Đấu tranh vũ trang của phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến

Không phải ngẫu nhiên mà dân tộc ta có truyền thống quý báu là “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Lịch sử mấy ngàn năm của một đất nước luôn bị ngoại bang xâm lược được ghi nhận truyền thống của những người phụ nữ Việt Nam cầm quân chống giặc như Bà Trưng, Bà Triệu lẫy lừng, như Bùi Thị Xuân dũng cảm. Tiếp nối truyền thống đó, trước cảnh giặc ngoại xâm giày xéo quê hương, những người mẹ, người chị, người vợ Việt Nam – những con người hết sức nhân hậu, dịu dàng đứng lên cầm súng để bảo vệ nhà cửa, ruộng vườn, bảo vệ quê hương đất nước.

Trong sự nghiệp chống Pháp và chống Mỹ để giải phóng dân tộc, đấu tranh vũ trang là một mặt trận vô cùng quyết liệt chống kẻ thù cướp nước và bè lũ bán nước. Phụ nữ miền Nam đã cùng với chị em phụ nữ cả nước đấu tranh nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lập nhiều thành tích vẻ vang. Nhiều chị em được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang, nhiều chị đã dũng cảm hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ. Miền Nam tự hào có một vị phó Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng là nữ, đó là AHLVTND – thiếu tướng Nguyễn Thị Định (1920-1992).

Sưu tập “Đấu tranh vũ trang của phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến” với 366 hiện vật không chỉ nhằm giới thiệu những gương mặt nữ anh hùng lực lượng vũ trang tiêu biểu của miền Nam mà còn giới thiệu một cách khái quát những đóng góp của phụ nữ miền Nam trên các lĩnh vực như: biệt động, pháo binh, dân quân du kích, an ninh trừ gian diệt ác, giao liên, hậu cần phục vụ chiến đấu, thanh niên xung phong…