Giới thiệu trưng bày “Hình tượng phụ nữ trong mỹ thuật Việt Nam”

alt

Việt Nam là một dân tộc có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước với nhiều chiến công của quân và dân ta qua các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc được ghi nhận vào sử sách. Bên cạnh truyền thống đấu tranh hào hùng, dân tộc ta còn có một nền nghệ thuật phát triển khá sớm, ngay từ thời tiền sử. Theo sử liệu của khảo cổ học và mỹ thuật Việt Nam, những dấu vết đầu tiên được tìm thấy về hình tượng người phụ nữ trong lịch sử nghệ thuật tạo hình là người Việt xưa đã phản ánh vẻ đẹp của các cô gái nguyên thuỷ bằng những nét khắc thô sơ trên vách đá hang Đồng Nội (Hoà Bình). Thời đồ đồng, người phụ nữ cùng công việc, chức năng của họ đã đi vào đời sống mỹ thuật khá độc đáo. Từ đầu đến eo, hông của phụ nữ được tạo hình thành chuôi dao, cán rìu, rồi đến những công việc như xay thóc, giã gạo, nhảy múa và nhiều động thái vũ đạo được cách điệu bằng những mảng kỷ hà khái quát trên mặt và tang trống đồng Ngọc Lũ.

Thời kỳ đất nước đấu tranh chống xâm lược, mỹ thuật dân gian Việt Nam cuốn hút vào nhiều thể loại cổ động biểu thị ý chí toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc với nhiều chất liệu khác nhau về điêu khắc, tranh vẽ… tố cáo tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, ca ngợi lãnh tụ và các anh hùng thời đại như tượng “Chị Võ Thị Sáu”- một tác phẩm bằng thạch cao đầy hiên ngang, bất khuất. “Bà mẹ ngoáy trầu” bằng gỗ với dáng người gầy gò, chịu nhiều đau khổ, mất mát của chiến tranh nhưng vẫn đầy tình thương trìu mến, ngồi canh giữ làm ám hiệu cho đàn con khi giặc đi lùng ráp, hoặc hình ảnh “Má Rành” với bố cục đơn giản chỉ là khắc họa chân dung mẹ với nét thời gian của buổi xế chiều thật hiền hậu, nhưng rất anh hùng và gan dạ, đem lại cho người xem cảm giác đó là tính cách tiêu biểu của các bà mẹ miền Nam anh hùng.

Để thể hiện nhiều khía cạnh của cuộc sống con người, hình ảnh về cái đẹp người phụ nữ được thể hiện dưới góc độ mỹ thuật ngày càng cao hơn, đẹp hơn. Chính vì thế mỹ thuật dân gian càng ngày càng phát triển hòa nhập cùng những thể loại mỹ thuật hiện đại phục vụ cuộc sống tinh thần người Việt Nam đạt đến chân – thiện – mỹ. Người phụ nữ không chỉ là khách thể của mỹ thuật mà chính họ còn là chủ thể sáng tạo trên lĩnh vực mỹ thuật.

Nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2012), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, Chi hội Di sản văn hóa gốm Nam Bộ và một số nhà sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày chuyên đề “Hình tượng phụ nữ trong mỹ thuật Việt Nam” với mong muốn giới thiệu những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa dân gian truyền thống, về những giá trị di sản có liên quan đến phụ nữ trong mỹ thuật Việt Nam đến công chúng thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, làm phong phú thêm các hình thức giáo dục của Bảo tàng về giới, góp phần xóa bỏ sự cách biệt về giới trên mọi lĩnh vực của xã hội, phản ảnh những đóng góp tích cực của phụ nữ trong xây dựng và phát triển đất nước, làm rõ vai trò của phụ nữ trong việc sáng tạo các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di sản văn hoá Việt Nam.

Phòng trưng bày “Hình tượng phụ nữ trong mỹ thuật Việt Nam” khai mạc vào ngày 10/10/2012 đến ngày 04/01/2013 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, số 202 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3.

                        Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 10 năm 2012

                                                           Hiển Linh

alt