Thành danh từ cô bé ‘bán bánh rán’

Thẩm phán Tòa thượng thẩm Los Angeles (Mỹ) Jacqueline H.Nguyễn, trưởng thành từ một cô gái gốc Việt bán bánh. Mới đây, bà được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử vào vị trí thẩm phán Tòa án Liên bang quận Trung tâm California.
Một phụ nữ gốc Việt được đề cử vào Tòa án Mỹ

“Việc trở thành thẩm phán Liên bang vừa là đặc quyền, vừa là trách nhiệm. Tôi có trách nhiệm với tất cả những người đang dõi theo từng bước chân của tôi. Và tôi kỳ vọng vào tiến trình xem xét của Thương viện Mỹ”, Jacqueline H. Nguyễn chia sẻ trên tờ MetNews. Nếu được chấp thuận, bà Nguyễn, 44 tuổi, sẽ là nữ thẩm phán gốc Việt đầu tiên phục vụ tại một tòa án Liên bang của Mỹ theo điều 3 Luật Thẩm phán Liên bang.

 Thẩm phán Jacqueline H. Nguyễn

             Nổi tiếng về xét xử tội phạm khủng bố

            Năm 2002 được xem là mốc quan trọng trong sự nghiệp của Jacqueline H. Nguyễn khi bà được Thống đốc Gray Davis đề cử vào chức thẩm phán Tòa Thượng thẩm Los Angeles. Từ đó đến nay, tên tuổi của bà được nhiều người biết đến trong các vụ án xét xử tội phạm khủng bố. Bà Nguyễn đã xét xử khoảng 120 vụ án, trong đó vụ Chiến dịch Đông tiến (Operation Eastern Approach) của Mỹ và Tabatabai là thắng lợi đầu tiên trong sự nghiệp tố tụng của bà.

            “Đó là vào một buổi sáng tỉnh giấc, tôi ngạc nhiên trước một cơ hội quá may mắn đến với mình”, bà Nguyễn nhớ lại công việc đầu tiên của mình tại Phòng Tội phạm có tổ chức và chống khủng bố thuộc Văn phòng Công tố trưởng ở quận Trung tâm California. Khi đó, Jacqueline H. Nguyễn được giao xử lý một cuộc điều tra việc nghe trộm điện thoại liên bang của một tổ chức tội phạm có tổ chức của Nga; đồng thời, chịu trách nhiệm đào tạo, quản lý các công tố viên tập sự. Với kết quả hoàn thành công việc lúc bấy giờ, Eileen M. Decker, Phó Phòng Tội phạm có tổ chức và chống khủng bố, đã khẳng định Jacqueline H. Nguyễn là một công tố viên nhiều triển vọng.

            John M. Niedermann, Phó Chánh Văn phòng Công tố quận Trung tâm California cho biết: “Jacqueline H. Nguyễn là một thẩm phán rất biết lắng nghe cả hai phía (bên nguyên và bên đơn) tranh luận và khi cần thiết, bà sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để nghiên cứu, đưa ra một kết luận phù hợp nhất”. Emma A. La Crue, một người làm công tác bảo vệ cộng đồng tại Los Angeles, cũng bày tỏ: “Bà Nguyễn không chỉ có một chất giọng thân thiện trong phòng xử án, mà còn là người có một kiến thức luật pháp sâu rộng. Bà không kiêu kỳ hay tỏ ra khoa trương về nghề nghiệp của mình. Trong các thỏa thuận biện hộ và bồi hoàn, bà Nguyễn luôn có sự bàn bạc kỹ lưỡng với các công tố viên tham gia xét xử. Trong phiên thẩm vấn, bà Nguyễn thường cho phép cả bên nguyên và bên đơn được phép lắng nghe và hiện thực hóa án lệ”.

            Từ một cô bé bán bánh … thành thẩm phán tòa án Mỹ

            Jacqueline H. Nguyễn, tên thật là Nguyễn Thị Hồng Ngọc, sinh ra tại Đà Lạt. Khi lên 10 tuổi, bà cùng gia đình qua định cư tại Los Angeles, Mỹ. Bà từng trải qua một tuổi thơ cơ cực khi hằng ngày phải phụ mẹ lau chùi các phòng nha khoa và giúp mẹ bán hàng tại cửa hàng bánh rán của gia đình ở North Hollywood vào dịp cuối tuần. Trong khi đó, cha của bà ban đêm làm việc tại một ngân hàng và ban ngày thì phụ việc tại một trạm xăng.

            Bà Nguyễn luôn nỗ lực vượt khó khăn. Bà tốt nghiệp CĐ Occidental năm 1987; khoa Luật của ĐH California tại Los Angeles năm 1991 và sau đó, khởi nghiệp luật sư tố tụng tại Công ty luật Musick, Peeler & Garrett. Năm 1995, bà chuyển đến làm việc tại Văn phòng Công tố viên trưởng. Tiếp đến, bà làm nhân viên của Cơ quan phòng chống tội phạm tham nhũng và làm giám sát tư pháp của Bộ Tư pháp Mỹ.

            Hiện Jacqueline H. Nguyễn vừa là thành viên của một số tổ chức như: Hiệp hội Luật sư Trung Quốc ở Nam California, Hiệp hội Luật sư Mỹ – Hàn Quốc, Hiệp hội Luật sư Mỹ – Nhật Bản, Hiệp hội nữ Luật sư của Los Angeles; và vừa là người sáng lập, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Mỹ – châu Á Thái Bình Dương.

Ông Pio Kim, chồng của bà Jacqueline H. Nguyễn, cũng là một trợ lý luật sư Liên bang. Công việc của hai vợ chồng dường như “chống” nhau – một bên bảo vệ, một bên buộc tội. Tuy nhiên, bà Nguyễn tuyên bố, nếu trở thành thẩm phán Liên bang, hai vợ chồng sẽ cùng trao đổi và đưa ra những nguyên tắc nhất định để không can thiệp vào công việc của nhau.

                                                                                                                     (theo Los Angeles Times)