VAI TRÒ CỦA ĐỘI QUÂN TÓC DÀI TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

Trong không khí cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động mừng xuân Quí Mão 2023, mừng Ngày thành lập Đảng (03/02/1930-03/02/2023) và kỷ niệm 63 năm ngày Bến Tre Đồng khởi (17/01/1960 – 17/01/2023), 103 năm ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định (15/3/1920 – 15/3/2023) – người phụ nữ  tham gia lãnh đạo phong trào đồng khởi tại Bến Tre, nhắc nhở chúng ta về “Vai trò của Đội quân tóc dài trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, với mong muốn truyền tải những bài học quí giá mà những chiến binh tay không- những người phụ nữ yêu nước, chỉ duy nhất với lòng yêu nước đã cho ra đời một binh chủng đặc biệt “Đội quân tóc dài” của cách mạng Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương được ký kết, Đảng nhận định lực lượng cách mạng ở miền Nam thay đổi không có lợi cho cách mạng miền Nam, vì bộ máy chính quyền Sài Gòn đang ráo riết thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, lập các khu trù mật, gây ra nhiều vụ thảm sát. Trong tương quan lực lượng đó, ta thay đổi phương thức đấu tranh, từ đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Pháp sang đấu tranh chính trị với sự ra đời của Nghị quyết 15 (01/1959)  vạch định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của Đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

          Nghị quyết 15 đưa ra một đường lối đúng với thực tế phong trào cách mạng miền Nam là kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, dùng lực lượng vũ trang để đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng, để khôi phục tổ chức quần chúng, để bảo vệ cơ sở Đảng, để yểm trợ cho đấu tranh chính trị của nhân dân. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam là một cuộc vận động cách mạng nhằm lật đổ chế độ chính quyền Sài gòn bằng bạo lực cách mạng là cách làm thích hợp nhất để giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước. Đó là cuộc đấu tranh kết hợp nhuần nhuyễn giữa bạo lực vũ trang và bạo lực chính trị. Nơi nào đã có sẵn lực lượng vũ trang thì lực lượng vũ trang nơi đó làm nhiệm vụ đi đầu, làm đòn bẫy để đưa phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao bằng các hình thức diệt đồn bốt, diệt tề, lực lượng ác ôn và chính quyền tay sai của Mỹ ở địa phương. Nơi nào chưa có lực lượng vũ trang hay có ít, thì dùng lực lượng chính trị của quần chúng chống địch làm nòng cốt, dùng thanh thế của lực lượng vũ trang ở nơi khác, dùng mưu mẹo để chiếm đồn, lấy súng, tự xây dựng lực lượng vũ trang, diệt ác, trừ gian để phá thế kìm kẹp của địch, bảo vệ phong trào.

          Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, cuộc nổi dậy ở Bến Tre mà lịch sử gọi là “Đồng khởi”, bắt đầu từ ngày 17 tháng 01 năm 1960. Phong trào “đồng khởi” năm 1960 là cao trào nổi dậy của nhân dân miền Nam chống ách thông trị, áp bức của đế quốc, phong kiến, giải phóng nông thôn, có sự tham gia của hàng triệu phụ nữ nông dân, với lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận của đông đảo quần chúng phụ nữ, có vũ trang hỗ trợ, chủ yếu là bạo lực của chính chị em phụ nữ bằng dao mác, gậy gộc, súng bằng cây và cả tác động hù dọa… Cuộc đồng khởi tại quận Mỏ Cày và 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (Bến Tre) đã đem lại cho quân và dân ta một số chiến thuật, chiến pháp rất đặc sắc có giá trị phổ biến và nhân rộng. Đó là chiến pháp “ba mũi giáp công”, đánh địch đồng thời, cùng lúc bằng binh vận, bằng chính trị, bao vây bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bốt, diệt ác trừ gian, tận dụng thời cơ quét sạch từng mảng ngụy quyền xã ấp, giải phóng từng vùng nông thôn trong thời gian rất ngắn.

          Khí thế tấn công của lực lượng phụ nữ, của hàng ngàn các bà mẹ già đầu tóc bạc phơ, của các chị em ẵm con nhỏ tay không tấc sắt, nhưng đầy tình cảm bảo vệ xóm làng, ruộng vườn, dựa vào thế hợp pháp, với lý lẽ sắc bén của chính nghĩa, đã thuyết phục binh lính ngụy, bắt buộc địch phải lùi bước. Lần đầu tiên, hàng ngàn phụ nữ tại 3 xã của quận Mỏ Cày tổ chức thành đội ngũ, có hệ thống chỉ đạo, có tiền quân, có hậu bị, có liên lạc, có tiếp tế tiến hành một cuộc đấu tranh trực diện với địch. Cuộc đấu tranh của phụ nữ Mỏ Cày thắng lợi đã khẳng định sức mạnh của một một đạo quân mới rất hùng hậu, rất lợi hại mà chính quyền Mỹ- ngụy phải gọi bằng một cái tên rất trân trọng và ý nghĩa “Đội quân tóc dài”. Đây cũng là đội quân đầu tiên mở đường cho sự hình thành đội quân chính trị khổng lồ ở khắp miền Nam trong những năm sau này: “Đội quân tóc dài”.

Từ thắng lợi này, Xứ ủy Nam Bộ phát động Đồng khởi trên toàn miền Nam. Từ Bến Tre, làn sóng đồng khởi nhanh chóng lan ra các tỉnh: Tây Ninh, Mỹ Tho, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Kiến Phong… Tổng kết phong trào Đồng khởi năm 1960, có 9 triệu lượt quần chúng nổi dậy, gần 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với lực lượng vũ trang góp phần làm tan rã trên 2 vạn binh lính và dân vệ, phá kìm kẹp 895 xã trên tổng số 1.193 xã ở miền Nam. Trong khí thế sôi nổi của phong trào Đồng khởi, ngày 20/12/1960 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập là ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ miền Nam và lãnh đạo các cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ đã vận dụng sáng tạo phương châm “hai chân, ba mũi” và thể hiện nó trong từng đợt đấu tranh, trong từng chiến dịch, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch.

Những cuộc đấu tranh chính trị dồn dập của phụ nữ đã ngăn chặn được sự đánh phá, bắt bớ của địch và thông qua đấu tranh chính trị đã duy trì được khí thế đấu tranh của quần chúng. Tại miền Nam, đấu tranh chính trị và quân sự đã kết hợp chặt chẽ ngay từ những năm 1961-1965, càng về sau càng phát triển mạnh mẽ từ cuối năm 1963, có đủ quy mô: to, vừa, nhỏ. Số người tham gia từ hàng chục người đến hàng vạn người, từ phạm vi xã, ấp phát triển thành những đợt dài ngày trên phạm vi một vài huyện, phá tan từng mảng “ấp chiến lược” của địch. Trong đấu tranh chính trị, phụ nữ nắm vững và vận dụng thích hợp khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, kết hợp với khẩu hiệu chính trị, thiết thực gắn với quyền lợi của quần chúng trong từng thời kỳ, đi từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao, từ tự phát đến tự giác, từ thương lượng đến bạo lực công khai giành thắng lợi lớn hơn về chiến lược. Phụ nữ kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với binh vận tạo nên thế mạnh để giành những thắng lợi. Chỉ tính riêng tại Tây Nam Bộ, năm 1964 có gần 400.000 phụ nữ công tác binh vận, năm 1965 công tác binh vận được đẩy mạnh xuất hiện phong trào “mẹ lấy đồn con, vợ lấy đồn chồng”.

Với tất cả lòng nhiệt huyết yêu nước, những người mẹ, người chị vừa tham gia hoạt động cách mạng, vừa động viên, cho con mình tham gia chiến đấu; nhiều cô gái trẻ đã dành trọn những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời mình, sớm có mặt trong hàng ngũ những người chiến sĩ cách mạng. Họ không ngại khó khăn, gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ là biểu tượng điển hình về lòng kiên trung bất khuất, về hào khí phụ nữ Việt Nam, đã làm nên một “Đội quân tóc dài” huyền thoại của phụ nữ Nam Bộ

Trong kế hoạch chiến tranh xâm lược Việt Nam, cả Pháp và Mỹ đều không ngờ đến sức mạnh của một đội quân đặc biệt. Đó chính là đội quân tóc dài, đội quân được phôi thai từ những cuộc đấu tranh chống thuế đầu tiên do Đảng phát động từ những năm 1930 – 1931. Trong một chuyến đi thăm vùng giải phóng miền Nam, nữ ký giả Pháp Madeleine Riffoud, đã viết: “Quả là ở miền Nam Việt Nam đang tồn tại một đội quân kỳ lạ không súng ống, có mặt ở khắp mọi nơi, thành thị cũng như thôn quê, một đội quân mà các bản tin của các hãng thông tấn hầu như không bao giờ nói đến, song lại đóng một vai trò to lớn trong cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam chống xâm lược, ngay cả trước khi những người du kích đầu tiên cầm lấy vũ khí. Đó chính là “đội quân tóc dài” tập hợp hàng triệu nữ chiến sĩ”.

Phụ nữ Việt Nam luôn gìn giữ và phát huy sức mạnh bất diệt của dân tộc ta, đó là truyền thống đoàn kết đấu tranh, anh hùng bất khuất. Truyền thống đó, khẳng định một chân lý: một dân tộc dù nhỏ bé nếu bị đè nén, áp bức cũng có ngày vùng dậy khởi nghĩa. Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, thời kỳ dân tộc Việt Nam đấu tranh chống thực dân và các thế lực xâm lược đều có phụ nữ yêu nước tham gia. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03 tháng 02 năm 1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là điều kiện quyết định để cách mạng thành công và đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn. Phụ nữ miền Nam đã góp phần không nhỏ viết nên, viết tiếp những trang sách truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Chương trình giao lưu kỷ niệm 60 năm Bến Tre Đồng Khởi

do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ xây dựng kịch bản

Những thiếu nữ Đội quân tóc dài năm xưa

dự họp mặt kỷ niệm 60 năm Bấn Tre Đồng Khởi

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01 năm 2023

Nguyễn Thị Thắm