THÔNG BÁO TỔ CHỨC THI PHÁC THẢO TRANH KIẾNG TRUYỀN THỐNG NAM BỘ

THÔNG BÁO

Tổ chức thi phác thảo tranh kiếng truyền thống Nam Bộ

Nội dung chủ đềPhụ nữ Việt Nam trong những ngày đầu dựng nước”

Căn cứ Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng;

Căn cứ Quyết định số 1654/QĐ-SXD-TĐDA ngày 30 tháng 10 năm 2019 về việc thẩm định, phê duyệt dự án mở rộng khối nhà trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ;

Căn cứ Quyết định số 572/QĐ-SVHTT ngày 23 tháng 3 năm 2022 của Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt đề cương chi tiết trưng bày dự án mở rộng bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ;

Công văn số 1861/SVHTT-QLDSVH ngày 16 tháng 5 năm 2022 của Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh về thiết kế trưng bày mở rộng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ;

Căn cứ  văn bản số 4808/SVHTT-XDNSVHGĐ ngày 22 tháng 9 năm 2023 của Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh về việc tổ chức thi phác hoạ tranh kiếng, chủ đề “Phụ nữ Việt Nam trong những ngày đầu dựng nước”;

Trên cơ sở Kế hoạch số 112/KH-BTPNNB ngày 8 tháng 9 năm 2023 của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức thi phác thảo tranh kiếng truyền thống Nam Bộ nội dung chủ đề “Phụ nữ Việt Nam trong những ngày đầu dựng nước”;

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thông báo tổ chức cuộc thi phác thảo tranh kiếng truyền thống cụ thể như sau:

  1. Nội dung chủ đề: “Phụ nữ Việt Nam trong những ngày đầu dựng nước”, bố cục thể hiện 3 phần:

          Thứ nhất, sự tích con rồng, cháu tiên nhằm nhắc nhở các thế hệ sau về lịch sử ngoan cường của ông cha không ngại khó ngại khổ. Hình ảnh bà Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi khẳng định vai trò của người phụ nữ ngay từ những ngày đầu khai thiên lập địa và trở thành truyền thống của phụ nữ Việt Nam sau này trong việc làm ăn kinh tế, xây dựng và giữ nếp nhà.

         Thứ hai, các cuộc khởi nghĩa trong những ngày đầu dựng nước do phụ nữ khởi xướng và lãnh đạo. Khởi đầu là cuộc khởi nghĩa của Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị. Một dân tộc dù nhỏ bé, nhưng bị phong kiến đô hộ, giày xéo thì chính những người phụ nữ lãnh đạo khởi binh và đó đã trở thành truyền thống, được giữ gìn và phát huy của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

          Thứ ba, những người phụ nữ ra đi mở mang bờ cõi, mở đất lập làng về phương Nam và các nữ học sĩ dưới các triều đại phong kiến Việt Nam.

  1. Kích thước tranh, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và lịch sử:

         – Kích thước tranh tổng thể: 2,7m x 22,6m x 0,01m (cao x ngang x rộng x dầy 10mm). Kích thước lọt lòng của tranh kiếng có kích thước chiều cao 2,5m và chiều dài là 22,6m do nhiều tấm ghép lại và có độ dầy 0,01m (kiếng cường lực 2,5m x 22,6m x 0,01m). Tổng diện tích tranh kiếng 56,500m2. Tác giả có thể đề xuất kích thước từng tấm ghép để đạt được hiệu quả tốt nhất trong bố cục của bức tranh.

Yêu cầu về kỹ thuật, tranh được vẽ thủ công truyền thống của dòng tranh kiếng Nam Bộ.

– Về mỹ thuật và màu sắc, tranh kiếng thể hiện nội dung tổng thể trên bề mặt kiếng, không phân ranh, tách rời 3 nội dung chính. Về màu sắc, tranh kiếng truyền thống tuân thủ các bảng màu gốc thuần truyền thống Nam Bộ nhưng hài hoà và phù hợp dưới góc độ yêu cầu trong phác thảo nội dung tranh mà Bảo tàng cung cấp.

Về tính lịch sử, nội dung trên tranh kiếng truyền thống phải đảm bảo tính lịch sử trong mỹ thuật phác hoạ về trang phục, hoa văn, áo giáp, các loại vũ khí, hoạ tiết… gắn với lịch sử và sự phát triển văn hoá của dân tộc Việt Nam.

  1. Thể lệ, đối tượng dự thi và phạm vi tổ chức:

Về thể lệ cuộc thi, tác phẩm tranh tham gia cuộc thi được phác hoạ theo tỉ lệ 1:4 (625mm x 6.250mm) trên chất liệu giấy vẽ Canson, màu bền (màu nước hoặc Acrylic). Mỗi tổ chức có thể gửi từ 2 tác phẩm dự thi trở lên, nhưng không quá 5 tác phẩm và mỗi cá nhân dự thi không quá 2 tác phẩm.

Về đối tượng dự thi, đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có chức năng hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật theo quy định của pháp luật và am hiểu tranh kiếng tuyền thống Nam Bộ.

Phạm vi tổ chức cuộc thi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

  1. Trách nhiệm và quyền hạn của tác giả có tác phẩm đạt giải

– Tác giả dự thi có mẫu phác hoạ được chọn phải bám sát nội dung đề cương chi tiết và thực hiện các yêu cầu của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Hội đồng nghệ thuật trong quá trình phóng tác cho đến khi được Hội đồng nghệ thuật thông qua.

– Tác giả có tác phẩm dự thi được chọn (giải nhất) có trách nhiệm và quyền hạn sau:

          + Thực hiện phác hoạ theo tỉ lệ 1:1 (2.500mm x 22.600mm) trên chất liệu giấy vẽ Canson, màu Acrylic.

+ Tác giả sáng tác ra mẫu phác thảo được chọn thông qua cuộc thi chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật công trình từ khâu sáng tác mẫu phác thảo đến các bước thể hiện và hoàn thiện.

+ Giám sát hoặc giới thiệu người có đủ năng lực và pháp lý giám sát quá trình thi công tranh kiếng truyền thống Nam Bộ.

+ Được chỉ đạo nghệ thuật công trình và được ghi danh vào công trình.

  • Tác phẩm đạt giải thưởng của cuộc thi phác hoạ (gồm giải nhất và giải khuyến khích) thuộc bản quyền sử dụng của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
  1. Kinh phí tổ chức cuộc thi

Kinh phí trong dự án trưng bày mở rộng gắn với dự án “Cải tạo, mở rộng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ” và thực hiện theo quy định hiện hành về hoạt động sáng tác mỹ thuật.

Giải thưởng cuộc thi gồm giải nhất và 2 giải khuyến khích:

  • Giải nhất (tác phẩm được chọn): 150.000.000 đồng

(Một trăm năm mươi triệu đồng)

  • 2 giải Khuyến khích: 40.000.000 đồng/giải

(Bốn mươi triệu đồng một giải)

  1. Cơ chế quản lý về bản quyền tác phẩm

– Tác giả phải cam kết tác phẩm dự thi là tác phẩm mới của tác giả, chưa tham dự bất kỳ cuộc thi hay trại sáng tác nào. Tác giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bất kỳ tranh chấp nào về bản quyền và xuất xứ tác phẩm.

– Các tác phẩm đạt giải thuộc quyền sử dụng của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tác giả đứng tên, đặt tên cho tác phẩm, có văn bản cam kết nhằm đảm bảo quan hệ và trách nhiệm dân sự về quyền tác giả.

Các hoạ sĩ tham dự cuộc thi cam kết tặng lại toàn bộ bản quyền tác phẩm của mình cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tác giả giữ quyền nhân thân (đứng tên cho tác phẩm), có văn bản cam kết (nhằm đảm bảo quan hệ và trách nhiệm dân sự về quyền tác giả).

– Tác giả được ưu tiên tham gia giám sát thi công phần mỹ thuật tác phẩm của mình.

  1. Thời gian, địa điểm và thể lệ chấm thi:

Thời gian triển khai cuộc thi

+ Ngày 4/10/2023 triển khai cuộc thi trên Website, Facebook của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

+ Từ ngày 5/10/2023 đến ngày 15/10/2023, các tổ chức, cá nhân tham gia dự thi liên hệ bà Nguyễn Thị Thu Hồng- Trưởng phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Tưng bày Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (SĐT 037.8950790) để làm thủ tục tham gia dự thi và nhận kế hoạch, kịch bản đề cương chi tiết nội dung tranh kiếng.

+ Thời gian các tác giả phác thảo và gửi tác phẩm dự thi từ ngày 05/10/2023 đến ngày 31/12/2023. Các tác giả dự thi bản phác thảo theo tỉ lệ 1:4 (625mm x 6.250mm).

+ Thời gian nhận tác phẩm dự thi hạn chót ngày 31/12/2023.

– Địa điểm tổ chức thi, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (số 200-202 đường Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)

Thể lệ chấm thi, Ban tổ chức cuộc thi chọn các tác phẩm thoả đủ điều kiện yêu cầu về nội dung, tính mỹ thuật về lịch sử văn hoá, hoạ tiết gắn với yêu cầu của tranh kiếng truyền thống để chọn vào vòng bản vẽ chính thức với các chi tiết, nội dung yêu cầu theo tỉ lệ 1:1.

+ Dự kiến từ 02/01/2023 đến 15/01/2024: Hội đồng Nghệ thuật họp để xét chọn bản phác hoạ và thông báo đến tác giả có tác phẩm được giải.

+ Từ ngày 16/01/2024 đến ngày 16/4/2024: Tác giả được chọn hoàn thành bản phác thảo tỉ lệ 1:1 và thông qua Hội đồng nghệ thuật.

  1. Hội đồng Mỹ thuật chấm phác họa tranh kiếng của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ gồm các Nhà nghiên cứu về lịch sử và hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật.
  2. Các tác phẩm dự thi gửi về phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (số 200 – 202 đường Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), liên hệ trực tiếp bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Trưởng phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày.

Trên đây là kế hoạch tổ chức cuộc thi phác thảo nội dung tranh kiếng truyền thống, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ kính mong nhận được sự hưởng ứng cuộc thi của các tổ chức, cá nhân hoạt động mỹ thuật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 4 tháng 10 năm 2023

BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *