HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM

ĐÓNG GÓP CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM QUA HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO QUỐC TẾ  GIAI ĐOẠN 1965 – 1975

             Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền NamViệt Nam là thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hội ngày càng trưởng thành về mọi mặt, đóng góp to lớn trên cả 3 mặt trận: chính trị, võ trang, binh vận. Đặc biệt, Hội đã tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh chính trị với nội dung sâu sắc, hình thức phong phú. Trong các cuộc đấu tranh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam có thể tự hào là đã giữ vai trò xung kích, đóng góp nhiều lực lượng cho cách mạng. Trong 5 năm, từ 1961-1966, Hội đã phát động 220.000 cuộc đấu tranh chính trị lớn, nhỏ; huy động 25.800.000 lượt phụ nữ tham gia mít tinh, biểu tình phản đối tội ác của Mỹ- ngụy rãi chất độc hóa học, càn quét, đốt phá ruộng vườn, hãm hiếp, gom dân vào ấp chiến lược…số cuộc đấu tranh chính trị ngày càng tăng ở những năm 1969 -1972, mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao uy tín cách mạng và làm giảm uy tín của địch. Trên lĩnh vực đấu tranh vũ trang, số phụ nữ tham gia du kích, dân vệ, quân sự chính quy ngày càng đông, xuất hiện nhiều anh hùng, dũng sĩ. Song, sự đóng góp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam trên lĩnh vực ngoại giao quốc tế cũng không nhỏ. Những tà áo dài xuất hiện trong hội nghị Paris 1973 đã mang lại hình ảnh khó quên đối với bạn bè yêu hòa bình thế giới.

Được thành lập vào ngày 8-3-1961, là một đoàn thể cách mạng của phụ nữ miền Nam, Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải Phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn này gồm 39 Uỷ viên với đầy đủ thành phần phụ nữ: công nhân, nông dân, trí thức, sinh viên tiêu biểu cho mặt trận đại đoàn kết của giới, do bà Nguyễn Thị Tú làm Hội trưởng, Phó Hội Trưởng là các bà: Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Bình, Mí Đoan. Tổng thư ký là bà Nguyễn Thị Thanh. Ngay khi mới thành lập, Hội đã công bố bản Chương trình “Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải Phóng miền Nam Việt Nam là một tổ chức cách mạng yêu nước của toàn thể phụ nữ miền Nam, nhằm đoàn kết tất cả các tầng lớp phụ nữ không phân biệt già, trẻ, giai cấp, chủng tộc, đảng phái, tôn giáo kiên quyết đấu tranh chống mọi áp bức, khủng bố của Mỹ Diệm, đòi cải thiện đời sống, đòi thực sự tự do bình đẳng với nam giới….”

 Đến Đại hội lần 1- năm 1965, Hội trưởng là bà Nguyễn Thị Định; Hội phó gồm: bà Lê Thị Riêng, bà Mí Đoan, bà Nguyễn Thị Bình và 5 Ủy viên thường trực, 28 Ủy viên trong Ban chấp hành. Cơ cấu này được gọi chung là Ban chấp hành Trung Ương Hội Liên hiệp Phụ Nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tại từng khu vực địa lý và từng địa phương lại có Hội phụ nữ giải phóng cấp khu và tỉnh với Ban chấp hành riêng như: Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định; Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng khu 8 gồm Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, Kiến Phong, Kiến Tường, An Giang; Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng khu 5 gồm các tỉnh: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum. Bà Bùi Thanh Vân giữ chức Hội trưởng từ tháng 3-1964 đến tháng 5- 1975; Ban chấp hành Hội phụ nữ giải phóng  khu Tây Nam bộ và các Ban Chấp hành Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh: Bến tre, Vĩnh Long, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai …  Chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống Hội được xây dựng hoàn chỉnh từ Trung Ương đến cơ sở, cơ sở Hội phát triển đều khắp các tỉnh, thành miền Nam.

Trước tình hình hết sức cấp bách của chiến trường miền Nam, Mỹ- ngụy tăng cường leo thang chiến tranh bằng sự hủy diệt vào con người và đất đai. Nhận thấy cần phải cho thế giới hiểu sự thật về Việt Nam, tố cáo Mỹ, hạ uy tín của chúng trước thế giới; đồng thời kêu gọi bạn bè khắp năm châu yêu hòa bình ủng hộ cuộc kháng chiến của ta, Trung Ương quyết định tăng cường tổ chức bộ máy và lực lượng cán bộ nữ cho công tác ngoại giao của Đảng.

Công tác ban đầu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam là công tác quốc tế nhân dân, vì thời gian đầu ta chưa có Chính phủ để hoạt động ngoại giao. Lúc đó, Ủy Ban thống nhất là cơ quan của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Ban Thống Nhất (CB40 – Bộ phận chỉ huy quốc tế nhân dân gồm các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, công đoàn) của Trung ương Đảng đảm nhận công tác đấu tranh quốc tế nhân dân miền Nam. Tổ phụ nữ quốc tế nằm trong bộ phận 1A của CB40; giai đoạn đầu, tổ trưởng Tổ phụ nữ quốc tế là bà Lê Thị Chi (phụ trách việc thu thập tư liệu từ chiến trường miền Nam tuyên truyền với nước ngoài) và các thành viên gồm các bà Lê Thị Cao (phụ trách Liên đoàn phụ nữ dân chủ Quốc tế), bà Trần Thị Hạnh (phụ trách các tổ chức của phụ nữ Mỹ và phụ nữ các nước chư hầu của Mỹ) và bà Nguyễn Thị Tâm (phụ trách các tổ chức của phụ nữ các nước Á Phi).

Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, hoạt động ngoại giao miền Nam chính thức thành lập Ban CB72 (Công an Bộ Ngoại giao). Như vậy, Ban Thống nhất là tiền thân của CB72 với sự đóng góp không nhỏ của các bà Nguyễn Thị Bình – Ủy viên Ban Trung Ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Giải phóng miền Nam Việt Nam, bà Trần Thị Hy (Nguyễn Ngọc Dung), bà Nguyễn Thị Chơn, bà Đỗ Duy Liên, bà Mã Thị Chu, bà Tạ Thị Kiều, bà Nguyễn Bình Thanh, bà Lê Thị Chi… đều là những Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam .

Tổ quốc tế của phụ nữ có nhiệm vụ nghiên cứu đường lối ngoại giao của Đảng, vận dụng vào công tác tuyên truyền quốc tế nhằm tranh thủ rộng rãi sự ủng hộ của phụ nữ thế giới đối với đường lối xây dựng và phát triển đất nước; thường xuyên duy trì và mở rộng mối quan hệ với các tổ chức phụ nữ hòa bình thế giới, vận động nhân dân thế giới xoay quanh các chủ đề lên án thái độ hiếu chiến của chính quyền Mỹ; nêu thành tích của phụ nữ trong chiến đấu và xây dựng đất nước, đề cao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tố cáo tội ác của Mỹ – ngụy ở miền Nam cho Liên đoàn phụ nữ các nước, nêu lên vai trò của phụ nữ đối với sự nghiệp chống Mỹ; tìm hiểu mức độ kinh nghiệm vận động phụ nữ của các nước xã hội chủ nghĩa và Châu Âu trong giải quyết các vấn đề xã hội; cử các đoàn phụ nữ tham gia đại hội, hội nghị chuyên đề, thăm hữu nghị quốc tế. Mỗi chuyến đi, Tổ phụ nữ quốc tế đều phải chuẩn bị tư liệu về phong trào phụ nữ miền Nam, tư liệu tố cáo tội ác Mỹ – Ngụy, các tặng phẩm và tài liệu tuyên truyền.

 Lực lượng làm công tác ngoại giao quốc tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam là lực lượng trẻ, năng động, có trí thức đã khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp chung. Trên diễn đàn quốc tế, phụ nữ miền Nam vừa kiên cường nhưng vừa dịu dàng, khéo léo sử dụng linh hoạt và hiệu quả các hình thức vận động kêu gọi, tranh thủ sự đồng tình của nhiều quốc gia và các tổ chức đoàn thể, nhưng tuyệt đối không dao động tư tưởng, không xa rời mục tiêu đặt ra và đã đạt hiệu quả cao, thành công đáng kể trên một số lĩnh vực.

Trên lĩnh vực đấu tranh ngoại giao, Hội đã góp phần tuyên truyền và cổ vũ cho thắng lợi của phong trào cách mạng miền Nam vang dội khắp thế giới, hạ uy tín chính trị của địch xuống mức thấp. Công tác ngoại giao quốc tế của phụ nữ đã khiến cho bộ mặt thật của Mỹ ở Việt Nam bị bóc trần trước toàn thế giới, buộc phải nhượng bộ những yêu sách chính đáng của ta; tác động tích cực vào các tổ chức tiến bộ thế giới ủng hộ phong trào chống Mỹ ở miền Nam. Phong trào nhân dân thế giới chống chiến tranh xâm lược Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và làm dấy lên phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau. Phong trào ủng hộ Việt Nam chuyển từ nhận thức nhân đạo sang nhận thức chính trị.

 Điển hình là cuộc biểu tình ngày 15-2-1967 của 2.500 phụ nữ Mỹ từ các nơi kéo về Bộ Quốc phòng đòi gặp Mac-na-ma-ra, yêu cầu đưa con em họ về nước; năm 1970, với tội ác Mỹ- ngụy giết hại dân lành, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em ở Sơn Mỹ và nhà tù Thủ Đức đã có trên 30 nước và 10 tổ chức quốc tế, 50 tổ chức quốc gia ra tuyên bố, thư mời, lời kêu gọi lên án vụ thảm sát ở Sơn Mỹ và Thủ Đức…Tổ chức Hội Phụ nữ  các nước như Hội Liên hiệp Phụ nữ Cu Ba đã có những phong trào vì Việt Nam: phong trào Tạ Thị Kiều, phong trào tìm hiểu chị Út Tịch, phong trào “Làm như phụ nữ miền Nam Việt Nam”, thực hiện kế hoạch lao động sản xuất “Tuần lễ đoàn kết với Việt Nam”… Hầu như tất cả các nước lớn, nhỏ trên thế giới đều có những tổ chức đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, có nước có cả chục tổ chức, đoàn thể với nhiều tên gọi khác nhau  như Ủy ban, phong trào, Mặt trận khi lên tiếng, kêu gọi hưởng ứng sự đoàn kết với Việt Nam.

Trên trường quốc tế, Hội đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, điều đó được chứng minh bằng con số các quốc gia, các tổ chức hòa bình, các tổ chức phụ nữ cảm thông và ủng hộ cuộc kháng chiến ở miền Nam ngày càng tăng. Tại các cuộc hội nghị quốc tế, vấn đề Việt Nam được đưa ra thảo luận trong các vấn đề cơ bản của hội nghị. Ngay cả trong các hội nghị chuyên đề của từng khu vực và từng nước, các báo cáo của phụ nữ miền Nam được coi là những đóng góp quan trọng vào quá trình giành độc lập của các nước và là tham luận được đáng giá cao.

Có thể nói, công tác ngoại giao quốc tế là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi các cán bộ nữ phải thông minh, linh động và sáng tạo. Trong giai đoạn chống Mỹ, Ban ngoại giao quốc tế của Hội Liên Hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhận thức sâu sắc được vai trò và nhiệm vụ của mình, cố gắng đi vào chiều sâu lẫn phát triển chiều rộng, tuyên truyền bám sát nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng Việt Nam theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình chiến trường miền Nam. Hội đã vận dụng thời cơ đi sâu sát vận động từng giới, từng tổ chức; qua đó, hình thành liên minh quốc tế vững chắc trong phong trào hòa bình thế giới, phong trào liên minh các dân tộc giành độc lập tự do cho tổ quốc. Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc có phần đóng góp to lớn của tổ chức Hội Liên hiệp Giải phóng miền Nam.

                                          Tp. Hồ Chí Minh, ngày 07/03/2011