MỤ DIỆP

VIẾT TỪ CẢM XÚC THỰC HIỆN DỰ ÁN

MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

                Trời bữa nay thiệt lạ.

Đang oi nồng bỗng đâu mây đen vần vũ về giăng ngang đầu, gió chướng thốc mạnh, mái lá xiêu vẹo của căn nhà oằn mình kêu cót két. Một cánh tay khẳng khiu, da nhăn nhúm kéo vội tấm phên cũ nát dùng làm cửa. Gió thốc mạnh vào căn nhà trống hoác, lọt thỏm giữa đám cỏ Mỹ cao ngất vượt khỏi nóc nhà.

Nếu không có vạt cỏ lưa thưa, ngoằn ngoèo như rắn bò ấy thì chẳng ai nghĩ trong đó có một căn nhà. Chủ nhà là nhà một bà cụ 92 tuổi sống một mình cùng với bầy mèo dễ có đến gần 30 con. Từ ngày thằng Dũng- con trai Mụ hy sinh người ta ít thấy mụ bước ra khỏi nhà. Mụ chẳng dám đi đâu, suốt ngày quẩn quanh trong nhà ra tới vườn và bận rộn với lũ mèo đủ màu không biết từ đâu tới rồi sinh con đẻ cái đầy nhà. Mụ Diệp chẳng giống ai. Đời thuở nhà ai, người chết rồi có khi nào sống lại được đâu. Biết vậy  mà mụ vẫn ngóng thằng Dũng, mụ chỉ sợ ngày thằng Dũng về không gặp mụ, tội nghiệp nó.

                                                                     ***

 Ở cái xóm Thuốc này chẳng mấy ai còn nhớ đến mụ ngoại trừ mấy đứa nhỏ, da đen nhẻm, lưng trần trùng trục như thằng Tý, thằng Long, con Bông…Dường như người ta đã dần quên mụ từ lâu lắm rồi.

– Ý…Má ơi! – Tiếng con Bông giật mình, giọng hốt hoảng.

– Ai biểu mày hổng né nó – Giọng thằng Tý thài lai.

– Né sao kịp mậy! – Con Bông cong cớn đáp – Dứt lời, nó nói tiếp:

– Bữa nay tới lượt mày bắt tiếp đó nghen Tý. Hôm qua đang chơi ngon trớn má mày kêu về nửa chừng làm tụi tao cụt hứng.

                                                                     ***

Mụ Diệp đang lui cui trong nhà chợt nghe tiếng lao xao ngoài đằng trước, “rồi à, lũ quỷ sứ chưa kịp nhắc đã tới đó rồi”, Mụ nghĩ  mà vui trong bụng. Mà kể cũng ngộ thiệt, mỗi lần Mụ nhớ tới Dũng- thằng con trai duy nhất của mụ là y như rằng tụi thằng Tý, con Bông…chạy chơi ở đâu đã đời rồi kéo nhau về đây cãi lộn. Con Bông bao giờ cũng giành phần hơn, được cái hai thằng Tý và Long thấy nó là con gái nên cũng có phần nhường phần hơn cho con Bông, giành phần thiệt về mình.

Với Mụ, tiếng mèo kêu và tiếng trẻ con là thứ âm thanh êm tai nhất mà mụ thích, làm mụ cảm thấy dễ chịu nhất.

Dù vậy, thời tiết bữa nay khó chịu quá. Đầu mụ nặng như đội chì, mặt đỏ bừng, người nóng ran như vừa đi nắng về.

Trông thấy tụi nhỏ, mụ lại càng nhớ tới con mụ. Mới đó mà đã hơn 40 năm kể từ ngày thằng Dũng hy sinh đợt Tết Mậu Thân ở Ngã tư Bảy Hiền. Trái tim của cụ già 92 tuổi chợt nhói lên trong lồng ngực lép xẹp. Mụ cảm thấy hơi choáng, tay phải lần tìm khung cửa, tay trái buông thõng, hai chân khuỵu dần rồi mụ ngồi phịch xuống đất. Lưng dựa hẳn vào tấm vách ván mục, lũng lỗ chỗ.

Mụ Diệp đưa mắt ngước nhìn lên tàn cây vú sữa. Vài tia nắng sót cuối chiều cố vươn ánh vàng vọt len qua đám lá ken dày nhuộm vàng chùm vú sữa. Nhác vừa trông thấy, mụ Diệp ngỡ đâu đã tới mùa trái chín.

Hồi nhỏ thằng Dũng của mụ thích ăn vú sữa lắm. Nghĩ ngơi miên man một lát, thấy trong người bớt mệt, mụ lom khom đứng dậy dợm chân bước ra vườn. Cái lưng còng của mụ bữa nay cong  hẳn rồi. Mỗi khi đứng lên, người mụ không còn thẳng như trước nữa. Mặt cúi gần song song mặt đất, cái lưng quần lỏng te nằm cao vượt mặt, hổm rày để vậy,  mụ chẳng thèm thay thun quần.

                                                                    ***

– Cố! Cố ăn bánh ít hôn? – Thằng Long thấy mụ trước nhất, nó nhanh nhảu – Hồi trưa nhà bà Sáu Xệ có đám giỗ cho con, con hổng ăn chừa cho cố nè.

– Thôi bây ăn đi, cố hổng đói – Mụ đáp, rồi nói tiếp – Thôi bây đừng giỡn nữa, ra lu múc nước uống đi, chạy nhảy nãy giờ chắc mệt rồi đó.

Không đợi mụ dứt câu con Bông đã tợp xong một bụng nước no óch ách. Tay quệt ngang, ngoác miệng cười khoe hàm răng sún, nó nói:

– Cố bữa nào vú sữa chín, cố hái cho tụi con ăn nghen.

– Cố dành cho bây hết đó chứ còn ai vô đây, bày đặt hoài!

– Thêm mấy trái cầm về cho thằng Tèo em con nữa nha cố – Con Bông mè nheo.

– Mồ tổ cha bây – mụ cảm thấy vui trước sự lém lỉnh của con Bông, nhoẻn miệng cười móm mém.

Thằng Long nãy giờ không nói, đợi cho lũ bạn im tiếng, nó mới cất lời hỏi han:

– Bữa nay cố muốn ăn món gì?

– Chà! Bữa nay có tiền hả? Mụ hỏi thằng Long.

– Hổng có một cắc – thằng Long gãi đầu rồi nói tiếp – thì cố đưa tiền con chạy đi mua.

– Thôi, cố hổng đói. Như chợt nhớ ra điều gì hệ trọng, mụ cất tiếng hỏi lũ trẻ
– Ủa! Bữa nay tụi con hổng đi học hả?

– Cố này hỏi kỳ – tụi trẻ tranh nhau trả lời – Tụi con mới ở trường về là chạy qua cố liền nè.

– Tụi con ráng học cho giỏi nghen. Ngày xưa Cậu Hai bây ham học lắm, lỡ có bị bịnh cố kêu nghỉ một bữa cũng không chịu, bắt cố cõng tới trường mệt muốn chết – Mụ chùng giọng kể.

– Đó mày nghe chưa Tý- Con Bông hết dòm thằng Tý rồi quay qua mụ – méc -Vậy mà bữa kia thằng Tý ho có mấy tiếng mà đòi nghỉ học ở nhà. Má
nó không cho, nó khóc rùm.

– Tý! Sao kỳ vậy mậy? – Mụ Diệp hỏi tằng Tý y như con Bông hỏi nó bữa trước.

– Tại…tại.. Vì bữa đó tới lượt con trả bài mà con hổng thuộc – Thằng Tý trả lời ngập ngừng, lúng ta lúng túng như ăn vụn phát hiện.

– Mày ngộ thiệt nha mậy Tý, cái tật hay chơi ăn gian hổng bỏ – Mụ cốc nhẹ vào đầu thằng Tý, mắng yêu.

– Bị con đục hoài mà nó hổng tởn đó cố – Thằng Long bây giờ mới nói tiếp, giọng kẻ cả.

Bất chợt mụ thấy mặt mũi tối sầm, đất trời như chao đảo, mụ nói với lũ trẻ – Thôi tụi con về đi, trời sắp tối rồi!

Tụi thằng Long lục đục kéo nhau ra về không quên nhắc chuyện mấy trái vú sữa.

                                                                    ***

Đó là một trong những câu chuyện mà những người Mẹ Việt Nam anh hùng có người con độc nhất là liệt sĩ, Mẹ đang sống những ngày tuổi già cô quạnh.

Bài viết từ cảm xúc của chúng tôi khi trực tiếp đến thăm và tiếp xúc với Mẹ, Mẹ Bùi Thị Diệp, sinh năm 1920, hiện đang sống cô đơn ở ấp Xóm Mới,  xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Con trai Mẹ, liệt sĩ Võ Văn Chán.

Chúng tôi thầm mong, tiết trời luôn ấm, đừng mưa bão để Mẹ sẽ luôn sống vui, sống khỏe …

                                                               Tp Hồ Chí Minh, ngày 05/10/2011

                                                                   Mai Lâm – Phòng NC-ST-TB