Bộ sưu tập tư liệu và hình ảnh Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam_en

Từ những năm 1926 – 1927, ở Nam Bộ đã xuất hiện những cơ sở của tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Ngay từ buổi đầu đó, có không ít những người phụ nữ tham gia như Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt, Trần Thị Hân, Trần Thị Đầy, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Lựu, Thái Thị Nhạn. Xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau, tuy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng họ đã vượt qua mọi ràng buộc của lễ giáo và dư luận xã hội phong kiến, hăng hái tham gia cách mạng, nhiều chị đã trở thành nòng cốt của Đảng sau đó.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 đã ghi: “nam nữ bình quyền”. Đảng đã sớm nhận rõ: phụ nữ là một lực lượng quan trọng của cách mạng, không có phụ nữ thì cách mạng không thể thành công. Từ đó Đảng đề ra nhiệm vụ: giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc, phải thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi kéo các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Tuỳ theo tình hình và nhiệm vụ của từng thời kỳ, Hội Phụ nữ có nhiều tổ chức và tên gọi khác nhau: Phụ nữ Hiệp Hội, Phụ nữ Giải Phóng, Phụ nữ Dân Chủ, Phụ nữ Phản Đế, Đoàn Phụ nữ Cứu Quốc, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam. Từ năm 1948 Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới. Năm 1976, tổ chức Hội phụ nữ ở hai miền Nam – Bắc (Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) hợp nhất lại thành một tổ chức thống nhất là Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Phong trào phụ nữ cả nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đạt nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên được Đảng và Nhà Nước tặng thưởng các danh hiệu:

– “Anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang” (cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1965)

– “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm – đảm đang chống Mỹ cứu nước” (cho Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 1966)

– “Đổi mới – đoàn kết – trung hậu – đảm đang” (1992)

– “Phụ nữ Việt Nam trung hậu – đảm đang – tài năng và anh hùng” (1995)

– “Năng động -sáng tạo – trung hậu – đảm đang” (2002)

 Với bộ sưu tập 1.315 tư liệu và hình ảnh với nhiều nội dung phong phú như: phong trào phụ nữ những năm đầu thế kỷ XX, trang bị của cán bộ Hội trong kháng chiến, những gương mặt tiêu biểu trong phong trào Hội phụ nữ, … sẽ giúp các bạn hình dung được sự trưởng thành và lớn mạnh của Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam với những đóng góp thiết thực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước trong quá khứ và đương đại.