VIẾT VỀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG VÕ THỊ TƯ-NI TRƯỞNG THÍCH ĐẠT NHIỄN

Người con trai nuôi duy nhất của Mẹ là Nguyễn Văn Dẫn hy sinh ngày 24/2/1966, vừa tròn 17 xuân xanh trong lần lọt ổ của quân chư hầu Thái Lan đánh thuê cho giặc Mỹ tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ngày 24 tháng 4 năm 1996, Mẹ Tư được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, vì có con trai nuôi độc nhất hy sinh.

            Mẹ Võ Thị Tư là con gái thứ tư trong số 6 người con của ông Võ Văn Xén và bà Hà Thị Nhàn một gia đình nho giáo yêu nước. Thuở thiều thời, thường được mẹ dẫn đi chùa lễ Phật, nên Mẹ Tư sớm có nhân duyên sùng kính cửa từ bi mà sau này lớn lên mới 20 tuổi xuân xanh, Mẹ đã vào quy y cửa Phật. Những năm tháng sống trên quê hương có truyền thống cách mạng cùng với việc gia đình mình là nơi các chú, các anh thường lui tới; bên cạnh đó, mối thù vì cha bị giặc giết chết, nhà cửa tan nát vì giặc Pháp, Mẹ sớm ý thức được nỗi tủi nhục của một dân tộc nô lệ. Mẹ được cha mẹ tin tưởng giao việc cơm nước nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc bí mật cho tổ chức cách mạng khi còn khá trẻ.

            Cuộc đời của Mẹ Tư là những năm tháng “phụng đạo, yêu nước”…Năm 1937 (16 tuổi), Mẹ được gia đình cho theo học khóa “điều dưỡng viên” tại tỉnh Bến Tre, sau đó học tiếp tại bệnh viện Từ Dũ (Sài Gòn) 3 năm. Năm 1940, khi cha bị giặc sát hại, người mẹ thân yêu từ trần, Mẹ Tư quyết xuất gia tại Tổ Đình Pháp Thành huyện Bình Chánh. Những năm tiếp theo Mẹ Tư thọ giới tại chùa Pháp Tam (Bến Tre). Đến năm 1943, Mẹ đến xã Bình Sơn (Long Thanh – Đồng Nai) dựng am nhỏ ven bờ con suối vắng, dần dần được bá tánh mộ đạo thương Mẹ cùng tu bổ trở thành ngôi chùa Pháp Độ ở Bình Sơn. Với tâm niệm “Sống tốt đạo, đẹp đời”, Mẹ đem kiến thức y học giúp đỡ bà con phòng bệnh và trị bệnh một cách tận tình. Những năm chống Pháp rồi chống Mỹ xâm lược, Bình Sơn là xã nằm sâu trong rừng, đồi cao su trở thành nơi đánh phá ác liệt của giặc, quân và dân Bình Sơn kiên cường bám trụ cơ sở cách mạng và ngôi chùa Pháp Độ của mẹ Tư luôn gắn bó với những công việc cụ thể của Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn như: chăm sóc cứu chữa thương binh, cứu độ đồng bào lâm nạn chiến tranh. Chùa còn là nơi tiếp tế lương thực, y dược, đóng góp cả về tài chính, y cụ, đùm bọc nuôi dưỡng thanh niên theo cách mạng.

Năm 1952, một bé trai bơ vơ mất cả cha lẫn mẹ mới 3 tuổi được Mẹ đem về nuôi nấng chu đáo – đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Dẫn sau này. Bé Dẫn lớn lên trong tình yêu ấm áp của dưỡng mẫu, được đi học đên lớp 7. Sống trong sự giáo dục của Mẹ, sớm ảnh hưởng lòng từ bi nhân ái của mẹ nuôi và sự căm thù giặc tàn ác;  Anh Nguyễn Văn Dẫn gia nhập bộ đội địa phương Huyện và lập nhiều thành tích.

Ngày 24/02/1966, trong một cuộc hành quân, đơn vị của anh lọt ổ phục kích quân chư hầu Thái Lan đánh thuê cho Mỹ tại Bình Sơn, anh hy sinh khi vừa tròn 17 tuổi. Nỗi đau mất đứa con mà Mẹ nuôi dưỡng từ bé càng làm cho Mẹ mở rộng vòng tay, Mẹ làm mẹ đỡ đầu cho nhiều chiến sĩ, thanh niên, biến ngôi chùa Pháp Độ thành cơ sở hậu cần cho các lực lượng cách mạng tại địa bàn Bình Sơn, Suối Cả.

Năm 1968, Mẹ vận chuyển thuốc men từ Sài Gòn về Bình Sơn thì bị giặc bắt, giải giam qua các nhà tù: Long Thành, Biên Hòa, Thủ Đức trong 10 tháng ròng và bị đủ cực hình tra tấn nhưng chúng không lấy được lời khai nào từ Mẹ.

Năm 1969, ra tù Mẹ về Luông Tre (Linh Xuân – Thủ Đức), dựng lên tu viện Liễu Ái, sau đổi thành chùa Pháp Trí cho đến nay. Sau đại thắng mùa xuân 1975, trong niềm vui sướng chung của tổ Quốc,  Mẹ Tư càng dốc tâm khai sơn tạo tự, cùng với Ni trưởng Viện chủ chùa Long Nhiễu lập hội Dược Sư phục vụ đồng bào, vận động quyên góp cứu trợ các vùng bị lũ lụt, tham gia thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo…

Tuổi cao, sức yếu, 22 giờ 15 phút ngày 18/02/1994 (tức 18 tháng Giêng năm Giáp Tuất), Mẹ Võ Thị Tư thanh thản đi về cõi vĩnh hằng, sau 73 năm trụ thế, nhập pháp tại đất Già Lam, chùa Pháp Trì, xã Linh Xuân, trên vùng đất Thủ Đức anh hùng. Mẹ Võ Thị Tư – Ni Trưởng Thích Đạt Nhiển là một công dân ưu tú, một chân tu mẫu mực, hết mực lo việc tu hành mà vẫn toàn tâm phụng sự tổ quốc chống ngoại xâm.

                                                       Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 9 năm 2012

                                                                    Nguyễn  Đình Trung