Bộ sưu tập áo dài phụ nữ Việt Nam_en

Trải qua quá trình phát triển, chiếc áo dài đã trở thành trang phục mang đậm màu sắc văn hoá dân tộc.Theo thời gian, qua nhiều lần cải tiến, chiếc áo dài Việt Nam ngày càng có giá trị thẩm mỹ cao. Chiếc áo dài thật sự mang nét đẹp truyền thống, chứa đựng tâm hồn dân tộc, vừa duyên dáng vừa quyến rũ, đã làm tôn vẽ đẹp cho người phụ nữ Việt Nam.

Theo sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quí Đôn, áo dài Việt Nam ra đời từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 – 1765), mang màu sắc dung hòa của hai miền Nam  và Bắc với kiểu áo cổ đứng, tay dài, cửa tay rộng hoặc hẹp tuỳ mục đích sử dụng, không hở lườn.

          Thời Vua Gia Long (1762 – 1820), áo dài được xem là trang phục chính: đàn ông, đàn bà, cụ già hay con trẻ, giới thượng lưu, trung lưu hay bình dân…đều mặc áo dài. Chiếc áo dài của phụ nữ có kiểu áo hai vạt buông thả xuống, không cài khuy, cũng có khi buộc hai vạt vào nhau, nên người ta gọi là áo buộc vạt.. Song song đó, phụ nữ  miền Nam còn có kiểu áo năm thân kín cổ, có người mặc áo mớ ba cài nút kín, cổ áo trong cao hơn cổ áo ngoài. Bên trong áo dài, người phụ nữ mặc thêm áo túi bằng vải mỏng để cất khăn, tiền.

          Năm 1932, họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ đã thiết kế ra chiếc áo dài cách tân Le Mur với vẻ diụ dàng của áo tứ thân, kết hợp với sự quyến rũ mềm mại của váy đầm phương Tây, phù hợp với dáng vẻ của phụ nữ Việt Nam: không hở lườn, vạt áo dài, tà cong, khuy áo theo phương Tây, thêm volant ở cửa tay và một số chi tiết ngoại nhập như ren, khăn voan…

          Theo thời gian, áo dài Việt Nam ngày càng hoàn thiện theo không gian, đặc điểm cơ thể và theo quy luật của khí hậu.

          Đến thập niên 50-60, chiếc áo dài được cải tiến đôi chút, với kiểu tà rộng, eo thắt, nhấn pince trước và sau, dài chấm gót, cổ áo cao có lót hồ cứng, ống tay hẹp.

          Thời Ngô Đình Diệm, năm 1958 xuất hiện kiểu áo Trần Lệ Xuân với thiết kế hở cổ, khoét rộng xuống lưng theo hình trái tim, hình tròn hoặc vuông, gài áo bằng dây kéo, có đôi khi áo được thiết kế không tay, vạt áo ngắn.

          Sau 1968, áo dài mini xuất hiện với thiết kế tà hẹp, vạt áo ngắn đến gối, tay raplant chứ không nối giữa khủy tay như trước. Áo rộng, không chít eo, nhưng vẫn lượn theo thân thể, cổ áo thấp. Quần dài, gấu rộng có khi đến 60 cm.

          Sau 1975 đến thập niên 90, áo dài không thay đổi nhiều, chủ yếu chỉ thay đổi về chất liệu vải, hoa văn. Phụ nữ thời bấy giờ rất thích mặc áo quần đồng màu.

          Những năm gần đây qua những nhà tạo mẫu cùng với thị hiếu của phụ nữ, chiếc áo dài đã có nhiều biến tấu hơn trước, song về cơ bản vẫn giữ được nét đặc trưng riêng. Như vậy chiếc áo dài với hình dáng truyền thống vẫn luôn được kế thừa và trở thành trang phục của mọi người phụ nữ trong dịp lễ hội, cưới xin, đi học, đi làm.

          Bộ sưu tập áo dài phụ nữ Việt Nam của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ với 65 hiện vật sẽ giới thiệu một cách tổng thể nhất, tiến trình biến đổi của chiếc áo dài Việt Nam qua các thời kỳ.