NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH GIA ĐỊNH TRỊNH THỊ MIẾNG

10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I, năm 1946 là các bà: Nguyễn Thị Thục Viên (đại biểu Hà Nội), Vũ Thị Khôi (đại biểu Bắc Ninh), Trương Thị Mỹ (đại biểu Hà Đông), Lê Phương (đại biểu Hải Dương), Cao Thị Khương (đại biểu Hưng Yên), Tôn Thị Quế (đại biểu Nghệ An), Lê Thị Xuyến (đại biểu Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (đại biểu Gia Định), Nguyễn Thị Thập (đại biểu Mỹ Tho), Ngô Thị Huệ (đại biểu Bạc Liêu).

Bà Trịnh Thị Miếng, sinh năm 1912 tại làng Tân Thới Nhất, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngay từ nhỏ, bà đã sớm giác ngộ và tham gia phong trào cách mạng tại quê nhà. Năm 1931, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam).

Nguyễn Thị Thu Hồng

Mở ảnhBà Trịnh Thị Miếng, sinh năm 1912 tại làng Tân Thới Nhất, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngay từ nhỏ, bà đã sớm giác ngộ và tham gia phong trào cách mạng tại quê nhà. Năm 1931, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam).

Trong khoảng thời gian từ năm 1936 đến 1939, Bà làm liên lạc viên của Xứ Ủy Nam Kỳ. Vừa làm liên lạc, vừa tham gia vận động, tổ chức những cuộc đấu tranh chính trị của các tầng lớp phụ nữ Gia Định. Năm 1937, bà Trịnh Thị Miếng là Quận ủy viên quận Gò Vấp (thời kỳ này, Tân Sơn Nhất, Bà Điểm thuộc quận Gò Vấp). Năm 1938, trong phong trào Dân chủ Đông Dương, bà cùng nhiều chị em phụ nữ Gia Định tổ chức mít tinh ủng hộ 3 đồng chí Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn ra tranh cử Hội đồng thành phố Sài Gòn, đấu tranh công khai cho quyền lợi của nhân dân.

Bà Trịnh Thị Miếng và gia đình còn là cơ sở nuôi giấu các đồng chí Trung ương Đảng về hoạt động và họp các Hội nghị Trung ương lần thứ 2,3,4,5,6,7 tại làng Tân Thới Nhất (nay là xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn). Trong điều kiện Đảng còn hoạt động bí mật mà Trung ương quyết định chọn cơ sở hoạt động và họp liên tiếp 6 hội nghị Trung ương ngay tại cùng một địa điểm sát bên Sài Gòn do Bà Trịnh Thị Miếng làm cơ sở đã cho thấy sự tin tưởng, đánh giá cao của tổ chức đối với Bà Trịnh Thị Miếng.

Những năm 1939-1940, ngay khi địch ra sức truy lùng gắt gao nhằm đàn áp các phong trào cách mạng, thời điểm chuẩn bị và nổ ra Khởi nghĩa Nam Kỳ đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 11 năm 1940, Tỉnh ủy Gia Định giao cho bà chịu trách nhiệm bố trí địa điểm và tổ chức bảo vệ an toàn cho các cuộc họp của Xứ ủy Nam Bộ, của Tỉnh ủy Gia Định. Các cuộc họp này thường có mặt các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Tạ Uyên…Ngoài ra, các cuộc họp của Xứ ủy, Tỉnh ủy tại vùng Bà Điểm, 18 thôn Vườn Trầu đều được Bà và cơ sở, quần chúng bảo vệ tuyệt đối an toàn.

Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Tỉnh Ủy Gia Định giao cho bà Trịnh Thị Miếng và bà Mười Lụa đảm nhận phụ trách phong trào phụ nữ Gia Định. Năm 1946, bà là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc đầu tiên của tỉnh Gia Định. Bà được đồng đội gọi là chị Chín Miếng, chị Chín Trầu bởi thói quen thích ăn trầu, đi đến đâu cũng xách theo giỏ trầu cau. Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, ở cơ quan, cả trong thời kỳ kháng chiến và sau này công tác ở miền Bắc, bà hết sức cần cù, tận tụy, thật sự gương mẫu trong mọi hoạt động, quy tụ được lực lượng quần chúng phụ nữ.

Gia đoạn tháng 9/1945, tại Sài Gòn nổ tiếng súng đầu tiên mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nhân dân Gia Định, phụ nữ Gia Định đã hòa cùng cuộc kháng chiến cả nước. Dưới sự lãnh đạo của bà, các phong trào đấu tranh của phụ nữ Gia Định đã tạo thế hậu phương vững chắc cho lực lượng du kích, bộ đội địa phương đánh giặc. Không chỉ chăm lo sản xuất, đánh giặc, phụ nữ Gia Định còn đi đầu trong phong trào “bình dân học vụ” của tỉnh, là điểm sáng về văn hóa kháng chiến được Bác Hồ khen ngợi.

Bước sang năm 1946, ngay trong điều kiện cam go của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định tổ chức Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội đầu tiên của cả nước vào ngày 06 tháng 01 năm 1946. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I thể hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Bác Hồ để làm cho nước Việt Nam thật sự là một nước dân chủ, mọi quyền lợi, mọi quyền quyết định tối cao đều thuộc về nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, một cuộc Tổng tuyển cử nêu cao vai trò độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, nhân dân tự quyết định lá phiếu của mình bầu ra các vị đại biểu xứng đáng của toàn dân. Nam Bộ nói chung, Gia Định nói riêng tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I trong khói súng, cùng nhân dân cả nước làm cho cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi, bầu ra 333 đại biểu Quốc hội khóa I, trong đó 10 nữ đại biểu Quốc hội trúng cử. Trong điều kiện đó, bà Trịnh Thị Miếng được bầu và trúng cử là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I cùng với hai đại biểu nữ của Nam Bộ là bà Ngô Thị Huệ- đại biểu tỉnh Bạc Liêu, bà Nguyễn Thị Thập- đại biểu tỉnh Mỹ Tho. Đây là những nữ cán bộ quen thuộc với nhân dân trong cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, trong Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 và trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách Mạng tháng Tám năm 1945. Sau khi đắc cử đại biểu Quốc hội, các nữ đại biểu đều phát huy tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, của phụ nữ Nam Bộ. Bà Trịnh Thị Miếng là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Gia Định và sau này liên tiếp trúng cử đại biểu Quốc hội các khóa II, III khi Bà tập kết ra Bắc.

Giai đoạn 1946-1947; 1951-1954, bà Trịnh Thị Miếng được cử làm Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc Gia Định. Suốt cuộc đời làm cách mạng, bà luôn tận tụy trong mọi công việc, trung kiên với Đảng, gắn bó với nhân dân, đặc biệt là với phụ nữ và phong trào phụ nữ. Bà rất nhã nhặn, khiêm tốn khi nhận xét về mình: “Lúc nhỏ nhà nghèo, không được đi học, ngày vào Đảng không biết chữ”. Đến lúc cuối đời, bà tự nhận xét: “Ưu điểm: có tinh thần trách nhiệm, Đảng giao việc gì cũng tích cực làm tròn. Khuyết điểm: Trình độ văn hóa và lý luận còn hạn chế”.

Bà Trịnh Thị Miếng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương. Bà mất năm 1989. Tên của Bà được đặt cho con đường tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 02 năm 2022

Nguyễn Thị Thu Hồng

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tài liệu tham khảo:

– Những chiến sĩ Cộng Sản hào kiệt kiên trung lưu danh cùng Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng tập 2, Ban Tuyên Giáo Thành Ủy, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, 2021.

– Chín năm một chặng đường, Ký sự truyền thống của Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Gia Định, Nxb. Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.