theo vào tù, thậm chí có cả người đang mang thai sắp đến ngày sinh nở, và có người có kinh nghiệm trong quá trình công tác chiến đấu nhưng cũng có người thời gian thử thách cách mạng còn non yếu…

Trong buổi họp mặt, dù đã ngoài 80 tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn, các Dì đã bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm thuở 18, đôi mươi của mình với phong trào đấu tranh chống ly khai Cộng sản năm 1957-1958 trong nhà tù Côn Đảo khắc nghiệt của bọn thực dân, đế quốc. Dù không một tấc sắt trên tay, chỉ bằng tấm lòng gan dạ trung kiên, một lòng vì Đảng, một lòng vì đất nước, một lòng vì Bác Hồ, các Dì đã kiên cường, bất khuất, không khuất phục bất chấp những đòn roi tra tấn, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của mình để đấu tranh lại với kẻ thù vô cùng tàn bạo. Những người tham dự buổi họp rất cảm động và đánh giá cao sự đóng góp của các Dì trong suốt thời kỳ kháng chiến, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mong muốn của các Dì nữ tù chính trị Côn Đảo truyền lửa, tinh thần đấu tranh bất khuất của phụ nữ Việt Nam đến các thế hệ mai sau.

Buổi họp mặt kết thúc vào lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày, các Dì bịn rịn chia tay nhau, người trở về Cần Thơ, người về Biên Hòa…Đối với các Dì, đó là thời kỳ oanh liệt và khó quên, là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

                                    Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 7 năm 2012

                                                                        Thanh Tú

alt