Trong văn hoá ẩm thực của Tết cổ truyền dân tộc, ngoài bánh chưng, dưa hấu, mai vàng… thì không thể thiếu khay mứt. Khay mứt ngày Tết là một trong những điều không thể thiếu của gia đình Việt,dù gia đình nghèo khó hay sang giàu, nhà nào cũng phải chuẩn bị một ấm trà nóng, đĩa hạt bí, hạt dưa và đặc biệt là khay bánh mứtđầy đủ các loại mứt với nhiều màu sắc khác nhau, phong phú và đa dạng.
Trong ba ngày Tết, người ta thường rủ nhau đến thăm người thân,bạn bè,nhà hàng xóm…chúc Tết những ngày đầu năm. Khi khách đến, chủ nhà sẽ mời khách uống nước, ăn một chútbánh kẹo vàđặc biệt là thưởng thức những món mứt ngon lành với màu sắc đẹp mắt, để lấy lộc đầu năm. Người Việt cho rằng, khay mứt, bánh, kẹo đặt trên bàn tiếp kháchvới nhiều loại mứt được bày trên cùng 1 khay, đây không chỉ là những món ăn chơi với hương vị thơm ngon dân dã, mà nó còn có ý nghĩa mong muốn sự hòa hợp, tốt lành cho một năm mới, biểu tượng của sự may mắn, sum vầy vàcòn là mối kết tâm giao giữa chủ nhà với khách, là cách để dẫn dắt câu chuyện và chia sẻ yêu thương, cầu may cho người được nhận, thể hiện văn hóa trọng nghĩa, trọng tình của người Việt.Chính vì thế, mỗi gia đình rất coi trọng một khay mứt Tết đẹp mắt, vừa trang trí bàn nước vừa thể hiện lòng hiếu khách của gia chủ, lời chào xã giao lúc này sẽ được thay bằng những nụ cười rạng rỡ, cái bắt tay thân thiết và lời chúc an khang thịnh vượng.
Việt Nam vốn là một nước nhiệt đới, quanh năm cây trái xum xuê, với nhiều loại trái cây vô cùng đa dạng và phong phú, có bao nhiêu củ quả là có thể chế biến thành bấy nhiêu loại mứt khác nhau.Qua bàn tay khéo léo, tinh tế của các bà, các mẹ, các chị, những loại mứt luôn mang nét đặc sắc và hấp dẫn mỗi dịp Tết về.Để làm ra được món mứt ngon đúng hương vị thì không dễ chút nào, từ khâu lựa chọn nguyên liệu phải là những loại củ quả tươi đạt đến độ ngọt nhất định, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, tâm huyết mới có thể tạo ra những miếng mứt thơm ngon mà vẫn giữ được hương vị của củ, quả lúc ban đầu,có lợi cho sức khỏe và hợp vị ngày Tết. Đó chính là nét biến tấu độc đáo, sáng tạo mà vẫn giữ được phong vị cổ truyền.
Có thể nói khay mứt Tết của người Việt là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực ngày Tếtvô cùng đa dạng và phong phú, thể hiện sắc màu ẩm thực vô cùng độc đáo, khay mứt thường có đầy đủ các loại với nhiều màu sắc và hương vị khác nhaubao gồm những loại phổ biến như: hạt bí, hạt dưa, kẹo, đậu phộng, mứt bí; mứt gừng, mứt dừa, mứt cà rốt, mứt me, mứt cà chua, mứt quất… khay mứt luôn đầy đủ các vị chua, cay, ngọt, bùi… và mỗi loại đều có ý nghĩa dinh dưỡng, y học nếu biết cách ăn hợp lý, vừa phải, ngoài ra, nó còn có những ý nghĩa về may mắn khác nhau.
Mứt bí có ý nghĩa đem lại sức khỏe và sự phát triển. Mứt bí rất thơm ngon, thanh mát và dễ ăn với mọi lứa tuổi. Đây một loại mứt khá phổ biến trên khay mứt ngày Tết. Mứt bí thường được cắt thành những sợi nhỏ và dài vừa ăn. Mùi vị của mứt bí không thơm nồng như những loại khác mà nó có một mùi thơm nhè nhẹ, thanh mát mùi bí đao. Vị ngọt thanh của mứt bí khiến cho những người hay ăn đồ ngọt cũng như những người đang muốn giảm cân cảm thấy rất thích. Nhất là đối với chị em phụ nữ, bí như một thực phẩm rau xanh không những tốt cho sức khỏe mà còn mang lại một vóc dáng thanh thoát. Mứt dừa biểu tượng cho sự quây quần, sum vầy, hạnh phúc. Đây là một loại mứt quen thuộc không thể thiếu trong khay mứt Tết truyền thống được rất nhiều thế hệ người Việt yêu thích và lựa chọn trong khay mứt tết mỗi độ xuân về.
Mứt dừa có mùi vị thơm béo, dễ ăn, hơn nữa, dừa có nhiều enzym có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa, điều trị các chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Những năm gần đây mứt dừa được chế biến rất nhiều kiểu khác nhau như mứt dừa sợi, mứt dừa viên, mứt dừa non,…
Mứt gừng có ý nghĩa cho một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc trong năm mới. Nó có vị cay và thơmÂÂÂ nên nếu uống thêm tách trà thơm thoang thoảng, đăng đắng vào thì sẽ có cảm giác tê tê nơi đầu lưỡi, ấm cả bụng.Người xưa thường hay nói, mứt gừng rất lợi thuốc. Vào những ngày Tết, tiết trời hơi se lạnh, mứt gừng sẽ làm ấm người, giảm ho,giải độc… Vì thế, mứt gừng không chỉ là món ẩm thực vui miệng mà còn có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Mứt cà chua có màu đỏ được các gia đình vô cùng ưa chuộng trong những ngày Tết. Bởi nó mang lại nhiều may mắn, phú quý và tài lộc trong năm mới. Vì thế mứt cà chua vừa làm tăng hương vị phong phú cho khay mứt Tết, vừa tạo màu sắc bắt mắt và mang ý nghĩa đặc biệt.Ngoài ra, cà chua còn có nhiều vitamin A rất tốt cho người suy dinh dưỡng, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, tăng lực..
Mứt cà rốt có màu vàng cam rất bắt mắt. Trên bề mặt mứt cà rốt thường bám những hạt đường trắng liti, ăn dẻo dẻo, dai dai lại thơm thơm mà không quá ngọt. Người ta thường cho rằng, màu vàng cam cùng với những hình tròn của mứt cà rốt nhìn như những đồng xu nhỏ nhỏ xinh xinh sẽ mang đến may mắn cho gia đình bạn trong những ngày đầu năm mới.
Mứt me chua ngọt giải nhiệt. Theo Đông Y me có tính mát, vị chua rất có lợi cho việc thanh nhiệt, giải khát, tốt cho hệ tiêu hoá. Mứt me còn là một món không thể thiếu của phụ nữ mang thai, vị chua ngọt trong mứt có tác dụng làm quên cơn buồn nôn, ốm nghén, tăng cường sức đề kháng, chống suy nhược cơ thể.
Mứt hạt sen có vị thanh mát, bùi bùi đem đến cho người thưởng thức hương vị độc đáo, bổ dưỡng và thích thú nơi đầu lưỡi, bởi hương vị đặc biệt của nó. Ngoài ra, mứt hạt sen còn có ý nghĩa một năm mới sum họp, con cháu đầy nhà.
Hạt dưa màu đỏ mang lại may mắn và niềm vui. Đây là một món ăn không thể thiếu được trong khay mứt ngày tết. Màu đỏ của hạt dưa tượng trưng cho sự may mắn, màu của tài lộc, ngoài ra, hạt dưa có thể phòng chữa nhiều bệnh tật. Ngày nay, trong khay mứt tết người ta thường thêm hạt hướng dương và hạt bí, hạt Macca, hat dẻ…
Mứt đậu phộng hay còn gọi là lạc được mệnh danh là “hạt trường thọ”. Nếu bạn hường xuyên ăn đậu phộng một cách có chế độ khoa học và điều độ, hạt đầu phộng có thể giúp bạn bồi bổ sức khỏe tốt.
Ngày nay, khi cuộc sống tiên tiến hơn thì máy móc và công nghệ khép kín được đưa vào trong sản xuất nên bánh mứt ngày nay càng phong phú, đa dạng nhiều chủng loại, mứt được làm và bán quanh năm. Nhưng có lẽ chỉ khi xuân về, miếng mứt mới trở nên ngọt ngào và ý nghĩa, bởi khi đó nó mới được gọi bằng cái tên “mứt tết”. Mứt Tết vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và mang hơi thở mùa xuân đến mọi nhà. Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩmcácbà, các mẹ, các chị thường thích tự làm mứt Tết cho gia đình cùng thưởng thức thay vì mua mứt ở bên ngoài. Có thể nói khay mứt thập cẩm ngày Tết sẽ khiến cho những câu chuyện đầu năm thêm ấm áp và vui vẻ. Chính vì thế mà trong dịp tết tại mỗi gia đình Việt Nam không thể thiếu một khay mứt tết, nó đã trở thành lẽ hiển nhiên, một nét văn hoá trong sinh hoạt ngày tết cổ truyền của người Việt.
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 02 năm 2021
Nguyễn Thị Vân Huệ
Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày