GIỚI THIỆU TỤC ĂN TRẦU

HƯỚNG TỚI  NGÀY QUỐC TẾ BẢO TÀNG 18. 5. 2011

           CHỦ ĐỀ “BẢO TÀNG VÀ KÝ ỨC”

 GIỚI THIỆU TỤC ĂN TRẦU

Tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện cảm động về tình cảm anh em, vợ chồng. Từ đó tục ăn trầu đã trở thành một tập quán không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” giúp con người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu nhân lên niềm vui khi khách đến chơi nhà được mời trầu; tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui; ngày lễ tết miếng trầu mời người lạ để làm quen, kết bạn; với người quen miếng trầu là tri ân, tri kỷ. Miếng trầu cũng làm cho người ta ấm hơn trong những ngày đông giá lạnh, làm nguôi, vơi bớt nỗi buồn khi nhà có tang,  được sẻ chia cảm thông bởi họ hàng, bạn bè, làng xóm. Miếng trầu còn là biểu tượng cho sự thành kính của thế hệ sau với thế hệ trước qua mâm cỗ thờ cúng gia tiên, tế lễ thần linh….

Theo quyển “Gò Công cảnh cũ người xưa” của Việt Cúc thì ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ 20, tục ăn trầu không dành riêng cho một giới nam hoặc nữ. Nam giới khi ăn trầu thì hút thuốc rê, khi lao động luôn mang theo bên mình một túi “Hổ phệ” (giống như cái bóp) đựng mấy miếng trầu cau. Nữ giới khi ăn trầu thường kèm theo thuốc xỉa hoặc chất độn như vỏ cau phơi khô, vỏ cây giấy, đậu phộng…. Khi lao động thì mang bên mình một ruột tượng để đựng trầu cau. Ở những gia đình giàu có sang trọng thì các bà khi ra khỏi nhà thường xách một cái giỏ đan bằng tre hoặc mây, bên trong để một ốp trầu, mấy trái cau tươi (hoặc một hủ cau ngâm), một hủ vôi, một hộp thuốc xỉa, một con dao nhỏ và một cái ống nhổ. Khi khách đến nhà, trước tiên chủ nhà phải bưng một tô nước kèm theo một cái muỗng (đặt trên một cái đài) để khách súc miệng. Sau đó, chủ nhà mang khay trầu ra tiếp đãi. Trên khay có dĩa đựng trầu, dĩa đựng cau, hũ vôi, hộp thuốc xỉa, dao, dĩa đựng vỏ giấy, vỏ cau…, dưới chân lúc nào cũng có một ống nhổ lớn. Một miếng trầu gồm: cau, lá trầu không, thuốc xỉa, vôi. Khi ăn, cau được nhai dập mới cho trầu vào và sau cùng là lấy thuốc xỉa quệt thêm ít vôi sẽ cho vị cay, thơm, giúp chắc răng, sạch miệng. Người ăn trầu thường lấy tay quệt ngang miệng khi ăn, lâu dần tạo thành nét môi cắn chỉ mà chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến.

Để têm trầu, dùng dao sắc róc vỏ cau nhưng phải khéo vì chỉ cắt đứt chừng 1/3 vỏ phía dưới, rồi tỉa chũm và tỉa khắc hoa trên phần vỏ xanh còn lại. Quả cau được bổ dọc chia làm 6 phần đều nhau, khi ăn tước bỏ vỏ xanh. Muốn têm trầu cánh phượng, người ta gấp lá trầu làm hai theo chiều dọc, đưa một nhát dao hơi xéo vào hai bên phiến lá, khoảng từ giữa lá lên phía cuống nhưng không được để đứt. Phần giữa lá, xén bỏ hai bên mép lại cho thẳng như têm trầu ăn thường ngày, phết một chút vôi ở giữa rồi cuộn tròn lại; sau đó dùi một lỗ ở giữa để gài cuống lá vào cho chặt. Hai rẻo lá được cắt gần sát cuống vểnh lên trông như hai cánh con chim phượng. Têm trầu cánh kiến chỉ khác là thay vì rọc một đường khá rộng (1cm) hai bên phiến lá thì người ta rọc làm hai, ba đường hẹp, rẻo lá vểnh ra có nhiều cánh nhỏ trông giống như những cánh con kiến xòe ra.

Bình vôi dùng ăn trầu thường có dáng tròn vẹt, trổ một lỗ tròn làm miệng ở vai bình, trên chóp có quai xách, chứa vôi đã tôi, sền sệt, màu trắng dùng để ăn trầu. Khi bình vôi đã cạn thì đổ thêm vôi đã tôi vào, lâu ngày lớp vôi cũ bám chặt vào thành bình phía trong và cứng dần, không thể nạo ra khiến lòng bình, miệng bình hẹp dần không dùng được nữa. Theo tục lệ, thay vì vứt bỏ, người ta đem bỏ ở gốc cây cổ thụ trong làng. Những ngày lễ cổ truyền người ta thắp hương cúng “Ông bình vôi”. Tục thờ Ông bình vôi xuất hiện khoảng những năm đầu thế kỷ 20 và chỉ phổ biến ở miền Bắc, miền Trung nhưng không có sự tích nào rõ ràng để giải thích tục thờ này. Ngoài ra, chiếc bình vôi còn được tôn là Bà Chúa trong nhà, là biểu tượng cho quyền lực của người phụ nữ trong gia đình.

Bình vôi và ống ngoáy hầu như người ăn trầu nào cũng có nhưng chỉ có ống nhổ là những người giàu sang mới có. Phàm ăn trầu không thể nuốt cả nước và cái. Dân đen đi chân đất ở nhà tranh thì ăn trầu xong nhổ toẹt xuống nền đất là xong, còn những người giàu sang sẽ sắm ống nhổ để khoe vẻ lịch duyệt cao sang của mình. Ống nhổ thường có thân hình bầu, miệng ống loe và xòe rộng, có thể làm bằng đồng hoặc gốm. Loại có kích cỡ lớn thường dùng cho cộng đồng, tiếp khách; loại nhỏ thì dùng cá nhân.

Miếng trầu không chỉ là thú ăn chơi, miếng trầu còn tượng trưng cho tình yêu chung thủy lứa đôi, là chiếc cầu kết nối nam nữ nên duyên vợ chồng. Miếng trầu đi đầu, tác hợp cho lứa đôi và là sợi dây kết chặt mối lương duyên cho trai gái thành vợ thành chồng. Trong mâm lễ sang thưa chuyện nhà gái, nhà trai dù nghèo hay giàu cũng không thể thiếu lá trầu, quả cau. Ở Nam Bộ, mâm trầu cau gồm có: phía trong là một cái mâm bày 8 xấp trầu, mỗi xấp 8 lá, tổng cộng 64 lá (tượng trưng cho 64 quẻ trong kinh dịch) trên có 2 quài cau. Mâm trầu cau được phủ khăn đỏ rồi đặt trong chiếc kiệu với 4 người khiêng, gọi là mâm trầu khiêng. Nếu dùng một cái lồng bằng giấy ngũ sắc úp bên ngoài sẽ do một người đội, gọi là mâm trầu trệt. Với quan niệm mâm trầu trong lễ cưới tượng trưng cho vạn vật trong vũ trụ nên tàu, ghe kiêng cữ không dám chở.

Ngày nay, tục ăn trầu và mời trầu đã không còn phổ biến như xưa nhưng trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong việc giao hiếu, kết thân, lễ tế, cưới hỏi… bởi miếng trầu đã gắn liền với đời sống của người Việt, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Tuy tục ăn trầu đã không còn phổ biến như xưa nhưng những vật dụng dùng trong tục ăn trầu vẫn còn nguyên giá trị, là dấu ấn của một phong tục tập quán mà người dân đất Việt đã lưu giữ từ ngàn đời nay.

Hiện tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang lưu giữ bộ sưu tập hiện vật về tục ăn trầu, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, chất liệu và kích thước. Trong năm 2010, với mục đích giới thiệu đến khách tham quan tục ăn trầu của người Việt thông qua những dụng cụ ăn trầu, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam –Tp.HCM, Bảo tàng Thành Phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM, Nhà sưu tập Nguyễn Văn Quỳnh, Hoàng Văn Cường, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Dòng, Đào Văn Hiến,… thực hiện trưng bày chuyên đề “Bộ dụng cụ ăn trầu” từ ngày 20/04/2010 đến 20/09/2010. Chuyên  đề đã thu hút được một lượng lớn khách tham quan và nhận được sự đánh giá cao của các nhà nghiên cứu, bạn bè đồng nghiệp. Đó cũng chính là cơ sở cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tiếp tục sưu tầm nhằm hoàn thiện hơn nữa bộ sưu tập hiện vật để có thể giới thiệu đến khách tham quan khi dự án nâng cấp và mở rộng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được triển khai trong thời gian sắp tới.