BÀN THÊM VỀ CÁCH XÁC ĐỊNH ĐẾ HỆ NHÀ NGUYỄN

Trong một số bài viết trên báo gần đây về tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hoàng tộc nhà Nguyễn sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thường có chi tiết “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cụ Ưng Úy (Thượng thư Bộ Lễ thời Bảo Đại, chú ruột Bảo Đại)…”. Thực ra, cụ Ưng Úy không phải là chú ruột của Bảo Đại. Để viết chính xác mối liên hệ giữa các nhánh hoàng tộc nhà Nguyễn thì cần hiểu rõ quy cách đặt và gọi tên theo Đế hệ nhà Nguyễn.
1. Về cách đặt tên trong họ Nguyễn Phúc

Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc xuất bản (Nxb Thuận Hóa – Huế, 1995) cho biết: Khi Đức Thái Tổ Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại phương Nam, truyền ngôi cho con là Đức Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên thì con cháu đời sau mới thực sự ghép chữ “Phúc” vào với họ Nguyễn dựng nên họ Nguyễn Phúc. Sau này, đến thời Thánh Tổ Minh Mạng (Mệnh) lên kế nghiệp, nhà vua đã cho lập Tôn Nhơn Phủ để coi sóc các người trong họ, lập Ngọc phả để ghi tên những người thân thuộc, dùng chữ “tông thất” để gọi những người cùng họ với nhà vua. Ngoài ra còn phân biệt thân, sơ bằng cách phân chia thành Đế hệPhiên hệ Tiền hệChính hệ.
Tiền hệ hay gọi tắt là Hệ dùng để chỉ con cháu của các Đế từ Thái Tổ đến Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần), gồm 9 đời (tức con cháu thuộc chín chúa xưng vương ở phương Nam).
Chính hệ là con cháu của Thế Tổ Gia Long trở về sau. Trong Chính hệ phân làm hai: Đế hệ chỉ con cháu của Đức Thánh Tổ Minh Mạng. Phiên hệ (“phiên” là hàng rào) ý nói làm phên rào cho hoàng gia để chỉ con cháu của anh em Đức Thánh Tổ. Cách đặt tên trong Đế hệ đã được khái quát thành một bài thơ gọi là Đế hệ thi, đó là:
Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quí Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thụy Quốc Gia Xương
Khi ban bố cách đặt tên này, vua Minh Mạng đã nói: “Trẫm không dám so sánh với nhà Chu xưa ở Trung Nguyên bói năm được 700 năm, bói đời được 30 đời. Nhờ các tiên đế ta tích nhân đức, chính sự ân huệ tốt họ Nguyễn Phúc được cội sâu gốc bền, nghiệp lớn tốt thịnh. Trẫm chỉ giơ tay lên trán cầu trời cho từ nay về sau con cháu ta nhận nối cơ đồ lớn, hưởng được 500 năm, tức là hơn 20 đời, chẳng dám mong nhiều hơn” (Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam Thế hệ đầu theo Đế hệ thim, Nxb Thời Đại, 2013, tr. 323-324).
2. Các vị hoàng đế nhà Nguyễn theo Đế hệ thi
Như vậy, vua Minh Mạng muốn sau mình, vương triều Nguyễn sẽ truyền tới 20 đời và 500 năm. Thế nhưng nhà Nguyễn đãThế hệ đầu theo Đế hệ thi dừng lại ở chữ Vĩnh – đời thứ 5 với 11 vị hoàng đế (bao gồm cả chi khác và thế hệ trước, tức không tuần tự).

Từ trái qua phải là vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân (ba nhà vua yêu nước nổi tiếng)

Thế hệ đầu theo Đế hệ thi là Hoàng đế thứ 3 Thiệu Trị – Nguyễn Phúc MIÊN Tông.
Thế hệ thứ 2 có 2 vị vua là Hoàng đế thứ 4 Tự Đức – Nguyễn Phúc HỒNG Nhậm và Hoàng đế thứ 6 Hiệp Hòa – Nguyễn Phúc HỒNG Dật.
Thế hệ thứ 3 gồm 4 vị vua: Hoàng đế thứ 5 Dục Đức – Nguyễn Phúc ƯNG Chân; Hoàng đế thứ 7 Kiến Phúc – Nguyễn Phúc ƯNG Đăng; Hoàng đế thứ 8 Hàm Nghi – Nguyễn Phúc ƯNG Lịch; Hoàng đế thứ 9 Đồng Khánh – Nguyễn Phúc ƯNG Kỷ.
Thế hệ thứ 4 có Hoàng đế thứ 10 Thành Thái – Nguyễn Phúc BỬU Lân và Hoàng đế thứ 12 Khải Định – Nguyễn Phúc BỬU Đảo.
Thế hệ thứ 5 có 2 hoàng đế là Hoàng đế thứ 11 Duy Tân – Nguyễn Phúc VĨNH San (con của hoàng đế Thành Thái – BỬU Lân) và vị hoàng đế cuối cùng, hoàng đế thứ 13 Bảo Đại – Nguyễn Phúc VĨNH Thụy (con trai của hoàng đế Khải Định – BỬU Đảo).
3. Hoàng thân Ưng Úy không phải chú ruột vua Bảo Đại
Theo quy định đặt tên nghiêm ngặt của Đế hệ thi như trên, Hoàng thân Ưng Úy không phải là chú ruột của vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại ứng với chữ thứ 5 của Đế hệ thi – chữ VĨNH. Như vậy, nếu là chú ruột vua Bảo Đại chắc chắn người đó phải đảm bảo 2 điều kiện (cần và đủ):
Một là, phải mang chữ ở hàng thứ 4, tức chữ BỬU.
Hai là, Vua Bảo Đại là con trai vua Khải Định (Bửu Đảo) nên nếu là chú ruột vua Bảo Đại thì người đó phải là con trai của vua Đồng Khánh.

Thượng thư Ưng Úy Ảnh: Hồ Đắc Duy (Thanhnien online)

Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả cho biết vua Đồng Khánh – Cảnh Tông Thuần Hoàng đế húy là Nguyễn Phúc Biện, là con trưởng của Kiên Thái Vương – Nguyễn Phúc Hồng Cai. Vua Đồng Khánh sinh năm 1864. Năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi chạy lên Sơn Phòng (Quảng Trị). Ở kinh thành Huế, sau khi thỏa thuận với người Pháp và được sự đồng ý của Lưỡng cung (Đức Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu, vợ vua Thiệu Trị và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu, vợ vua Tự Đức), triều đình đã tôn Nguyễn Phúc ƯNG Kỷ lên ngôi vua vào tháng 8 năm 1885. Khi Đồng Khánh lên làm vua thì sỹ phu khắp cả nước vẫn hưởng ứng Dụ Cần vương của vua Hàm Nghi (em ruột vua Đồng Khánh) nổi lên chống Pháp. Tình cảnh ấy đã được phản ánh trong câu ca dao đương thời: “Ngẫm xem thế sự mà rầu/ Ở giữa Đồng Khánh hai đầu Hàm Nghi). Năm 1886, Đồng Khánh ngự du ra Bắc để dụ vua Hàm Nghi trở về nhưng không thành và bị bệnh nên quay về. Ngày 27/12 năm Mậu Tý (1888), tức ngày 28/1/1889 vua Đồng Khánh băng hà, trị vì được hơn 3 năm và hưởng dương 25 tuổi.
Vua Đồng Khánh có 6 hoàng tử và 2 hoàng nữ. Trong 6 hoàng tử thì có 5 người mất sớm, chỉ còn lại duy nhất một người còn sống là Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định). Vì vua Khải Định (cha của Bảo Đại) là con trai duy nhất còn sống của vua Đồng Khánh nên Bảo Đại không có ai là chú ruột.
Vậy Hoàng thân Nguyễn Phúc ƯNG Úy là ai?
Hoàng thân Nguyễn Phúc ƯNG Úy là cháu nội Tuy Lý vương Miên Trinh. Cụ ƯNG Úy ứng với chữ ƯNG, tức là ngang hàng với ông nội vua Bảo Đại là ƯNG Kỷ (vua Đồng Khánh). Vậy cụ Ưng Úy là hàng “ông” của vua Bảo Đại – ÔNG CHÚ HỌ chứ không phải là hàng “chú”, lại càng không phải là CHÚ RUỘT.
Hoàng thân Ưng Úy sinh năm 1889 tại Huế và mất năm 1970, thọ 82 tuổi. Hoàng thân là con trai của Tri huyện Hương Trà Nguyễn Phúc Hồng Thi. Cụ Nguyễn Phúc Hồng Thi là con trai của Tuy Lý vương Miên Trinh (Miên Trinh là hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng). Hoàng thân Ưng Úy đã trải qua nhiều chức vụ như Tri huyện Nông Cống, Tri phủ Tuy Hòa, Án sát Quảng Nam, Bố chính Bình Định, Phủ doãn Thừa Thiên (tức người đứng đầu kinh thành của triều đình), Tổng đốc An Tĩnh (tức người đứng đầu Nghệ An – Hà Tĩnh), Tổng đốc Thanh Hóa (quê hương nhà Nguyễn), Thượng thư bộ Công và Nghi lễ triều Bảo Đại. Hoàng thân Ưng Úy lấy con gái Thượng thư Hồ Đắc Trung là Hồ Thị Huyên, tức Sư bà Diệu Huệ sau này. Cụ Ưng Úy là cha đẻ của nhà khoa học Bửu Hội, thành viên đoàn đàm phán Pháp – Việt của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Fontainebleau tháng 7/1946.

Tranh vẽ Hoàng đế Minh Mạng trong sách của một tác giả phương Tây.

Bàn và hiểu thêm một chút về cách xác định thế thứ của dòng tộc nhà Nguyễn để hiểu thêm về một nội dung thú vị của lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Vũ Trung Kiên