VĨNH BIỆT CHỊ MƯỜI LÝ

Trong những cuộc họp mặt, gặp người nữ anh hùng đồng hương Bến Tre nổi tiếng, nhìn vẻ hiên ngang, đường bệ, huân, huy chương lấp lánh trên ngực, tôi rất lấy làm nể phục chị nhưng đôi phần e ngại, bởi… chị là anh hùng. Rồi cơ duyên đưa tôi đến gặp chị để viết sách, làm phim, có nhiều dịp gặp gỡ, mở lòng với nhau hơn, tôi nhận ra chị rất bình dị, gần gũi. Trong đường đời, người nữ anh hùng quê hương Bến Tre đang sống giữa Sài Gòn giống như trăm ngàn người mẹ, người chị Nam Bô mà tôi đã gặp, cũng nhọc nhằn đánh giặc, làm vợ, làm mẹ, nuôi con…

Tôi cũng không muốn nói nhiều đến thành tích của chị Tạ Thị Kiều mà chúng tôi quen gọi là chị Mười Lý, cô gái An Thạnh-Mỏ Cày-Bến Tre mới tuổi đôi mươi đã nổi tiếng vì “đã tổ chức và tham gia 107 lần đấu tranh chính trị trực diện với địch, chiến đấu 33 trận, diệt 7 tên địch, bắn bị thương 11 tên, bắt sống 13 tên, thu 33 súng các loại. Trong chiến đấu chị luôn bình tĩnh, dũng cảm, chỉ huy vững vàng, gan dạ và mưu trí”. Năm ấy chị còn rất trẻ, chợt nhận ra huy chương và hoa hồng cài trước ngực áo mình sao mà trĩu nặng.

Năm 1965, chị trong phái đoàn anh hùng miền Nam ra thăm miền Bắc. Buổi đầu tiên được gặp Bác Hồ đối với chị là một kỷ niệm không quên. Chị hết sức ngỡ ngàng  trước phong cách vị lãnh tụ sừng sững, cao lớn mà hiền hòa, bình dị, gần gũi từng chiến sĩ. Bác hỏi thăm gia đình, cuộc sống của mỗi người ra sao. Chị còn kể thêm Bác rất thích nhìn chị mặc áo bà ba hơn mặc quân phục, bởi chị là người phụ nữ duy nhất trong số 5 anh hùng của đoàn đại biểu miền Nam. Ôm trên tay những đóa hoa tươi thắm do đồng bào miền Bắc trao tặng, gương mặt người con gái với nét đẹp rất đặc trưng Nam Bộ của chị ngời lên niềm hạnh phúc khi được sống giữa tình thương của đồng bào. Rợp trong cờ hoa, trong những tiếng hoan hô, chị nhớ thương biết bao chiến sĩ trong đội quân tóc dài đi đấu tranh, trong tiểu đội du kích mật những ngày đi rải truyền đơn, treo băng cờ, khẩu hiệu, phá rào ấp chiến lược, gài mìn… Nhiều đồng đội của chị đã vĩnh viễn ra đi, không có được niềm hạnh phúc được gặp Bác Hồ như chị. Chị được ra thăm miền Bắc giữa lúc đồng bào miền Nam vẫn còn sống trong kềm kẹp của kẻ thù, không đêm nào máu không thôi chảy…

Có thể nói chị là một nữ anh hùng đạt kỷ lục đi thăm rất nhiều nước trên thế giới, đôi chân bé nhỏ của người con gái Bến Tre cũng từng in dấu trên  những miền đất nước của Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Hungari, Cuba… Chị cũng từng là trưởng đoàn Thanh niên giải phóng miền Nam dẫn đầu 198 đại biểu sang Cộng hòa Dân chủ Đức dự liên hoan Thanh niên thế giới. Đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chị được chủ tịch Kim Nhật Thành và phu nhân đón tiếp nồng nhiệt. Trên đỉnh Kim Cương Sơn (Bắc Triều Tiên) nhìn về phương Nam, chị rưng rưng nhớ quê hương Bến Tre hứng đầy bom đạn, từng đọt dừa, đọt chuối  thân yêu cũng không thoát khỏi sự hủy diệt của sức mạnh chiến tranh. Từ một thôn nữ dấn thân vào cuộc chiến đấu, chị kiên định với lời thề danh dự của người lính: “Tù đày không khai, sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần”. Chị đã được Đảng chấp thêm đôi cánh đi đến những chân trời cao rộng, được ngẫng cao đầu nhìn ra năm châu bốn biển. Đến Hungari, chị được đến tham quan hàng rào điện tử biên giới Áo-Hung.

Đến thăm Cuba, người nữ anh hùng xứ Bến Tre chiếm trọn tình cảm đồng bào Cuba vì dáng vẻ rất nữ tính. Nhìn dáng dấp mảnh mai, chiếc eo thon của chị, những người bạn Cuba không khỏi ngỡ ngàng, thầm hỏi chị lấy đâu ra sức lực để đánh giặc. Chị mỉm cười nói: “Sức mạnh Việt Nam chính là ở chỗ đó”. Chị nói “ Đoàn đại biểu Việt Nam năm ấy rất có ấn tượng  với nước bạn vì sự mềm mại. Không có sự thuyết phục nào lớn hơn chính những công việc mà chúng tôi đã làm. Các bạn ngạc nhiên, khâm phục trước những cô gái Việt Nam bé nhỏ, dịu hiền mà dám gan góc đánh Mỹ”. Lãnh tụ Fidelcastro dành cho chị tình cảm rất đặc biệt. Chị cũng không ngờ được gặp lại người lãnh đạo cao nhất của Cuba, khi năm 1972 Ông đến thăm Việt Nam, được đi cùng Ông đến tận thành cổ Quảng Trị, thị sát sự thất bại của đế quốc Mỹ khi lập nên một hàng rào bom đạn bằng sức mạnh chiến tranh mà không phải là chính nghĩa, ý chí thống nhất của cả một dân tộc. Năm 1985, đồng chí Fidelcastro đích thân thông qua Bộ ngoại giao mời đích danh chị tham quan Cuba. Với chị Mười Lý, đó là một danh dự vô cùng to lớn.

Còn về chuyện lấy chồng, chị Mười Lý tâm sự…

Sau thời gian được đào tạo ở Học viện chính trị trên đất Bắc, năm 1973, người nữ anh hùng vượt Trường Sơn về miền Nam tiếp tục chiến đấu, tại căn cứ Cục chính trị Miền. Trong chuyến công tác tổng kết chiến dịch Nguyễn Huệ, chị qặp một sĩ quan có gương mặt cởi mở, phúc hậu. Trước khi xuống Quân đoàn 4 đánh vào Phước Long, anh “uống mật gấu” đến gặp người nữ anh hùng nói: “Nghe tiếng cô Mười đã lâu, bây giờ mới được gặp. Trước khi đi, tôi muốn “đặt vấn đề chính thức” để cô Mười suy nghĩ…”. Đúng là lúc này “cô Mười” suy nghĩ lung lắm. Chị giật mình nhận ra mình đã bước qua tuổi 36. Giải thích về sự muộn màng đó, chị chân tình nói: “Cuộc chiến đấu ác liệt, mạng sống của người chiến sĩ luôn trong tình huống chỉ mành treo chuông, chị không còn thì giờ nghĩ đến chuyện riêng tư ấy nữa. Cho đến khi…”. Chị cười, nửa đùa nửa thật: “Em biết không, đàn ông được phong anh hùng, khỏi phải nói, đắt như tôm tươi. Còn phụ nữ mà được phong anh hùng thì… lo mà ế chồng. Đàn ông họ sĩ diện lắm. Thấy mình là người anh hùng người ta ngại. Mà đã là người phụ nữ thì…”. Chị lại kể về mối tình khá đặc biệt của mình. Anh chị cưới nhau trong một đêm giữa rừng. Hội trường Cục chính trị Miền Nam dưới lòng đất tránh bom, đông nghịt người đến dự. Nghe tin “cô Mười” lấy chồng, không đợi mời, người đem gà, người góp gói mứt, ổ bánh… đến chung vui cho đến lúc trời sáng. “Chúng tôi chua kịp ở bên nhau thì anh ấy phải ra đi, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…”. Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa rạng thì anh đã cùng đơn vị ngược về Long Khánh chiến đấu, chị trở vào Lộc Ninh… Mãi đến giữa tháng 5/1975, nhìn thấy chị trên tivi, anh mới biết chị đã vào Sài Gòn. Họ đâu ngờ cả hai dù khác hướng cũng đã tiến về dinh Độc Lập, để có mặt, tận mắt nhìn thấy ngày đại thắng, giải phóng Sài Gòn. Trên đường đi, họ như hai chiếc bóng đuổi nhau…

Những ngày hòa bình đầu tiên, đôi vợ chồng bộ đội cuốn vào núi công việc của chính quyền quân quản. Chị ra Bắc dự quốc khánh, khánh thành lăng Bác, dự Đại hội Á Phi lần thứ 10 ở Liên Xô. Tháng 11 năm 1976, chị trở về miền Nam, tràn ngập trong niền hạnh phúc được gặp lại chồng. Cho đến lúc ấy, anh chị mới thực sự sống cuộc đời vợ chồng bên nhau …

Nhưng đó cũng là những năm tháng đầy dẫy khó khăn mà chị cũng như bao phụ nữ cùng thời phải chịu đựng. Chị tâm sự: “Những năm tháng chiến tranh, gia đình hai bên của anh chị đều phải trải qua những mất mát nặng nề. Mẹ  chồng  chị vì không nguôi nỗi đau mất con, khóc mù cả hai mắt. (Hai người con trai của bà đã hy sinh khi đi chiến đấu). Cha chồng chị buồn rầu lâm bệnh đãng trí. Anh Ba Chí- chồng chị công tác ở quân đoàn, tiếp tục cuộc chiến đấu nơi biên giới Tây Nam, rất ít có dịp về thăm nhà. Chị trở thành cây cột chống trời cho mái ấm bé nhỏ; vừa gánh trên đôi vai trách nhiệm trĩu nặng của một người lính trong cuộc chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng ”.

Những ngày hậu chiến gian khổ đã lùi xa, thế hệ chúng ta lớn lên từ những ngày đói cơm thiếu áo ấy dễ dàng đồng cảm với những khó khăn chị đã trải: “Lúc có mang, chị thèm một trứng vịt lộn. Đạp xe qua rồi đạp xe trở lại. Hỏi giá một trứng vịt lộn mắc quá. Chị cứ phân vân: tiền mua một quả trứng vịt lộn đủ mua một nải chuối để cả nhà cùng ăn. Vậy là chị nuốt lại cơn thèm, đạp xe đi. Sáng chị ăn cơm nguội, vội vã đạp xe đi làm, chiều ghé lại bệnh viên Chợ Rẫy thăm cha chồng. Những năm ấy chị công tác phòng chính sách Cục chính trị Miền, phải giải quyết nhiều vụ việc căng thẳng. Có những bà mẹ từ miền Bắc lặn lội vào Nam tìm mộ chồng con. Vừa bước xuống nhà ga đã bị bọn bất lương lừa đảo lấy hết tư trang. Vậy là chị phải đi vận động xin tiền, quần áo. Có những bà mẹ nhận giấy báo tử của con hy sinh ở chiến trường miền Nam. Chiến trường miền Nam thì mênh mông, tìm đâu ra mộ con. Danh sách đơn vị lại không có tên con mình… Chị phải chịu đựng những lời mắng chửi vì bức xúc, phẫn nộ. Rất nhiều nỗi đau khổ của những gia đình có người thân hy sinh trong chiến tranh, chị bình tĩnh thuyết phục, giải thích. Các mẹ khóc. Chị cũng khóc… Ăn uống thiếu thốn, làm việc căng thẳng, chị sinh bé Huệ Minh thiếu tháng. Ngày sinh con, anh không có ở nhà. Đi qua chiến tranh, chị mang trong lòng nhiều nổi sợ… Kiệt sức sau cơn vượt cạn, chị còn cố nhổm dậy hỏi : “Con chị có đủ tay, đủ chân không, có hai mắt không?”. “Đủ. Bé xinh xắn lắm !”. Nghe cô y tá trả lời, giọng vui vẻ chị mới yên tâm thiếp đi…”.

Cũng hơn 10 năm trời đất nước oằn mình trong những ngày gian khó, ràng buộc để chuyển động. Và cũng ngần ấy thời gian, chị oằn mình trong thương khó làm một người con hiếu thảo, người vợ đảm đang, người mẹ tận tụy với tình yêu con vô bờ bến. Đó là những đêm chị thức trắng cùng cơn hen suyễn của con. Sáng chị vội vã đạp xe ra cơ quan, trưa về ăn chén cơm trộn đầy bobo để dành phần cơm trắng cho cha mẹ chồng, cho con thơ. Chị mua loại cá 5 hào một ký, lóc lấy phần thịt nấu cháo cho trẻ con, phần xương cho người lớn. Chị có một người mẹ tuyệt vời. Bà từ Bến Tre lặn lội lên Sài Gòn thăm con. Thấy chị cực quá, bà ở lại đỡ đần công việc. Bà nói: “Con ráng giữ gìn sức khỏe lo chuyện nước. Mẹ thay con làm dâu”. Người anh hùng cũng đã từng rơi lệ uất ức, khi đổi hộp sữa cũ đã quá hạn dùng, bù thêm tiền lấy hộp sữa mới cho con, mở ra chỉ là vôi bột. Người anh hùng cũng đã từng chắt chiu nuôi heo, lần hồi vượt qua những ngày khốn khó. Mãi đến năm 1980, anh Ba Chí mới chuyển công tác về Sở Thương binh Xã Hội tại TP.HCM, vợ chồng chị mới có điều kiện sống bên nhau, cùng chăm sóc con cái…

Một lần gặp tôi ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, chị hồ hỡi khoe: “Con gái Huệ Minh của chị đã tốt nghiệp đại học nghành quản trị kinh doanh, đang công tác ở Cảng Sài Gòn. Cậu con trai út đã vào đại học”. Với cương vị Phó Giám đốc Bảo Tàng lực lượng Quân khu 7, khi còn đương nhiệm, chị đầy tâm huyết cùng các đồng nghiệp xây dựng và phát triển Bảo tàng xứng đáng với tầm vóc tên gọi. Đi qua chiến tranh, chị hiểu được mỗi hiện vật đều mang linh hồn, hơi thở, xương máu của một thời đã qua. Sự tiếp cận, trải nghiệm ấy khiến niềm say mê công việc sưu tầm, nghiên cứu của chị tăng dần.

Đã mấy mươi năm, chị là một anh hùng giữa đời thường, với những vất vả, lo toan trong cuộc sống như bao những người phụ nữ bình thường khác nhưng niềm thương nhớ những đồng đội đã ngã xuống không nguôi trong lòng chị. Nhiều đêm giấc ngủ  chị bị gián đoạn vì  những cơn mơ. Chị thấy mình trong đoàn quân tóc dài dẫn đầu đoàn biểu tình đi đấu tranh. Địch dùng báng súng, dùi cui đánh đập, cắt tóc chị em.  Chúng dã mang thả chó berger cắn vú những cô gái… Chị nói: “ Khi làm công tác chính sách, tôi đã từng đấu tranh cho chị em đi đấu tranh chính trị bị thương tật cũng được hưởng chế độ thương binh. Đó là một trận chiến đặc biệt, đầy khốc liệt. Nếu chị em không kiên trì, dũng cảm; làm sao có được sự phối hợp sức mạnh của chiến pháp “hai chân ba mũi” để đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhà nước ta còn nghèo nhưng đó không là điều nan giải, chỉ sợ người thế hệ hôm nay thiếu cái tâm nhìn về quá khứ để đi tới tương lai”.

Mỗi khi được mặc quân phục, đeo huy chương, chị thấy ngực mình sao mà nặng trĩu… Huy chương cài trên ngực áo người anh hùng đã thấm bao máu đồng đội. Được nhìn thấy những ngày chiến thắng, được sống trong những ngày hòa bình, được làm vợ, làm mẹ sao mà quí. Những năm tháng các con còn nhỏ dại, dù bận rộn đến đâu, mỗi tuần chị dành ít nhất hai tối, để hai con nằm hai bên cánh tay, chị thủ thỉ kể chuyện ngày xưa chị đi chiến đấu. Chị kể về tấm gương của những cô chú đã hy sinh… các con chị say mê lắng nghe “chuyện cổ tích thời hiện đại ”. Chị nói: “Vậy mà chuyện cổ tích ấy thấm dần tâm hồn những đứa trẻ. Người phụ nữ có thiên chức cao quý được tạo hóa ban tặng từ vóc dáng để truyền lại tình thương cho con. Chị thủ thỉ hỏi con trong lớp bạn nào nghịch, bạn nào ngoan. Các con chị nhận xét. Và cũng chính chúng quyết định nên chơi với bạn nào. Chị luôn khuyên con: “Là một công dân của một đất nước phải gắng học. Học để gia đình hạnh phúc, Tổ quốc phồn vinh. Chị rất mừng khi các con lớn lên biết suy nghĩ, ngoan ngoãn, tỏ ra có lòng tự trọng, có chí tự lập, không dựa dẫm cha mẹ. Đó là phần thưởng lớn nhất của cuộc đời dành cho chị…”. Đã mấy mươi năm, chị may mắn hơn đồng đội, còn được sống, công tác trong một môi trường không có tiếng súng nhưng nào phải chiến trận không giăng bẫy trong đời thường của hòa bình. Và trận chiến trong lòng chính chúng ta mới là khốc liệt hơn tất cả…

Gần đây nhất, gặp chị Mười Lý, trong một cuộc họp mặt ở thành phố, chị khoe đã có cháu ngoại. Tôi cười hỏi vui chị: “Hồi xưa chị nổi tiếng đánh giặc giỏi nhưng sợ chuột, sợ con nít, bây giờ chị còn sợ không?!”.  Chị Mười cười tươi: “Con cháu mình mà sợ cái gì. Dễ thương lắm em ơi!”.

Thời gian sau này, chị ít xuất hiện trước công chúng, vui với niềm hạnh phúc làm bà. Tôi cũng nghe chị đang chống chọi với căn bệnh tim hiểm nghèo nhưng không ngờ, quá nhanh… Trưa ngày 26 tháng 10 năm 2012, trên đường công tác, tôi nhận được điện thoại từ giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, báo tin chị Mười Lý đã vĩnh viễn ra đi…

Đến thắp hương trước linh cữu chị, chúng tôi bùi ngùi vĩnh biệt người nữ anh hùng, Anh hùng lực lượng võ trang Tạ Thị Kiều, chị đã về với lòng đất mẹ, hưởng thọ 75 tuổi.

Vĩnh biệt chị Mười Lý!

T.p Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 10 năm 2012

Trầm Hương