TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ THỜI 4.0

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bảo tàng là công cụ đắc lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích và sự phát triển của các dân tộc, quốc gia trên thế giới. Bảo tàng là nơi hội tụ tri thức của nhiều ngành khoa học và chuyên môn khác nhau, tổ chức và hoạt động của bảo tàng hiện đại không ngừng phát triển và biến đổi. Do vậy, nếu chỉ dựa vào những kiến thức, kinh nghiệm có sẵn và hình thức hoạt động truyền thống thì không thể thích ứng với nhu cầu phát triển xã hội trong thời đại ngày nay.

Xuất phát từ thực tế phát triển của công nghệ số hiện nay, Smart Museum đóng vai trò như một hướng dẫn viên điện tử với các ngôn ngữ khác nhau, đem lại trải nghiệm thú vị cho du khách trong suốt quá trình tham quan tại bảo tàng. Khách tham quan có thể xem, nghe, tương tác để khám phá lịch sử các câu chuyện kể hiện vật, hình ảnh được đặt trong bối cảnh cụ thể, gợi mở tiếp cận đa dạng các góc nhìn lịch sử. Ở khu vực trưng bày tầng 2 của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ với chủ đề: “Phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” sẽ được trang bị hệ thống kết nối wifi phủ sóng toàn bộ tầng, phòng trưng bày mới phù hợp với ứng dụng tương tác công nghệ, tạo sự kết nối giữa truyền thông hiện đại và kết nối thông tin. Tra cứu hiện vật bằng cách quét mã QR với ứng dụng web, thực hiện các bảng cảm ứng, màn hình hiển thị thông tin thay cho tủ trưng bày truyền thống cũng như trình diễn hiện vật theo phương pháp hiện đại bằng công nghệ 3D và thực tế ảo có thể hỗ trợ khách tham quan tương tác và trải nghiệm mô hình bảo tàng ba chiều (3D) thông qua thiết bị trình diễn hologram kết hợp ứng dụng phần mềm bảo tàng tương tác thông minh 360o trong trưng bày bảo tàng số, hỗ trợ công nghệ thực tế ảo (VR)…

Smart Museum tạo điều kiện cho khách tham quan sử dụng tối đa chức năng trải nghiệm các nội dung như: giới thiệu tổng quan về bảo tàng, hướng dẫn tham quan thông minh; tự động định vị chính xác vị trí của người tham quan và giới thiệu thông tin các hiện vật gần vị trí người tham quan; hướng dẫn đường đi đến bảo tàng; hiển thị sơ đồ các tầng nhà bảo tàng; tra cứu thông tin hiện vật; ghi nhận ý kiến đánh giá, góp ý, cảm nhận của khách tham quan; quản lý thông tin khách tham quan…

Điểm mạnh của bảo tàng ảo là đem các hình ảnh, không gian trưng bày một cách chân thực nhất đến với khách tham quan. Với những thông tin tư liệu, video phong phú, bảo tàng ảo còn cung cấp cho công chúng thông tin thực tế nhiều hơn trưng bày thực. Áp dụng công nghệ điện tử tương tác 3D của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là bước đi mới, lần đầu tiên được triển khai trên quy mô tổng thể, phạm vi ứng dụng rộng. Những kết quả đạt được là cơ sở quan trọng để hướng tới mở rộng xây dựng chương trình tư liệu 3D cho bảo tàng nhằm quảng bá di sản văn hóa của phụ nữ cũng như giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tại tầng 2, khách tham quan sẽ được tham quan 4 chuyên đề: Đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ miền Nam, đấu tranh võ trang của phụ nữ miền Nam, Phụ nữ miền Nam trong công tác ngoại giao và đấu tranh của nữ tù chính trị tại các nhà tù thực dân, đế quốc ở miền Nam.

Chuyên đề: “Đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ miền Nam” trong hai cuộc kháng chiến đã thể hiện khả năng đóng góp của lực lượng phụ nữ vô cùng tuyệt vời với nhiều sáng tạo và ứng biến mưu trí khi đương đầu với kẻ thù. Đây là mặt trận tranh đấu chỉ có lý lẽ pháp lý và tiếng nói chính nghĩa xuất phát từ tình yêu quê hương của những người phụ nữ bình dị nhưng vô cùng quả cảm, bất chấp sự đàn áp dã man của lưỡi lê, súng đạn và sự bắt bớ tù đày của quân đội đối phương. Hình ảnh trở thành huyền thoại khi nói đến phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam chính là “Đội quân tóc dài” được bạn bè thế giới khen ngợi về sự can đảm và sức sáng tạo, biến hóa linh hoạt, thích nghi trong mọi hoàn cảnh chiến đấu.

Cùng với phong trào đấu tranh chính trị, lực lượng phụ nữ đảm nhiệm công tác binh, địch vận đã có những đóng góp rất quan trọng, trở thành 1 trong 3 mũi giáp công lợi hại đánh vào lòng địch, đạt hiệu quả cao. Nhiều cơ sở, cán bộ, quần chúng làm binh vận đã dũng cảm vượt quan gian khổ, ác liệt, tích cực hoạt động và hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp cách mạng như các bạn đã thấy những hình ảnh ấy hiện diện thông qua các cuộc đấu tranh chính trị và được lồng vào trong các cuộc biểu tình, mít tinh khắp các tỉnh thành miền Nam.

Điều đó cho thấy, đấu tranh chính trị và binh vận của phụ nữ miền Nam sinh động với những đặc điểm riêng, không lùi bước trước những khó khăn, không đầu hàng trước sức mạnh của địch. Huyền thoại “Đội quân tóc dài” trong hai cuộc kháng chiến ở miền Nam đã làm sáng ngời phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam về truyền thống yêu nước.

Chuyên đề: “Đấu tranh võ trang của phụ nữ miền Nam” không chỉ nhằm giới thiệu những nữ anh hùng lực lượng võ trang tiêu biểu của miền Nam mà còn giới thiệu một cách khái quát, toàn diện những đóng góp của phụ nữ miền Nam trên các lĩnh vực của mặt trận đấu tranh võ trang.

Trên mặt trận võ trang, công tác giao liên là công tác nguy hiểm. Dù phải đối mặt với hàng trăm mối nguy hiểm, cực hình tàn khốc của quân thù nhưng người phụ nữ Việt Nam vẫn hiên ngang, quả cảm để giành độc lập cho tổ quốc. những nữ chiến sĩ giao liên tổ chức đưa đón cơ sở và cán bộ hoạt động bí mật, thu nhận tài liệu và cả vận chuyển lương thực, vũ khí không chỉ là mạch máu, trái tim mà còn gánh vác sứ mệnh lịch sử cao cả, đảm nhiệm công tác trong vòng vây kẻ thù, vượt qua gian khổ bằng sự mưu trí, thông minh và lòng dũng cảm để phục vụ cuộc kháng chiến.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phụ nữ miền Nam đã biết kết hợp tài tình, nhuần nhuyễn đấu tranh chính trị, kết hợp vũ trang và công tác binh vận theo tinh thần của Nghị quyết 15 năm 1959, khéo léo vận dụng những chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sử dụng linh hoạt chiến lược, chiến thuật của chiến tranh nhân dân, tấn công địch bằng hai chân, ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng lập nhiều thành tích vẻ vang,ghi sâu vào tâm tưởng của những người dân Việt Nam một ấn tượng sâu sắcvề người phụ nữ rất hiền lành bình dị, nhưng mưu trí, táo bạo dũng cảm trước kẻ thù, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh mất mát để giữ vững chính quyền cách mạng, chiến thắng kẻ thù xâm lược xứng đáng với vời khen ngợi của Bác Hồ “Sống anh dũng, chết vẻ vang”.

Chuyên đề: “Phụ nữ miền Nam trong công tác ngoại giao” sẽ giới thiệu đến khách tham quan một lĩnh vực khác với hơn 83 hình ảnh, 40 hiện vật nhằm nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của người phụ nữ trong công tác ngoại giao. Theo đường lối của Đảng, nhiệm vụ chính là tăng cường bảo vệ, ủng hộ phong trào độc lập dân tộc nói riêng và phong trào hòa bình dân chủ thế giới nói chung. Bên cạnh đó, Đảng còn chủ trương tranh thủ đặt quan hệ ngoại giao với các nước để cùng nhau bảo vệ hòa bình, giải quyết vấn đề thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình.

Phụ nữ miền Nam đã phát huy tinh thần cao độ ngọn cờ chính nghĩa của dân tộc, kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới. Khi Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế ra đời, tranh thủ thời cơ, tháng 10/1946, tổ chức của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã gia nhập là một thành viên của Liên đoàn. Cũng chính từ đó, hoạt động phong trào phụ nữ Việt Nam có nhiều điều kiện hơn, góp phần đem tiếng nói chính nghĩa của mình ra thế giới, thúc đẩy tích cực vào công cuộc đấu tranh cho hòa bình nước nhà.

Từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Nam nói riêng đã khẳng định khả năng ngoại giao sắc sảo của mình trên đấu trường quốc tế. Các chị đã tích cực tiến hành những hoạt động ngoại giao khẩn trương, sôi động trong điều kiện cực kỳ phức tạp, hiểm nghèo, vận dụng sách lược khôn khéo, phân hóa địch, hòa hoãn để tranh thủ thời gian từng ngày chuẩn bị đề phòng tình huống không hòa được buộc lòng phải chiến đấu thì có phương án tác chiến hợp lý, không bị bất ngờ…

Cùng với uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng, của Chính Phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vai trò của phụ nữ miền nam ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế. Không những thế, Chị em còn tranh thủ mời nhiều nhà báo, nhà văn nữ tiến bộ vào thăm vùng giải phóng miền Nam, để có dịp tiếp xúc, hiểu rõ tình hình cách mạng ta.

Chiến thắng vang dội trên chiến trường, thông qua công tác ngoai giao thực hiện đàm phán, kết thúc chiến tranh, ghi nhận bằng văn kiện pháp lý được quốc tế thừa nhận; góp phần đưa đến thắng lợi trọn vẹn mùa xuân 1975. Điều đó khẳng định một phương châm đã trở thành chân lý, trở thành quy luật là để đánh thắng lợi hoàn toàn.

Chuyên đề: “Đấu tranh của nữ tù chính trị tại các nhà tù thực dân, đế quốc ở miền Nam” sẽ làm nổi bật việc đấu tranh trong ngục tù là loại hình đấu tranh độc đáo và có một vị trí quan trọng đặc biệt, cuộc đấu tranh đó không phải của một người nào mà của cả một tập thể đông đảo đã đứng trước thử thách khốc liệt nhất của mọi thử thách. Chính ở nơi đây đã diễn ra cuộc đọ sức mà lợi thế nghiêng hẳn về những người có đầy đủ quyền lực, thủ đoạn tinh vi và sẵn sàng dùng bạo lực để tra tấn những người phụ nữ cách mạng đang bị giam trong bốn bức tường kín, trong tay không có một thứ vũ khí tự vệ để buộc họ phải khuất phục.

Dưới thời thực dân – đế quốc, chế độ chính trị và tình trạng xã hội đã sản sinh ra nhà tù với chế độ lao tù hiện hành, biểu hiện phần nào bộ mặt thật xã hội, ngược lại nhà tù cũng tác động vào chế độ chính trị, xã hội với hệ thống 6 nhà tù cấp Trung ương; 44 nhà tù cấp tỉnh, 176 nhà tù cấp huyện và nhiều trại tạm giam, trung tâm cải huấn ở khắp các tỉnh tại miền Nam Việt Nam.

Trong các nhà tù Mỹ – Ngụy, các nữ chiến sĩ cách mạng phải chịu nhiều chế độ lao tù hà khắc với nhiều chiêu thức khác nhau. Để quản lý và phân lọai tù nhân, nhà tù Mỹ – Ngụy cho lập danh sách và hồ sơ tù, dưới sự cai quản chặt chẽ của các cai ngục được chọn lọc, đào tạo nghiệp vụ quản lý tù nhân về kinh nghiệm điều tra, xét hỏi, đàn áp các cuộc đấu tranh, khai thác đánh phá tổ chức cách mạng trong các nhà tù.

Phần đông nữ tù đều bị kết án từ 5 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Những chị em phụ nữ tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng vì lòng yêu nước thiết tha, vì ước mơ cho dân tộc VN được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc, họ đã tham gia kháng chiến và sẵn sàng hy sinh, chịu đựng những trận đòn tra tấn vô cùng dã man, những thử thách khốc liệt phải đổi bằng máu và nước mắt để bảo vệ khí tiết cách mạng.

Chúng ta tự hào vì dân tộc Việt Nam có một quá khứ hào hùng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những thành tích trong đấu tranh chính trị-binh vận, võ trang, ngoại giao và đấu tranh trong lao tù của phụ nữ miền Nam đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam.

Với việc ứng dụng công nghệ trong trừng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, hy vọng sẽ mang đến cho công chúng những cảm xúc mới về truyền thống yêu nước mà các thế hệ phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ miền Nam nói riêng đã kế thừa và phát huy truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh những thành quả mà phụ nữ miền Nam đã viết tên mình đầy tự hào với tám chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 8 năm 2020

Hồ Ngọc Phương

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế