LỄ HỘI NGHINH ÔNG TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT Ở NAM BỘ_en

Lễ hội Cúng cá Ông, hay lễ hội Nghinh Ông, có nơi gọi là lễ Nghinh Ông thủy tướng (như ở huyện Cần Giờ – thành phố Hồ Chí Minh) là lễ hội hàng năm lớn nhất của cư dân ven biển ở Nam Bộ. Lễ hội này có nguồn gốc từ tục thờ cá Ông (tức cá voi) vốn là một tín ngưỡng dân gian khá lâu đời của ngư dân và của những lái, bạn ghe bầu đi biển từ duyên hải Quảng Bình trở vào đến Nam Bộ.

Lễ hội Cúng cá Ông, hay lễ hội Nghinh Ông, có nơi gọi là lễ Nghinh Ông thủy tướng (như ở huyện Cần Giờ – thành phố Hồ Chí Minh) là lễ hội hàng năm lớn nhất của cư dân ven biển ở Nam Bộ. Lễ hội này có nguồn gốc từ tục thờ cá Ông (tức cá voi) vốn là một tín ngưỡng dân gian khá lâu đời của ngư dân và của những lái, bạn ghe bầu đi biển từ duyên hải Quảng Bình trở vào đến Nam Bộ.

Trong dân gian vùng duyên hải miền Trung còn lưu truyền chuyện kể về cá Ông như sau: Cá Ông vốn là một trong muôn mảnh vải của chiếc áo cà sa của Phật bà Quan Âm được xé ra, quăng xuống biển mà thành. Với bộ xương đặc biệc của mình, cá Ông có phép “thâu đường” (rút ngắn khoảng cách), do đó Phật bà Quan Âm ban cho cá nhiệm vụ tìm cứu những người bị mắc nạn giữa biển khơi. Thần thoại Chăm cũng có một chuyện kể về sự tích cá Ông với nhiều chi tiết hơn, nhưng kết cục vẫn nhấn mạnh đến việc cá cứu người trên biển bao la như một đặc tính của sinh vật ở biển này.

Theo quan niệm của ngư dân ven biển, cá Ông là một động vật thiêng ở biển, có thân hình đồ sộ, nhưng không bao giờ làm hại người, trái lại, đã từng cứu người làm nghề trên biển bị tai nạn đóng thuyền. Sách “Thối thực ký văn” của Trương Quốc Dụng cũng viết về cá Ông như sau: “khi phong ba nổi dậy, thuyền bị đắm giữa biển, cá Ông thường xuất hiện, đội thuyền trên lưng, đưa vào gần bờ, vẫy đuôi bỏ lên. Do vậy khi gặp cá Ông “lụy” (chết), dân làng biển coi như gặp điềm lành, tin rằng sẽ được Ông phù hộ. Người phát hiện đầu tiên được xem như là người được Ông tín nhiệm, do đó được vinh hưởng chức “trưởng nam”, tức là thân chủ thay mặt dân làng bịt khăn đỏ, chịu tang 100 ngày. Người ta tìm cách dìu xác cá Ông vào bờ, và vạn trưởng huy động dân làng đưa cá Ông lên bờ làm lễ an táng. Trường hợp gặp phải xác cá Ông quá lớn thì dùng đăng quây lại, cử người canh giữ cho đến khi rỗng hết thịt dưới nước, rồi lấy bộ xương đưa lên lăng thờ. Ngày xưa (trước năm 1945) chính quyền phong kiến quy định, làng nào bắt gặp cá ông chết, thì lý trưởng phải trình lên phủ, huyện để quan cho lính về khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ 7 vòng và cho khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ. Nghi thứ tang chế hoàn toàn dựa vào “Thọ Mai Gia Lễ”, có rút gọn hơn so với lễ tang người. Đủ ba năm thì cải táng, lấy xương xếp vào quách, vào khạp, đưa vào lăng đã xây sẵn để thờ. Lăng Ông có người trông coi, hương khói, có một hội đồng quản lý lăng. Tác giả sách “Gia Định thành công chí” chép: “khi gặp cá Ông lụy dân miền biển vớt vào bờ, sắm quan tài tẩm liệm, chọn một người trưởng trong ngư hộ làm chủ chịu tang”.

Điều đáng lưu ý là một số nhà chép sử triều Nguyễn đã thêu dệt nên nhiều huyền thoại về cá Ông, gắn với quãng đời bôn tẩu của Nguyễn Ánh được cá Ông cứu sống trong một trận đắm thuyền được nêu lên làm cái cớ để sau khi lên ngôi vua, Gia Long phong cho cá Ông tước hiệu là “Nam hải cự tộc Ngọc Lân thượng đẳng thần”. Và các Vua triều Nguyễn đã phong sắc cho cá Ông với danh nghĩa là “Đại càng quốc gia Nam hải” và đưa vào lăng thờ.

Do yếu tố tâm lý, tín ngưỡng, đồng bào làm nghề biển gọi cá Ông bằng nhiều tên gọi khác nhau như: “Ông Nam Hải”, “Ông Chuông”, “Ông Lộng”, “Ông Khơi”, “Ông Sứa” v.v…coi như một chút thần hộ mệnh giữa biển khơi đầy sóng gió, và việc tổ chức thờ cúng “Ông” chu đáo là một cách đền ơn đáp nghĩa theo luật nhân quả của nhà Phật. Niềm xác tín ấy được phản ánh trong các bài văn tế bằng Hán, Nôm và cả trong một số bài vè sưu tập được ở vùng ven biển Gò Công, Bình Đại, Ba Tri,…

Ở dọc theo vùng biển Nam Bộ, ngư dân đã lập ra nhiều lăng, miếu thờ cá Ông như ở Xuyên Mộc, Phước Tĩnh (huyện Long Đất), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), ở thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ – thành phố Hồ Chí Minh), ở Vàm Láng (Gò Công – Tiền Giang), ở các xã Vang Quới, Thới Thuận, Thừa Đức, Bình Thới, Bình Đại, Bảo Thạnh, Tân Thủy (Bến Tre), Vĩnh Luông (Trà Vinh), Ngọc Hiển (Minh Hải – Cà Mau) v.v…Cũng có nơi người ta thờ cá Ông ngay trong đình làng như đình làng Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) nơi đó có bộ xương cá Ông dài 12 mét. Lăng thờ cá Ông ở Vũng Tàu tọa lạc trong khuôn viên ngôi đình làng Thắng Tam và nơi đây có 3 sắc thần của Vua phong “Nam hải đại tướng quân (hai sắc thần đời Thiệu Trị năm thứ V và một sắc thần đời Tự Đức thứ III), ở đây có thờ những bộ xương cá Ông lớn nhỏ khác nhau.

Ngày lễ cúng cá Ông diễn ra không thống nhất giữa nơi này và nơi khác, vì điều này phụ thuộc vào ngày cá Ông “lụy” mà địa phương đó đã phát hiện và coi như ngày giỗ. Ví dụ: ngày 21 tháng 3 âm lịch, ngư dân làng biển Kinh Ba, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, Sóc Trăng tổ chức lễ Nghinh Ông, ở Cần Thạnh (Cần Giờ) lễ được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, ở Vàm Láng ngày 15 tháng 8 âm lịch, ở Thắng Tam ngày 16 tháng 8 âm lịch, ở Bình Đại ngày 16 tháng 6 âm lịch v.v…Ngày tháng có xê xích nhau nhưng nói chung thường xảy ra vào những tháng biển động, có gió bão nhiều, cá Ông hay bị nạn và giạt vào bờ.

Về quy tắc cũng như nghi lễ, vật phẩm dâng cúng (thường ít dùng vật phẩm từ biển như tôm cá), giữa các địa phương không khác biệt nhau mấy. Quy mô tổ chức lễ hội to hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế ở nơi đó, bởi vì những chi phí cho cuộc lễ (từ việc rước xách đến tổ chức hát bội, vui chơi,..) chủ yếu dựa vào quỹ của làng và sự đóng góp của chủ ghe nghề. Ví dụ, năm nào biển giã được mùa, không xảy ra hiện tượng chìm ghe, hư hỏng, chết người, thì việc cúng kiếng được tổ chức rình rang hơn, ăn uống cũng linh đình hơn năm thất mùa.

Lễ cúng cá Ông thường gồm 3 giai đoạn: lễ Nghinh Ông, lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền và lễ Chánh tế, sau đó là phần vui chơi (kể cả hát bội) và ăn uống. Quang cảnh ở Lăng Ông trong ngày lễ được tổ chức hết sức rực rỡ và trang nghiêm. Các nhà trong vạn ghe nghề đều kết hoa, treo lồng đèn, nhiều người bày hương án có nhan đèn, bánh trái, mâm xôi trước nhà. Các ghe thuyền hôm ấy đều đậu ở bến, không ra khơi làm nghề. Chủ trì lễ tế, xưa xia dưới thời phong kiến, thường là lý trưởng hay vạn trưởng. Các thành phần khác trong ban điều hành giống như lễ cúng đình.

Lễ Nghinh Ông thường bắt đầu lúc rạng sáng. Một đoàn thuyền được chuẩn bị sẵn để ra khơi. Đi đầu là chiếc ghe chính có trọng tải lớn (thường 20 đến 30 tấn) có kết hoa, treo cờ, có bàn hương án và bài vị thủy tướng, có trang bị dàn nhạc ngũ âm và một số người biết hát múa, ăn mặc chỉnh tề, hướng thẳng ra biển. Trong khi đó, trên bờ, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng nhạc nổi lên rộn rã. Đoàn tàu, thuyền gồm nhiều chiếc khi ra đến địa điểm đã định thì dừng lại. Vị chủ tế mặc áo dài đen, chít khăn, chân đi hài, ra lệnh gióng ba hồi trống, rồi làm lễ dâng hương, dâng rượu, đọc sớ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, biển nhiều tôm cá…Sau đó đoàn ghe thuyền quần đảo nhiều vòng và mọi người đều chăm chú chờ hiện tượng nước biển xao động, gọi là “lên vọi” (dấu hiệu tượng trưng Ông về chứng giám lòng thành của dân làng nghề biển); sau đó, đoàn thuyền quay về bến, “rước Ông” về lại lăng (hay đình) an vị. Lúc bấy giờ người dân từ các nhà đổ ra bến, múa lân, tấu nhạc, đốt pháo tưng bừng để bày tỏ niềm ngưỡng mộ.

Tiếp theo là lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, có đọc văn tế, có tổ chức học trò lễ dâng hương, trà, rượu và thức cúng làm từ thịt gia súc, gia cầm là chính. Sau phần lễ là phần tiếp khách và mọi người lớn nhỏ trong làng cùng nhau ăn uống, vui chơi.

Lễ Chánh tế bắt đầu từ 12 giờ đêm cùng ngày. Thức cúng thường là một con heo trắng, hai mâm xôi đắp cao, có cả rượu và trà, có học trò lễ dâng hương và dàn ngũ âm tấu nhạc. Cũng như các lễ cúng đình hàng năm của cư dân làm nông nghiệp, làng hay vạn thường rước các đoàn hát bội về diễn cho dân xem. Đây là nét khác biệt so với lễ cúng cá Ông của cư dân miền trung. Thường các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa sau lễ tế có tổ chức hát Bả trạo, một loại hình hát múa dân gian ven biển.

Căn cứ vào nội dung các bản văn tế cầu mong sự bình yên, thịnh vượng và điều lành cho mọi người, mọi nhà, phản ánh niềm khát khao mộc mạc, chân thành của dân chúng, ta thấy trong khoảnh khắc này giữa thần linh và đời sống dân giã dường như không còn nữa. Tục thờ cúng cá Ông có cội nguồn rất xa xưa, được phủ thêm màu sắc Phật giáo và cả Nho giáo phù hợp với cấu trúc đa nguyên trong tín ngưỡng của người Việt, trong quá trình tồn tại và phát triển đã tiếp thu và tôn vinh một số đạo lý cổ truyền thấm đượm tính nhân văn của dân tộc. Cá Ông, một sinh vật có ích được nhân cách hóa thành một Đấng cứu hộ độ thế, được con người tôn sùng và biết ơn.

Lễ hội chính là dịp để thỏa mãn nhu cầu đền ơn, báo nghĩa. Lễ hội Nghinh Ông có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân, là sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của cộng đồng. Lễ hội góp phần cố kết cộng đồng, là sợi dây liên kết mọi người, cùng thờ cúng chung một vị thần linh và cùng vui chung trong những trò diễn. Lễ hội Nghinh Ông đáp ứng nhu cầu tâm linh và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng; bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hướng về nguồn cội, tưởng nhớ những người có công khai khẩn vùng đất (tiền hiền, hậu hiền), các diễn xướng dân gian. Lễ hội Nghinh Ông góp phần phát triển kinh tế thông qua thu hút khách du lịch qua các hoạt động như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng.

Với giá trị tiêu biểu Lễ hội Nghinh Ông được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019.

 

Đưa Ông ra biển làm lễ tại lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ.

Tài liệu tham khảo:

1. Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội).

2. Web site Cục Di sản Văn hóa.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 6 năm 2022

Võ Cư

Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ Quốc tế