TỰ HÀO VỀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM

Ngày 20/10/1930 Hội phụ nữ được thành lập, và có nhiều tên gọi khác nhau sao cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử song hội vẫn là tổ chức trung kiên của phụ nữ Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Bác đã từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu trong sự trường tồn của dân tộc ta. Ngay từ khi mới thành lập Đảng ta đã chỉ rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Ngày 20/10/1930 Hội phụ nữ được thành lập, và có nhiều tên gọi khác nhau sao cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử song hội vẫn là tổ chức trung kiên của phụ nữ Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Bác đã từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong bản Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người đã viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.

Phụ nữ đã trở thành một phần không thể thiếu đóng góp vào sự thành công của cách mạng Việt Nam, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong công cuộc xây dựng đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp vô cùng to lớn thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Họ là những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta. Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Đó là Bà Trưng, Bà Triệu; Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bà Nguyễn Thị Định, Chị Út Tịch,….

Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, những nữ chiến sĩ bất khuất trong tù, những mẹ già đào hầm bảo vệ cán bộ, cất giấu thương binh, những đội nữ dân quân bắn rơi máy bay phản lực, bắn cháy tàu chiến của địch, những nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường. Đó chính là chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm… Và còn có biết bao người mẹ Việt Nam Anh hùng thầm lặng; dung dị, mộc mạc tảo tần; đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, động viên chồng con đi chiến đấu, đảm đang việc nước, việc nhà, vững vàng gan dạ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, họ đã cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; mòn mỏi chờ đợi người thân trở về…

Trong bối cảnh xã hội ngày nay có nhiều cơ hội tốt đẹp, không ít phụ nữ Việt Nam đã phấn đấu vươn lên, vượt khó, trau dồi, rèn luyện cho mình những hành trang mới sánh bước cùng cộng đồng khu vực và thế giới. Phụ nữ chúng ta đang ngày càng chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, năng động, mạnh dạn trong kinh tế thị trường. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Phụ nữ Việt Nam là những người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, giàu bản lĩnh.

Trong phong trào lao động sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo có nhiều chị đã thể hiện năng lực quản lý, bản lĩnh vượt khó trở thành người quản lý giỏi, chủ doanh nghiệp thành đạt, được Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý, được xã hội tôn vinh là những Bông hồng vàng…Đất nước ta có những là những nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao giỏi, chuyên gia kinh tế xuất sắc, họ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, điển hình như bà Nguyễn Thị Bình, bà Trương Mỹ Hoa, bà Phạm Chi Lan, Bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Tòng Thị Phóng …Ở bất cứ cương vị nào, phụ nữ cũng phát huy được vai trò, sức mạnh, sự khéo léo vốn có của mình.

Ngày nay, thời đại của khoa học công nghệ – Phụ nữ Việt Nam tiếp tục vươn lên để khẳng định mình. Họ không ngừng trau dồi kiến thức, khả năng giao tiếp, các kỹ năng mềm, chăm chỉ nghiên cứu khoa học, năng động sáng tạo…, phụ nữ Việt Nam lại vươn lên để khẳng định bản thân mình với xã hội. Họ vẫn năng động, sáng tạo trong công việc không thua kém gì so với đấng mày râu, vẫn được tôn vinh trong xã hội nhưng không bao giờ quên đi vai trò của mình là một người con, người mẹ, người vợ trong cuộc sống gia đình. Họ vẫn luôn là hậu phương vững chắc, là người xây tổ ấm trong mỗi gia đình. “Đằng sau thành công của một người đàn luôn có bóng dáng của một người phụ nữ” – câu nói đó vẫn luôn đúng ở bất cứ thời đại nào.

Ngày nay, phụ nữ đã khẳng định được vai trò của mình trong xã hội tham gia các phong trào thi đua: phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, phụ nữ tích cực học tập lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc,… Nhiều chị em đã trở thành những gương mặt tiêu biểu về lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo và thầy thuốc giỏi …, xứng đáng là phụ nữ Việt Nam “Năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ đổi mới. Đất nước sẽ mãi mãi tự hào về người phụ nữ Việt Nam: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”ở phương diện nào người phụ nữ cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, tạc vào lịch sử dân tộc một hình tượng cao quý và ngời sáng.

Đến ngày hôm nay không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực.Vậy nên, họ xứng đáng được tự hào, tôn vinh và ngợi ca. Ngày 20.10 hàng năm là một trong những dịp quan trọng để xã hội thể hiện sự ghi nhận công lao của người phụ nữ, để những đứa cháu đi xa nhớ về bà, những người con biết yêu thương vết chân chim trên mắt mẹ, những người chồng thêm yêu và trân trọng vợ hiền, những học trò nhớ về những “cô giáo như mẹ hiền” của mình. Chúng ta cũng chắc chắn được khẳng định rằng: Vai trò cũng như vị thế của người phụ nữ trong xã hội sẽ ngày càng được nâng cao và có đóng góp ngày một lớn cho sự phát triển chung trong mọi lĩnh vực.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 10 năm 2020

Nguyễn Thị Hết

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế