CÂU CHUYỆN VỀ MẸ TRẦN THỊ ĐIỆU

Trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc vĩ đại của dân tộc ta, có biết bao chiến công, đóng góp, hy sinh của hàng triệu những người mẹ, những người phụ nữ Việt Nam. Có những chiến công đã đi vào sử sách, được nhiều người biết đến nhưng cũng có những đóng góp âm thầm, lặng lẽ và vô cùng giản dị – như câu chuyện của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Điệu.

Mẹ sinh năm 1922 tại ấp Nam Hoà, xã Phước Long A, Quận 9. Mẹ lập gia đình khi mới 17 tuổi, có 7 người con (2 trai, 5 gái). Chồng của Mẹ là ông Lưu Văn Quang tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp và hy sinh vào ngày 28/10/1950 tại bưng ông Thòn, xã Tân Nhơn Phú, Quận 9. Gạt nước mắt khóc chồng, Mẹ bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thuốc men…cho du kích và đội biệt động Thủ Đức.

            Trong những năm miền Nam bị Mỹ xâm lược, nơi gia đình Mẹ sinh sống nằm trong vùng thường xảy ra những cuộc đụng độ giữa quân đội Sài Gòn và du kích địa phương, do vậy Mẹ còn là người được chỉ đạo xây dựng những cơ sở liên lạc mật cho cách mạng. Nhà Mẹ là nơi hội họp, sinh hoạt thường xuyên của đội du kích xã. Hằng ngày, Mẹ đảm nhiệm việc nấu cơm tiếp tế cho cán bộ cách mạng. Theo thời gian hoạt động và yêu cầu công tác, nhóm cán bộ này chuyển đi, nhóm cán bộ, du kích khác chuyển đến đều được gia đình Mẹ nuôi giấu an toàn, chu đáo.

            Vừa tần tảo lo toan cuộc sống, nuôi dạy các con nên người, vừa làm cách mạng, nhiệm vụ nào Mẹ gánh vác cũng xuất sắc. Những năm 1965 – 1967, chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn chống Mỹ ác liệt, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến Mẹ động viên hai người con trai lên đường nhập ngũ. Chỉ trong một năm 1967, Mẹ liên tiếp nhận được tin báo tử của hai con trong cùng một tháng; liệt sĩ Trần Văn Nào hy sinh ngày 4/12/1967 và liệt sĩ Trần Văn Được hy sinh ngày 30/12/1967 trong trận đánh tại làng Bình Thái, ấp Trung, xã Phước Long, Quận 9.

Kỷ vật về những năm tháng hoạt động cách mạng gắn liền với Mẹ là lon guy-gô (guigoz). Lon đúc bằng nhôm trắng, có những đường lượn sóng ở quanh thân để khi cầm không trơn tay, nắp lon đúc liền với thân. Cái lon này gắn liền với tên một nhãn sữa nổi tiếng đã từng có mặt ở miền Nam vào những thập kỷ 1970. Sau khi không đựng sữa nữa, lon guy-gô sẽ được tái sử dụng dùng đựng đường mía, muối mè, bột đậu, đựng cơm khi đi làm, đi học. Mẹ đã dùng chiếc lon này tiếp tế lương thực cho du kích, qua mắt địch trong một thời gian dài mà không bị phát hiện.

Gần mấy mươi năm trôi qua, lon Guy-gô vẫn còn nguyên vẹn. Mẹ trao kỷ vật này tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ với mong muốn để con cháu mai sau trân trọng và tự hào về truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Mẹ Trần Thị Điệu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” ngày 14/12/1996.

Mẹ mất năm 2005, hưởng thọ 83 tuổi.

                              Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 9 năm 2012

                                                                        Lê Thị Hồng Nga