VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ QUÂN ĐỘI TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ CỨU NƯỚC

Với truyền thống “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” trong suốt những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước cùng với nam giới, phụ nữ Việt Nam đã có mặt trên tất cả các mặt trận từ sản xuất đến chiến đấu, từ hậu phương đến tiền tuyến. Họ là những nữ dân quân du kích đến các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Ở bất cứ lĩnh vực công tác nào, trên các mặt trận chiến đấu, họ đều vượt khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao và có những đóng góp đáng kể vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ này, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã biến thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khiến cả dân tộc trở thành chiến sĩ. Chính chủ nghĩa yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của Hai Bà Trưng, Bà Triệu…đã là nguồn sức mạnh đưa những người phụ nữ đến với quân đội, phát huy vai trò của họ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của người phụ nữ và có thể khẳng định rằng: Phụ nữ là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu của các lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.

Trải qua 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2023), Quân đội ta thực sự là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng; là lực lượng chính trị; lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cùng với sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng vũ trang, lực lượng phụ nữ trong quân đội cũng phát triển lớn mạnh và góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Vai trò của lực lượng nữ quân đội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được phát huy mạnh mẽ

Để đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, nhân dân ta đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân (toàn dân, toàn diện lâu dài). Cuộc chiến tranh nhân dân này đã được phát triển lên đỉnh cao trên cả hai miền đất nước thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Trong cuộc đọ sức quyết liệt này, nhân dân ta đã nêu cao khẩu hiệu: “Triệu người như một, tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”… Trong số hàng triệu người gia nhập lực lượng vũ trang, có hàng vạn phụ nữ đã tình nguyện nhập ngũ, sẵn sàng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác trong quân đội. Ở miền Bắc, phụ nữ thay thế các vị trí trong cơ quan, đơn vị, nhà trường, nhà máy, xí nghiệp quốc phòng… để nam giới đi chiến đấu, chi viện cho tuyền tuyến lớn và bảo vệ miền Bắc khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Chiến tranh càng ác liệt số phụ nữ tham gia quân đội càng đông.

Ở miền Nam, từ sau phong trào Đồng Khởi – phụ nữ tham gia Quân giải phóng miền Nam ngày càng nhiều. Phụ nữ tham gia cả trong bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, không chỉ phục vụ chiến đấu mà còn trực tiếp chiến đấu. Từ chỗ chỉ có vài đội nữ vũ trang tập trung (năm 1964) đã lên đến hàng trăm đơn vị nữ vũ trang (năm 1968) thuộc các loại binh chủng: bộ binh, pháo binh, công binh, đặc công, biệt động. Phụ nữ quân giải phóng miền Nam là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Giai đoạn 1965 – 1968, hàng trăm đơn vị bộ đội địa phương nữ ra đời, phát triển. Các  đơn vị nữ bộ đội địa phương thường kết hợp nhiều nhiệm vụ: vũ trang tuyên truyền, đánh phục kích, pháo kích, vận tải, bao vây bức hàng, bức rút phá ấp chiến lược… Số các đơn vị nữ vũ trang tập trung ở quy mô tiểu đội, trung đội chủ yếu thuộc bộ đội địa phương tỉnh, huyện như đại đội nữ (C5) Bến Cát tỉnh Bình Dương, đại đội nữ pháo binh Cà Mau… Không chỉ các đơn vị nữ bộ binh, pháo binh tham gia chiến đấu, tất cả các chị em làm công tác hành chính đảm bảo hậu cần thông tin, quân y…đều tham gia chiến đấu chống càn, bảo vệ căn cứ khi cần thiết.

Nhiều nữ chiến sĩ vận tải, quân y đã chiến đấu rất dũng cảm để bảo vệ hàng hóa, vũ khí, thương binh trên đường vận chuyển hoặc trong các cuộc càn quét, lấn chiếm của địch. Các chiến sĩ biệt động trong các đô thị đã phát huy khả năng sáng tạo, thông minh, táo bạo trong nhiều trận đánh vào các cơ quan đầu não của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất về người và của, làm cho chúng hoang mang, lo sợ, không ổn định về tinh thần ngay cả ở những nơi bảo vệ nghiêm ngặt nhất… các bà, các chị đã làm tốt nhiệm vụ trinh sát, vận chuyển vũ khí, thuốc nổ và trực tiếp tiếp cận, tiêu diệt mục tiêu.

Chiến tranh càng ác liệt phụ nữ tham gia quân đội ngày càng đông, làm nhiều ngành nghề như quân y, quân nhu, thông tin… Hàng ngàn nữ thanh niên tham gia mở đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh. Chị em đã nổ mìn phá đá, phá bom, sửa đường, làm đường cho xe chở hàng ra tiền tuyến. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ – kẻ thù có tiềm lực không chỉ về kinh tế, quân sự mà còn cả khoa học kỹ thuật tinh vi, hiện đại, phụ nữ quân đội còn có mặt trong những đơn vị có yêu cầu kỹ thuật cao. Hàng trăm phụ nữ đã làm nhiệm vụ trinh sát kỹ thuật trong lực lượng tình báo, thu thập được nhiều tin tức có giá trị phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu.

Trong chiến đấu khi bị thương nhiều nữ chiến sĩ đã tìm cách khắc phục để tiếp tục đánh địch, giữ vững trận địa. Bà Đoàn Thị Bé ở đại đội nữ Bến Cát, bị thương gãy cả hai chân và cánh tay trái vẫn kẹp súng vào nách, tiếp tục chiến đấu, kiềm chế địch cho đồng đội rút lui trong trận đánh ấp chiến lược Lò Than ngày 18/8/1968. Nhiều nữ chiến sĩ bị địch bắt, giam cầm tra tấn đọa đầy kiên quyết không khai báo, khi ra tù lại tiếp tục hoạt động như nữ tình báo Đinh Thị Vân, Lê Thị Nhiễm, Hoàng Thị Nghị, nữ biệt động Đoàn Thị Ánh Tuyết, Trần Thị Mai…

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, nhiều phụ nữ quân đội trở thành anh hùng, dũng sĩ trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều nữ cán bộ quân sự địa phương lập công xuất sắc đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như bà Trần Thị Sanh – Huyện đội phó huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, bà Kan Lịch – Chính trị viên phó huyện đội vùng B Thừa Thiên Huế, bà Lê Thị Tám – Chính trị viên phó huyện đội Triệu Phong, Quảng Trị, bà Lê Thị Trung – Chính trị viên huyện đội Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, bà Đặng Thị Én – Phó chỉ huy quân sự huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang… Người phụ nữ có quân hàm cao nhất và chức vụ lãnh đạo lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước là bà Nguyễn Thị Định – Thiếu tướng, Phó tổng tư lệnh các lực lượng Giải phóng miền nam Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Vượt qua những thử thách, trở ngại nhiều phụ nữ quân đội đã chiến đấu dũng cảm, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để ghi nhận những cống hiến lớn lao ấy, Nhà nước đã tặng và truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hàng trăm nữ cán bộ chiến sĩ. Trong đó có nhiều phụ nữ có thành tích đặc biệt xuất sắc như bà Đinh Thị Vân, bà Hoàng Thị Nghị, bà Lê Thị Hồng Gấm… Các tập thể đạt được danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là: Đại đội 3 nữ vận tải thuộc Tiểu đoàn 19, Sư đoàn 2, Quân khu 5; Đại đội nữ bộ đội địa phương huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương…

Phụ nữ quân đội đã thể hiện và phát huy được sức mạnh của mình và đã có những đóng góp to lớn và xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Họ không chỉ hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc riêng tư mà còn hy sinh cả xương máu, tính mạng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hàng trăm ngàn người phụ nữ xung phong vào lực lượng quân đội thì có hàng ngàn người không trở về và hàng ngàn người mang thương tích của cuộc chiến tranh. Lịch sử sẽ mãi ghi nhận sự đóng góp và hy sinh to lớn đó của của phụ nữ trong lực lượng vũ trang nói chung và phụ nữ Quân đội nói riêng trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.

Một số cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 nữ vận tải, Sư đoàn 2, Quân khu 5.

Ảnh: Trần Ngọc (chụp năm 1970).

                    Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 12 năm 2023

                                     Huỳnh Thị Kim Loan

              Phòng Truyền thông- Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ (2006), Lịch sử phụ nữ Nam Bộ kháng chiến, NXB Chính trị Quốc gia
  2. Nguyễn Thị Ngọc Lâm (2001), Phụ nữ Quân đội trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NXB Quân đội Nhân dân Việt Nam

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *