CHUYỆN KỂ VỀ 41 NỮ TÙ CHÍNH TRỊ CÔN ĐẢO

Liệt sĩ NGUYỄN THỊ TÚ

(Tên khác: Năm Tú)

               Ở ven một ngôi làng xa của rừng cao su Bình Dương, có một khóm tre tàu. Dưới khóm tre tàu ấy, có một người phụ nữ bị chôn sống. Người phụ nữ ấy không có được một tấm vải liệm, không có được một cái áo quan. Người phụ nữ ấy đã bị chôn ngồi, chân và tay bị trói bằng những sợi dây màu xanh. Đầu của người phụ nữ ấy chỉ cách mặt đất vài mươi phân. Khi phát hiện ra hài cốt ấy, tóc người phụ nữ còn dài và đen. Với thời gian, tóc đã rã ra từng sợi. Người phát hiện hài cốt đã trồng tre thay mộ. Tre tàu có tiếng là nhiều rễ, rễ tre đã làm nổ tung sọ của người phụ nữ, từng mảnh xương sọ bám vào rễ tre.  Người phụ nữ bị chôn sống, hài cốt ấy chính là của bà Nguyễn Thị Tú. Mãi đến ngày 14 tháng 12 năm 1997, hài cốt của bà mới được nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên phát hiện. Ẩn trong bộ hài cốt đã rã nát kia là hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhân hậu và thủy chung đến cùng với tất cả những giá trị thiêng liêng bà luôn mang trong tim, luôn dạy các con sống theo điều đó. Đất nước, đồng đội và các con cháu sẽ mãi nhớ về hình ảnh sáng ngời của bà, liệt sĩ Nguyễn Thị Tú.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, sinh năm 1923 tại Cần Thơ. Bà theo cha mẹ về Sóc Trăng sinh sống. Sau do hoàn cảnh, bà về Sài Gòn theo học trường Gia Long. Bà lấy chồng là ông Trần Thượng Tân, cùng về Sóc Trăng sinh sống. Vợ chồng bà có với nhau 5 người con, 2 trai và 3 gái.

Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, tại quê nhà, với tư cách là Tổng thư ký Phụ nữ Tiền Phong tỉnh Sóc Trăng, bà đã cùng chống và các anh em tham gia cướp chính quyền. Bà được cử làm đại biểu thanh niên tỉnh Sóc Trăng đi dự Hội nghị Thanh niên toàn quốc ở Hà Nội. Đường đi bị gián đoạn do giặc Pháp tung ra tái chiếm, bà phải ở lại tham gia chiến đấu trong đoàn Cộng hòa Vệ binh 1.

Đầu năm 1946, bà lại được chọn cùng đi trong đoàn đại biểu của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ do đồng chí Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Văn Tiểng, Đào Văn Trường chỉ đạo vượt biển từ Gò Công ra Phan Thiết để một lần nữa tìm đường ra Bắc nhưng trước thế giặc lan tràn nên đành phải hoãn lại.

Để bảo vệ cán bộ, đoàn phải chia nhỏ, bà ở lại, tìm cách lánh về quê ngoại Thường Phước chờ bắt liên lạc lại với tổ chức. Bà được phân công  làm cơ sở cách mạng trong vùng địch.

Chồng bà, ông Trần Thượng Tân, được chọn là cơ sở của Ban quân báo khu 9, được giao nhiệm vụ len lỏi vào hoạt động trong hàng ngũ địch dưới vỏ bọc là sĩ quan quân đội Pháp. Không may, ông hy sinh khi còn rất trẻ, mới hai mươi bốn tuổi, để lại cho bà năm đứa con, đứa bé nhất còn phải bế ẵm. Cuộc kháng chiến của ta đang trong dầu sôi lửa bỏng, khó khăn chồng chất. Bà cố nén nỗi đau xé lòng vừa thay chồng nuôi dạy các con, vừa lo tiếp tục công tác.

Tổ chức yêu cầu bà chuyển về Sài Gòn, tham gia các phong trào đấu tranh công khai của Sài Gòn – Chợ Lớn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát và đồng chí Nguyễn Thị Lựu.

Lên Sài Gòn, bà mở tiệm “cà rem”, sau đó là tiệm bánh mang tên Trần Thượng, vừa buôn bán kiếm sống vừa làm cơ sở liên lạc, nuôi giấu cán bộ kháng chiến.

Thân sinh của bà, ông Nguyễn Văn Thâu và bà Lê Thị Mẹo, chính là một trong những người đầu tiên đã hiến cả mấy trăm mẫu ruộng cho cách mạng. Trong một lần đi thăm con cháu từ Sa Đéc về, chuyến xe đò chở ông và cháu ngoại Trần Thượng Trân, đứa con trai vừa lên bốn của bà Tú, bị tai nạn. Nằm trong lòng ông ngoại, cháu bé gục chết vì đã hứng chịu các viên đạn bắn xối xả vào chiếc xe chở dân thường. Ông mở cửa xe định nhảy ra nhưng cái chân phải chỉ còn dính vào người bằng một miếng da. Bà Tú đau đớn chôn cất đứa con trai bé bỏng, và chứng kiến cảnh người ta cắt mấy miếng da còn dính lại trên chân ông. Từ đó, ông mang một chân giả, lặng lẽ điều hành tiệm bánh để cho con gái tham gia cách mạng.

Năm 1949, bà tái giá với ông Tạ Bá Tòng – người đồng hương Sóc Trăng, người đã thầm thương trộm nhớ bà từ ngày bà học ở trường nữ sinh áo tím Gia Long, người đồng chí trung thành ngay từ thuở ban đầu cách mạng. Bà cùng con dọn về Tân Định. Ngôi nhà là một nhà in trá hình, in báo Cứu Quốc và các tài liệu tuyên truyền của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh và Mặt trận Liên Việt Sài Gòn – Chợ Lớn.

Năm 1950, cơ sở bị lộ, ông Bá Tòng cùng mọi người trong nhà bị bắt. Kể từ đó, bà dù đang mang thai vẫn vừa làm nhiệm vụ của chính mình vừa tham gia, hỗ trợ các cuộc đấu tranh trong nhà lao Chí Hòa mà ông Bá Tòng là trưởng ban đấu tranh của tù chính trị.

Từ những năm 1950, cùng với các đồng chí, bà đã xây dựng được những cơ sở vững chắc của phụ nữ ngay trong lòng Sài Gòn, góp phần tích cực và kịp thời cho từng cuộc đấu tranh của phong trào nội đô lúc bấy giờ.

Năm 1951, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Lao động Việt Nam. Được phân công chỉ đạo phong trào phụ nữ Sài Gòn – Gia Định. Tháng 7 năm 1951, khi mới sinh con được ba ngày, được tin một cơ sở vừa bị địch bắt, bà giao em cho Tố Nga (con thứ tư của bà) để đi thông báo cho các đồng chí khác, chuẩn bị đối phó khi có tình huống xấu xảy ra. Khi bà trở về viện bảo sanh, máu đã chảy dài xuống tới chân, đọng thành vũng.

Năm 1954, đình chiến theo hiệp định Geneve, bà là Tổng thư ký Ban chấp hành Hội phụ nữ Việt Nam hoạt động công khai tại Sài Gòn. Hội hướng dẫn chị em trong những cuộc đấu tranh công khai bảo vệ quyền lợi của dân nghèo, của nạn nhân chiến cuộc, đòi thi hành hiệp định Geneve thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình. Tại miền Nam, Mỹ thay chân Pháp. Bà cùng một số trí thức có tên tuổi sáng lập trường Đức Trí. Nòng cốt vận động là gia đình kỹ sư Nguyễn Văn Đức. Trường khai giảng năm học đầu tiên vào tháng 9/1954 đã nhanh chóng gây được ảnh hưởng tốt trong dân chúng Sài Gòn.

Năm 1955, bà là Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào – một tổ chức công khai trực thuộc Phong trào Bảo vệ Hòa bình được thành lập dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định.

Lúc này, các cuộc xung đột giữa các phe phái xảy ra liên miên, dân chúng sống trong nơm nớp lo sợ. Được sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, đại diện các đoàn thể, nghiệp đoàn và anh em ký giả đã đứng ra thành lập “Ủy ban cứu trợ nạn nhân chiến cuộc” với 3 mục tiêu trước mắt: cứu giúp đồng bào bị nạn, đòi được bảo vệ an ninh, quyền lợi để được yên ổn làm ăn, đòi được bồi thường thỏa đáng về sinh mạng và tài sản bị thiệt hại. Bà là Phó Tổng thư ký – là một trong các sáng lập viên của ủy ban này. Văn phòng thường trực của ủy ban đặt tại trụ sở Hội Phụ nữ Việt Nam.

Trước ảnh hưởng của Hội phụ nữ Việt Nam trong quần chúng nhân dân, địch đã ra lệnh đàn áp, bắt một số anh trong ban cứu trợ. Các chị trong Ban trị sự Trung ương Hội cũng bị bắt. Bà Tú bị bắt vào ngày 25 tháng 6 năm 1955. Cho rằng bà là người cầm đầu, chúng giải bà về Nha đô thành.

Tại Nha đô thành, sào huyệt khét tiếng của chính quyền Diệm – Nhu, nhìn dáng vẻ mảnh mai trí thức, chúng nghĩ rằng bà sẽ không chịu nổi ngay từ những trận đòn đầu tiên.

Khi đó, 3, 4 tên thay nhau thẩm vấn bà. Một tên mà chúng gọi là Hán, hất hàm hỏi bà: “Tên gì?”. “Nguyễn Thị Tú”. “Không đúng. Bà tên Nguyễn Thị Trung[1]. Bà làm phụ vận, xúi bẩy phụ nữ đòi này đòi nọ. Mấy thằng bị bắt trước đã khai hết cho bà rồi”. Bà thản nhiên trả lời hắn: “Phụ vận là gì, thật tình tôi không biết”. “Vậy ai kêu bà đứng ra cứu trợ nạn nhân chiến cuộc. Nói đi, đòn roi không có đủ kiên nhẫn như tôi đâu. Nếu bà không cầm đầu, vậy thì cấp trên của bà là ai, tên gì, ở đâu?”. “Từ hồi nào tôi chỉ biết nuôi con, thấy đồng bào bị cháy nhà, hết tiền, hết gạo thì tôi ra giúp như những người khác, vậy thôi”. Tên Hán lồng lên, sẵn cái roi da, quất túi bụi vào bà.

Dù bị tra khảo, đòn roi dã man, bà cũng không khuất phục. Không khai thác được gì, lại nể phục tư cách của bà, chúng dần dần thay đổi thái độ cư xử. Từ Nha đô thành, chúng đưa bà qua Tổng nha, rồi Chí Hòa, Thủ Đức, Tam Hiệp, Phú Lợi, sau đó chuyển ra trại giam Phú Quốc. Tại Phú Quốc bà kiên quyết không chào cờ, không chấp hành nội quy của bọn chúng. Chúng dùng mọi hình thức tra tấn, không khai thác được gì ở bà, sau hai ngày chúng lại chuyển bà về nhà lao Gia Định rồi đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, bà cùng 40 chị em khác đấu tranh chống ly khai cộng sản. Thời gian bà cùng các nữ tù chống ly khai bị giam vào xà lim Lao 2 là cả chặng đường đấu tranh vô cùng căng thẳng trước các âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù. Khi bà Lê Thị Mẹo – mẹ của bà, lặn lội ra tận Côn Đảo thăm con, tên chúa đảo Bạch Văn Bốn đã lợi dụng cơ hội này vừa lung lạc hai mẹ con bà, vừa phao tin bà sẽ “ly khai”. Sau phút băn khoăn, các nữ tù nhân vẫn tin tưởng bà không rời bỏ đồng đội. Và, sự thật đúng như họ nghĩ, dù chúng tác động rất mạnh lên tình mẫu tử của bà. Trước âm mưu chia rẽ của bọn chúng, mẹ bà đã khẳng khái nói: “Nó lớn rồi. Nó tự quyết định cuộc đời của nó”. Riêng với con gái, bà nói: “Con à! Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Nghĩa khí của một bà mẹ đã truyền thêm lòng can đảm, kiên cường và tiếp thêm sức mạnh chiến đấu không chỉ cho người con gái của mình, mà còn cho cả những nữ tù khác.

Cuối năm 1960, cao trào Đồng Khởi lan rộng trên khắp các tỉnh miền Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Cùng lúc, phong trào quần chúng và phong trào trí thức ở Sài Gòn vùng lên mạnh mẽ đòi trả tự do cho các chính trị phạm, những người đã bị bắt trái phép, bị giam giữ không thời hạn. Ngô Đình Diệm buộc phải cho thành lập Ủy ban nghiên cứu liên bộ Nội vụ – Tư pháp – Quốc phòng để xét trả lại tự do cho trên 3000 tù nhân các trại. Bà Năm Tú và bà Diệp Tú Anh lúc đó đang được điều trị ở bệnh viện Chợ Quán được gọi lên trả tự do.

Ra khỏi tù, bà được Thành ủy Sài Gòn – Gia Định bố trí giao liên đưa vào chiến khu cùng với bé Ly – Lan, đứa con gái nhỏ sinh ra không biết mặt cha, chỉ gặp mẹ trong các nhà tù, trại giam.

Năm 1960, bà được bầu là Ủy viên Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tháng 8 năm 1961, tại Đại hội thành lập Hội Phụ nữ Giải phóng Sài Gòn – Gia Định, bà được Đại hội nhất trí bầu làm Hội trưởng. Tiếp đó, bà lại được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Lâm thời Trung ương Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1963, bà được cử đi học lớp báo chí do Trung ương Hội mở cho 16 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang…

Tháng 3 năm 1965, Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam lần thứ nhất được tổ chức, bà được bầu làm Tổng thư ký đồng thời là Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hội.

Trong lúc này, tại các vùng nông thôn, hàng vạn gia đình bị gom vào ấp chiến lược, đời sống vô cùng ngặt nghèo, khiến các cô gái làng quê ngày nào chỉ quen với ruộng đồng nay phải vào thành phố kiếm sống tại các nơi. Các cô không có lựa chọn  nào khác ngoài đi làm cho các sở Mỹ hoặc bán mình tại các quán bar. Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng quyết định thành lập một tổ chức công khai tại Sài Gòn, có thể hướng dẫn trực tiếp, kịp thời dư luận và quần chúng bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi người phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Tú với tư cách Ủy viên thường trực Ban chấp hành Trung ương Hội, đồng thời là Hội trưởng Hội phụ nữ giải phóng Sài Gòn – Gia Định được giao nhiệm vụ này. Vào ngày 26 tháng 6 năm 1966, Hội Bảo vệ nhân phẩm và Quyền lợi phụ nữ Việt Nam làm lễ ra mắt ngay tại trường tư thục Đức Trí.

Cuối năm 1966, Mỹ mở trận càn Cedar Falls, phối hợp với quân đội Ngụy tràn vào khu Tam giác sắt gồm các huyện Củ Chi, Dầu Tiếng, Bến Cát. Trên trời máy bay quần đảo bỏ bom không ngớt, dưới sông Vàm Cỏ Đông thì tàu chiến bắn lên, ngoài Đồng Dù ca nông bắn vào. Trên mặt đất hàng đàn chiếc xe tăng tràn vào, cày nát đất, băm nát các cây cao su non. Bà Năm Tú và hai đồng chí khác bị mất tích trong trận càn.

Các cuộc tìm kiếm do cơ quan và do chính ông Tạ Bá Tòng từ nội đô trở về thực hiện đều vô vọng. Hy vọng bà bị ngụy bắt bỏ tù, bị Mỹ bắt chờ trao đổi … đều không thành. Chồng, con, các đồng chí, những người yêu thương bà bắt đầu sống trong khắc khoải.

Đất nước hết chiến tranh, hòa bình về với toàn dân. Các con của bà lần lượt trở về nhà, quây quần bên ông bà ngoại. Chỉ có bà là không về. Bao nhiêu năm hòa bình là bấy nhiêu năm trông chờ, tìm kiếm. Chính phủ công nhận bà là liệt sĩ, tặng cho bà Huân chương Độc lập hạng nhất. Đến ngày 14 tháng 12 năm 1997, gia đình mới tìm được hài cốt của Bà.

Bà được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.