TỪ HÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ – NGHĨ VỀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG GIA ĐÌNH

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở miền Trung nên ngay từ bé tôi đã thấy được những cơ cực, vất vả của mẹ, của những người phụ nữ nông thôn. Người phụ nữ phải đảm đương công việc đồng áng, chăm sóc con cái, lo chuyện bếp núc của cả gia đình. Hầu như ít có gia đình nào ở quê tôi mà người đàn ông vào bếp nấu cơm cho vợ con. Ở nông thôn ngày ấy không có quà bánh vào buổi sáng nên mỗi gia đình phải nấu cơm ăn sáng rồi lại tất bật cho công việc đồng áng. Ngoài việc làm ruộng, muốn có tiền để nuôi con cái đến trường học cái chữ, nếu không đi làm thuê thì cũng phải trồng thêm hoa màu để tăng thu nhập.

Ba mất khi anh em tôi còn nhỏ tuổi, mẹ vừa làm mẹ vừa làm cha. Nói sao cho hết những vất vả mà mẹ đã trải qua để cho anh em tôi được đến trường học cái chữ, rồi lại vào Sài Gòn để học đại học. Mẹ phải làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi, và nhờ vào sự trợ giúp của người anh cả mà chúng tôi đã được bước vào ngưỡng cửa đại học như bao bạn bè cùng trang lứa. Khi tôi bước vào những năm học phổ thông (1996-1998) nơi tôi ở vẫn chưa có điện lưới quốc gia để thắp sáng, cũng vì thế mà việc cơ giới hóa nông thôn chưa hề xuất hiện, tất cả chỉ từ sức lực của con người. Các phương tiện giải trí như ti vi trắng đen cũng là một thứ rất xa xỉ mà cả xóm chỉ có vài nhà. Ngoài những giờ lao động vất vả, mẹ tôi cũng như nhiều người phụ nữ khác không có phương tiện giải trí nào khác.

Chỉ đến khi lập gia đình, sinh con rồi tôi mới hiểu hết những vất vả mà người phụ nữ phải nhận lấy như là “thiên chức” trời ban. Từ đó mới thấy thương cho mẹ, thương cho những người phụ nữ, nhất là những người phụ nữ ở nông thôn quanh năm đầu tắt mặt tối bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Những ngày giỗ, chạp hay tết là dịp để trẻ con, thanh niên và những người đàn ông trong gia đình được nghỉ ngơi nhưng với người phụ nữ thì khác. Tôi thấy ngày ấy, nếu có giỗ, chạp thì mẹ phải chuẩn bị từ vài ngày trước, ngày tết thì thường phải nuôi con heo từ đầu năm để cuối năm xẻ thịt ăn tết. Bây giờ chỉ có việc đi chợ, cái gì ngoài chợ cũng đã sơ chế sẵn nhưng để có mâm cơm cúng ngày tết mà chúng tôi đã thấy vất vả.

Có thể nói, dù xưa hay nay, dù ở nông thôn hay thành thị thì phụ nữ luôn là người thực hiện nhiều vai trò trong gia đình. Họ không chỉ có vai trò tái sản xuất sức lao động mà họ ngày càng có vai trò quan trọng trong việc đóng góp thu nhập cho gia đình, và một trong số họ trở thành trụ cột kinh tế gia đình, nắm giữ túi tiền đồng thời ra quyết định cho các khoản chi tiêu. Đối với phụ nữ nông thôn như ở quê tôi, khi con cái bước vào ngưỡng cửa đại học thì phụ nữ cũng phải đi lao động xa quê để lo tiền cho con cái học hành. Với đức tính chịu thương chịu khó lại tằn tiện trong chi tiêu nên họ dễ tìm kiếm việc làm và có tích lũy nhiều hơn những người đàn ông. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ với đôi quang gánh oằn vai, những đôi dép mòn vẹt, những đôi vai gầy guộc, dù nắng hay mưa, bước chân vẫn bền bỉ rong ruổi khắp phố phường. Những đồng tiền mà họ có được, chắt chiu được từ những gánh hàng rong là những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và cả nước mắt. Với những người phụ nữ ở quê tôi, những gánh đậu hủ, gánh chè, ve chai, hay thúng đậu phụng, bánh tráng… là gánh theo cả ước mơ học con chữ, cái nghề của những đứa con. Còn ở thành thị, những người phụ nữ như chúng ta cũng ngày 8 giờ ở công sở để có thu nhập cùng chồng trang trải chi phí cho cuộc sống ngày một đắt đỏ nhưng sau giờ làm lại tất bật với chuyện nhà, bếp núc, chăm sóc, dạy dỗ con cái…. Dịch vụ ăn uống ngày càng nhiều nhưng những người phụ nữ vẫn luôn mong muốn duy trì bữa cơm gia đình để các thành viên trong gia đình có điều kiện để chia sẻ tâm tư tình cảm, từ đó dễ dàng cảm thông và thấu hiểu nhau hơn. Để có được điều này, người phụ nữ phải luôn biết sắp xếp, cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc để có thể duy trì được không gian sinh hoạt chung của gia đình. Bởi lẽ, không gian ấy sẽ là môi trường đầu tiên giáo dục nhân cách con người, nhất là con trẻ, là nơi bình yên để trở về sau những bộn bề lo toan của cuộc sống.

Trong văn hóa gia đình Việt Nam, mái ấm gia đình vẫn là một biểu tượng cao đẹp mà mỗi người, mỗi gia đình luôn trân trọng, thắp lửa yêu thương và gìn giữ để có một nơi chốn bình yên để đi về. Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của người phụ nữ trong mỗi gia đình, người giữ lửa trong mỗi nếp nhà nhưng cũng không vì thế mà tất cả đều đổ dồn trên đôi vai nhỏ bé ấy. Chức năng cao cả của người phụ nữ trong xã hội hiện đại cũng cần phải được hiểu và thực hành một cách linh hoạt với sự cộng đồng trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình; mặc dù người vợ, người mẹ vẫn có vai trò trách nhiệm trong việc điều hòa các mối quan hệ trong gia đình. Cuộc sống tiện nghi đã tạo điều kiện cho việc tái tạo sức lao động cho mỗi thành viên trong gia đình, người phụ nữ cũng có nhiều điều kiện để chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn, mọi thành viên trong gia đình đều có thể tham gia vào việc nhà với sự hỗ trợ của những trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, vẫn có những người chồng, người đàn ông luôn cho mình cái quyền được nhận sự chăm sóc từ người vợ, người mẹ; coi như đó là trách nhiệm của phụ nữ. Mặc dù hiện nay, phụ nữ không chỉ ở nhà lo việc nội trợ mà họ đã bước ra ngoài cuộc sống, cùng lao động kiếm tiền để lo kinh tế cho gia đình. Hoàn thành công việc ở cơ quan lại tất tả với công việc nội trợ, chăm sóc con cái, đó là hình ảnh quen thuộc mà chúng ta vẫn nhìn thấy hàng ngày. Họ không có được những phút giây la cà quán xá như những người đàn ông bởi lẽ trong suy nghĩ của mỗi người, họ luôn tự nhận về mình trách nhiệm chăm sóc gia đình.

Người phụ nữ luôn ý thức được rằng, dù xã hội có phát triển như thế nào đi chăng nữa thì vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình vẫn không thay đổi. Bởi lẽ phụ nữ sinh ra và được Trời ban cho quá nhiều những điều gọi là thiên chức, nào là làm vợ, làm mẹ mà đã là thiên chức thì chẳng thể nào thay đổi. Vấn đề còn lại ở chỗ chính là sự chia sẻ, cảm thông, ý thức tự giác của người chồng, những người đàn ông trong gia đình. Có thể là bằng việc làm cụ thể như chia sẻ việc nhà, việc chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ… trong điều kiện có thể. Đó là sự quan tâm, chăm lo đến tâm tư tình cảm, nguyện vọng của những người phụ nữ, dành thời gian cho họ được thư giãn, tham gia các hoạt động xã hội, học tập nâng cao trình độ…Bên cạnh đó, phụ nữ cũng cần phải biết cách chia sẻ công việc gia đình với người đàn ông, không quá ôm đồm, cầu toàn để nhận việc về mình, tiến tới xóa bỏ dần quan niệm phái mạnh, phái yếu, về những điều mà xưa nay chúng ta vẫn coi đó là thiên chức, bổn phận của phụ nữ.

Cuộc sống với bao nỗi lo toan thường nhật đã khiến chúng ta – những người phụ nữ ít có dịp nhìn lại mình. Ở đâu đó, trong hoàn cảnh này hay khác, tôi cũng như nhiều người phụ nữ khác có thể chưa hoàn thành xuất sắc vai trò của mình nhưng đó là cả sự nỗ lực, hy sinh, sống hết mình vì gia đình. Để cho người phụ nữ có thể đảm đương tốt vai trò của mình, phát huy được hết khả năng bản thân để phát triển thì sự nỗ lực của bản thân mỗi phụ nữ là rất quan trọng nhưng họ vẫn cần lắm sự sẻ chia từ phía những người đàn ông trong gia đình. Chỉ khi nào, mỗi người phụ nữ luôn nhận được sự động viên, sẻ chia, khích lệ từ phía những người thân trong gia đình thì họ mới có thể đảm đương tốt công việc ngoài xã hội, duy trì được mối quan hệ gia đình bền chặt, xây dựng được tổ ấm hạnh phúc.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 12 năm 2017

Phạm Thị Diệu