NHÂN NGÀY HÀNG HẢI THẾ GIỚI 28 THÁNG 9, NHỚ VỀ BÀ NGUYỄN THỊ ĐỊNH – NỮ THUYỀN TRƯỞNG ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM “MỞ ĐƯỜNG” CHO ĐOÀN TÀU KHÔNG SỐ

Ngày 28 tháng 9 được Liên Hợp Quốc chính thức chọn là ngày hàng hải thế giới, được tổ chức hàng năm, là cơ hội để thu hút sự chú ý vào tầm quan trọng của vận tải biển an toàn, an ninh hàng hải và môi trường biển và để nhấn mạnh vai trò đặt biệt của IMO (International Maritime Organization- tên viết tắt của tổ chức Hàng hải quốc tế). Các chính phủ được khuyến khích ghi dấu ngày này theo lựa chọn của họ, nhưng thường là trong tuần cuối cùng của tháng chín.

Ngày 28 tháng 9 được Liên Hợp Quốc chính thức chọn là ngày hàng hải thế giới, được tổ chức hàng năm, là cơ hội để thu hút sự chú ý vào tầm quan trọng của vận tải biển an toàn, an ninh hàng hải và môi trường biển và để nhấn mạnh vai trò đặt biệt của IMO (International Maritime Organization- tên viết tắt của tổ chức Hàng hải quốc tế). Các chính phủ được khuyến khích ghi dấu ngày này theo lựa chọn của họ, nhưng thường là trong tuần cuối cùng của tháng chín.

Mỗi năm, ngày hàng hải thế giới đều có chủ đề riêng được thực hiện xuyên suốt trong công tác của IMO trong cả năm.

Năm 1948, Hội nghị quốc tế tại Geneve đã phê chuẩn công ước thành lập tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) – cơ quan chuyên ngành của Liên Hiệp Quốc nhằm xây dựng và duy trì khung pháp lý hữu hiệu cho vận tải biển.

Nhấn mạnh vai trò của ngành vận tải biển trong chiến lược phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, “Thuyền viên: cốt lõi của tương lai vận tải biển” đã được chọn làm chủ đề hàng hải thế giới năm 2021, phản ánh nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của người đi biển đối với thương mại thế giới và để mở rộng tầm nhìn của họ.

Sự tập trung vào những người đi biển xuất hiện khi đại dịch Covid-19 đặt ra những đòi hỏi phi thường và chưa từng có đối với họ. Hàng trăm nghìn người đi biển đã phải đối mặt và vẫn đang phải đối mặt với thời gian trên biển kéo dài, nhiều tháng sống và làm việc trên tàu cách xa gia đình và những người thân yêu của họ. Chủ đề này sẽ cung cấp sự linh hoạt cho các quốc gia thành viên và các tổ chức phi chính phủ với vai trò tham vấn cho IMO để tập trung vào thuyền viên là những người trung tâm của vận tải biển, đồng thời cho phép các hoạt động đi sâu vào các chủ đề cụ thể liên quan đến vai trò của thuyền viên trong an toàn hàng hải, an ninh, bảo vệ môi trường biển, sức khỏe của thuyền viên, tương lai của nghề đi biển trong bối cảnh số hóa và tự động hóa ngày càng tăng.

Chủ đề hàng hải thế giới cho năm 2021 cũng liên kết với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc – đặc biệt là mục tiêu 4 về giáo dục và đào tạo; mục tiêu 8 liên quan đến công việc tốt đẹp; mục tiêu 9 về đổi mới và công nghiệp, liên kết với việc thúc đẩy lĩnh vực hàng hải có khả năng phục hồi mạnh mẽ; và mục tiêu 5 về bình đẳng giới, gắn với nỗ lực thúc đẩy nghề đi biển trở thành nghề nghiệp của tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Hơn nữa, chủ đề năm 2021 có thể được xem như một phần mở rộng của chủ đề năm 2020, đó là “Vận tải biển bền vững cho một hành tinh bền vững” vì những người đi biển cũng là cốt lõi của chủ đề đó.

Nhiều thế kỷ trước, nghề đi biển được coi là nghề chỉ của đàn ông. Mặc dù phụ nữ đã xuất hiện trong ngành hàng hải nhưng chủ yếu là ở vị trí ngoại vi, bên ngoài. Một số phụ nữ đã được ghi nhận là đã đi tàu với chức danh làm phục vụ trên tàu, hay nhà thám hiểm hoặc đi cùng với chồng là thuyền trưởng, nhưng nhìn chung không tham gia vào việc vận hành, điều khiển tàu chạy. Mãi đến giai đoạn sau năm 1945, phụ nữ mới bắt đầu xuất hiện thường xuyên với tư cách là thuyền viên trên tàu chở hàng.

Trong thực tế, phụ nữ đã chứng tỏ vai trò và những đóng góp của họ trong ngành hàng hải. Từ những năm 1960, nghề đi biển trở thành một nghề khác, không đòi hỏi quá nhiều cơ bắp nữa. Nhờ những tiến bộ về khoa học công nghệ, người đi biển cần có bộ óc giỏi và phụ nữ làm tốt hơn trong lĩnh vực này. Phụ nữ cũng là những người chăm chỉ và làm việc có kỷ luật hơn đàn ông. Hơn nữa, có phụ nữ trên tàu thì môi trường xã hội của toàn bộ con tàu được cải thiện. Ngôn ngữ trên tàu sẽ trong sáng, tích cực hơn khi có phụ nữ. Đối với các vị trí làm việc trên bờ, trong các công ty vận tải biển, ở cảng, hay các công ty môi giới, phụ nữ đều có thể phát huy điểm mạnh của mình để thăng tiến trong công việc và đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng hải.

Vai trò của phụ nữ trong ngành này đã dần dần được thế giới thừa nhận. Những chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia vào ngành hàng hải cũng đã được các tổ chức quốc tế quan tâm ban hành. Đây thực sự là những động lực, cơ hội cho việc gia tăng số lượng phụ nữ tham gia vào ngành hàng hải.

Ngành hàng hải, cũng như các ngành khác, việc kết hợp cả nam và nữ cùng tham gia làm việc sẽ làm tăng năng suất của ngành vì phụ nữ có những điểm mạnh bổ sung có những điểm yếu của đàn ông. Vì thế cần phải có chính sách và biện pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào ngành này. Bởi lẽ, người hưởng lợi cuối cũng sẽ không phải riêng phụ nữ hay đàn ông mà là cả ngành hàng hải.

Nhờ có sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngành hàng hải cũng phát triển và tạo ra ngày càng nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia vào ngành này trên mọi vị trí. Ngày nay, chúng ta có thể thấy phụ nữ trên mọi cương vị, vị trí của ngành hàng hải từ lãnh đạo cấp cao như giám đốc cảng, công ty vận tải đến làm các vị trí trước đây vốn chỉ là của đàn ông do đặc tính công việc yêu cầu như là thuyền viên.

Nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam “mở đường” cho đoàn tàu không số

Xuất thân từ một gia đình ở miền quê giàu truyền thống yêu nước (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), bà Nguyễn Thị Định (sinh ngày 15/3/1920) bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng năm 16 tuổi, năm 18 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, bà bị giặc bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, Sông Bé (Bình Phước ngày nay), chồng bà cũng bị giặc bắt, con trai vừa mới sinh phải gửi cho gia đình nuôi.

Năm 1943, địch thả bà về và quản thúc tại địa phương. Thời gian này bà lâm bệnh khi sức khỏe chưa hồi phục, bà lại nhận tin chồng hy sinh ngoài Côn Đảo. Ba năm trong sự giam cầm hà khắc ở nhà lao cũng là ba năm hoạt động kiên cường, bất khuất của cô gái xứ dừa có tố chất của một nữ tướng.

Trở về Bến Tre, tiếp tục sự nghiệp cách mạng, bà Nguyễn Thị Định liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng và tham gia giành chính quyền ở thị xã Bến Tre trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Trong cuộc giành chính quyền năm 1945, bà chính là người đi đầu dẫn hàng nghìn người dân tiến vào giành chính quyền ở thị xã Bến Tre. Ngày 23/9/1945, khi nhân dân miền Nam mới được hưởng độc lập tự do hơn 20 ngày, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, tiếng súng kháng chiến lại rền vang trên bầu trời Nam Bộ. Tháng 3 năm 1946, bà Nguyễn Thị Định được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Trung ương và Bác Hồ về tình hình cách mạng miền Nam và Khu 8 sau Hiệp định sơ bộ 6/3. Sau đó, trực tiếp chuyển 12 tấn vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường Tây Nam bộ, tạo tiền đề cho sự hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển, chở những đoàn tàu không số từ Bắc vào Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Con đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được thành lập ngày 23/10/1961. Tuy nhiên, chính những con người Nam Bộ quả cảm trong đoàn quân năm ấy của bà Nguyễn Thị Định là những người đã “khai sơn, phá thạch” cho con đường huyền thoại này về sau. Từ năm 1954, bà lần lượt giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre. Sau ngày thống nhất đất nước, bà là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII; Thứ trưởng Bộ Thương binh – Xã hội, Bí thư Đảng đoàn và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Ngày 17/4/1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bà từ trần ngày 26/8/1992, ngày 30/8/1995 được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

56 năm hoạt động cách mạng không biết mệt mỏi, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, với đức tính khiêm tốn, nhận hậu, gắn bó mật thiết với nhân dân, sức chịu đựng và hy sinh vượt lên trên mất mát đau thương của một người vợ, người mẹ và tinh thần hăng hái làm việc đến hơi thở cuối cùng. Với bạn bè thế giới, bà là biểu tượng của cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, đoàn kết, hữu nghị của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Bà từng được Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn.

Sinh thời, năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về bà: “Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Cuộc đời bà Nguyễn Thị Định là một huyền thoại, bà là người phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Nam Bộ mà Đảng và Bác Hồ đã trao tặng tám chữ vàng: Anh hùng- Bất khuất, Trung hậu- Đảm đang.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 9 năm 2021

Hồ Ngọc Phương

Phòng Truyền Thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

Tài liệu tham khảo:

1. Sách “Nữ tướng Nguyễn Thị Định” – NXB Phụ Nữ tháng 12/2005.

2. Cổng thông tin điện tử Cục đăng kiểm Việt Nam ngày 24/08/2020.

3. Tin tức công ty cổ phần vận tải biển Sài Gòn tháng 02/2021.

4. Bảng tin của cảng vụ Hàng hải TP.HCM ngày 10/06/2021.