NHỚ CÔNG CHÚA AN TƯ – NÀNG CHIÊU QUÂN NƯỚC VIỆT

Nhân kỷ niệm 764 năm ngày chiến thắng quân xâm lược Nguyên – Mông (29/01/1258 – 29/01/2022)

Lịch sử Việt Nam thế kỷ thứ 13, 14 (từ năm 1226 – 1400) gắn liền với công lao và sự phát triển rực rỡ của vương triều nhà Trần. Những chiến công lẫy lừng của ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông, cùng với các cuộc chinh phạt quân Chiêm Thành ở phía Nam đã làm cho khoa học và nghệ thuật quân sự của triều Trần đạt được những thành tựu vượt bậc.

Hồ Ngọc Phương

Nhân kỷ niệm 764 năm ngày chiến thắng quân xâm lược Nguyên – Mông (29/01/1258 – 29/01/2022)

Lịch sử Việt Nam thế kỷ thứ 13, 14 (từ năm 1226 – 1400) gắn liền với công lao và sự phát triển rực rỡ của vương triều nhà Trần. Những chiến công lẫy lừng của ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông, cùng với các cuộc chinh phạt quân Chiêm Thành ở phía Nam đã làm cho khoa học và nghệ thuật quân sự của triều Trần đạt được những thành tựu vượt bậc.

Ngược dòng lịch sử quay về với bối cảnh của triều đại nhà Trần vào khoảng đầu năm Ất Dậu (1285), lúc bấy giờ quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai, giặc đã tiến tới Gia Lâm (nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội) vây hãm thành Thăng Long. Chiến sự buổi đầu bất lợi cho quân ta, thủy quân của giặc đã bao vây suýt bắt được thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, tướng Trần Bình Trọng đã hy sinh anh dũng bên bờ sông Thiên Mạc với tinh thần bất khuất: “Thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vua đất Bắc”. Trước thế giặc mạnh, nhiều tôn thất nhà Trần – trong đó có cả hoàng thân Trần Ích Tắc, Trần Kiện … đã mang gia quyến chạy sang trại giặc. Tướng Trần Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của giặc và kéo dài thời gian để củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu nhưng không thành. Bởi vậy, thượng hoàng Trần Thánh Tông phải bất đắc dĩ dùng đến kế mỹ nhân, vua đau lòng dâng em gái út của mình cho tướng giặc là Thoát Hoan để cầu hòa chờ cơ hội phản công. Và trách nhiệm lịch sử đã đặt lên vai một người con gái nhà Trần.

Công chúa An Tư là em gái út của vua Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông, cho nên suy ra bà là con gái út của vua Trần Thái Tông, đang độ tuổi mười tám đôi mươi – nàng công chúa cành vàng lá ngọc này lại có một số phận hết sức bi ai. Cho đến tận bây giờ, cuộc đời của An Tư công chúa không được ghi lại cụ thể theo bất kỳ hồ sơ nào, cũng không rõ bà sinh và mất năm bao nhiêu, chỉ biết sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép lại rằng: “Sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý làm giảm bớt tai họa cho nước vậy”.

Vì nước, vì dân, công chúa An Tư tuy còn rất trẻ đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa trong cung đình, hy sinh thân gái để gánh vác vận mệnh của giang sơn. An Tư đã vào trận chiến chỉ có một mình, không một tấc sắt trong tay. Bà hiểu rõ đất nước đang lâm nguy, bản thân không có sự lựa chọn nào khác, công chúa chấp nhận gian khổ, tủi nhục và cái chết để đổi lấy sự bình yên cho Tổ quốc.

Công chúa An Tư sang trại giặc không phải với tư cách đi lấy chồng mà là vật cống nạp, dâng hiến đồng thời là một người nội gián. Do vậy, sự hy sinh ấy thật cao cả. Ở trại giặc làm vợ của Thoát Hoan, An Tư đã sống ra sao, làm được những gì? Không ai biết. Chỉ biết rằng: tháng tư năm ấy, quân nhà Trần bắt đầu phản công ở hầu khắp các mặt trận khiến cho quân Nguyên đại bại, trận đánh lịch sử đó do Thượng tướng Trần Quang Khải chỉ huy đã nhanh chóng giành thắng lợi lớn trong trận Hàm Tử quan, giết chết tướng giặc Toa Đô, còn Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn qua biên giới.

Quân dân Đại Việt ca khúc khải hoàn, các vua nhà Trần đã làm lễ tế ở lăng miếu để khen thưởng các công thần, truy phong cho tướng lĩnh hậu hĩnh, nhưng tuyệt nhiên thời điểm đó không ai nhắc đến công chúa An Tư. Vậy công chúa còn hay mất? Có giả thuyết cho rằng, bà được mang về Trung Quốc nhưng cũng có người bảo rằng bà đã chết trong đám loạn quân. Số phận của công chúa về sau cũng chẳng ai rõ. Trong cuốn sách: “An Nam chí lược” của Lý Trắc – một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên sống lưu vong có ghi: “Trước, thái tử Thoát Hoan lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”. Người con gái họ Trần ở đây phải chăng là công chúa An Tư? Chưa có chứng cứ rõ ràng khẳng định điều ấy.

Mãi đến gần đây, cuộc đời và công lao của nàng công chúa với quê hương mới được ghi nhận nhờ vào nhiều tác phẩm nghệ thuật văn chương và sân khấu. Điển hình là quyển tiểu thuyết mang tên “An Tư” do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết, bằng tình cảm và tấm lòng ngưỡng mộ của mình, nhà văn đã ghi nhận và tôn vinh sự hy sinh thầm lặng nhưng quyết liệt của An Tư, một nữ trung hào kiệt trong tiểu thuyết như một chiến công sánh ngang với Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản.

Đâu đó còn vang vọng lời thơ đầy khí phách của nhà Trần, phảng phất hình ảnh của nàng công chúa bạc mệnh:

Đoạt sáo Chương Dương Độ

Cầm Hồ Hàm Tử Quan

Thái bình nghi nỗ lực

Vạn cổ thử giang san

(Cướp giáo bắt giặc Nguyên – Mông tại hai địa danh Chương Dương và Hàm Tử, đem tài trí, sức lực, của cải để xây dựng giang sơn đất nước bền vững trong thanh bình đến muôn đời).

Thật buồn khi sự hy sinh cao cả ấy lại không được nhắc đến khi nhà Trần giành được chiến thắng do tư tưởng phong kiến, bảo thủ có từ ngàn xưa. Qua hình ảnh và cuộc đời của An Tư công chúa, chúng ta cảm nhận được rằng: người phụ nữ Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng có lòng yêu nước thiết tha, nồng nàn, dám hy sinh cho sự nghiệp chung của dân tộc, cho dù đó là sự hy sinh thầm lặng.

Dù Triều Trần và sử sách có lãng quên bà thì các thế hệ con cháu vẫn luôn giành cho bà sự kính trọng, thương mến. Khoảng trống lịch sử sẽ được lắp đầy bằng tình cảm của người đời sau, cũng như ghi nhớ công lao của một nàng công chúa đã hy sinh vì nghĩa lớn khi tuổi còn rất trẻ.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01 năm 2022

Hồ Ngọc Phương

Phòng Truyền thông-Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Tài liệu tham khảo:

1. Sách “An Tư” – Nguyễn Huy Tưởng, NXB Kim Đồng tháng 05/2010.

2. Báo Lao Động ngày 29/10/2013.

3. Báo Doanh nghiệp Việt Nam, ngày 28/09/2019.