TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “KỶ VẬT THÊU CỦA NỮ CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG”

Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2018) và Quốc tế Bảo tàng 18/05, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức khai mạc trưng bày “Kỷ vật thêu của nữ chiến sĩ cách mạng”, dịp này quí khách tham dự chương trình sẽ gặp gỡ, giao lưu với những nữ cựu nữ tù chính trị để được nghe về cuộc đời, hồi ức của những người phụ nữ mà chiến công và sự hy sinh đóng góp thầm lặng của họ đã góp phần viết nên những trang sử kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2018) và Quốc tế Bảo tàng 18/05, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức khai mạc trưng bày “Kỷ vật thêu của nữ chiến sĩ cách mạng”, dịp này quí khách tham dự chương trình sẽ gặp gỡ, giao lưu với những nữ cựu nữ tù chính trị để được nghe về cuộc đời, hồi ức của những người phụ nữ mà chiến công và sự hy sinh đóng góp thầm lặng của họ đã góp phần viết nên những trang sử kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Trong sự nghiệp kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ miền Nam đã phát huy tinh thần yêu nước, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc. Dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, phụ nữ miền Nam cũng tỏ rõ khí tiết của những người con đất thành đồng, ngay cả khi các mẹ, các chị sa vào tay giặc, bị cực hình tra tấn dã man, các mẹ, các chị vẫn giữ vững khí tiết sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng, một tinh thần lạc quan, không khuất phục, biến nhà tù thành trường học cách mạng góp phần đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Những đóng góp to lớn đó đã viết nên tám chữ vàng: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Nam nói riêng.

Những chiếc áo gối, khăn tay và thậm chí áo sơ sinh của các bé, những “Kỷ vật thêu của nữ chiến sĩ Cách mạng” đã thể hiện được ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, tinh thần lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của các nữ chiến sĩ cách mạng. Gặp gỡ, giao lưu với những người phụ nữ trong cuộc, sẽ giúp chúng ta gặp lại những hình ảnh hiên ngang – bất khuất của những người mẹ, người chị tuổi đời còn khá trẻ lúc bấy giờ; nhưng với một tinh thần sắt, lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, với nhân dân đã không khuất phục dùi cui, cám dỗ trong các nhà tù đế quốc. Đối với những người tù chính trị, việc học chính trị, học văn hóa, học ca hát, học thêu thùa… là động lực, là niềm vui, là vũ khí để chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng trước kẻ thù dù không một tấc sắt trong tay. Thông qua những kỷ vật thêu và lời kể của những cựu nữ tù chính trị trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ năm xưa như bà Lê Tú Cẩm- nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh; bà Trần Thị Trúc Chi- nguyên Giám đốc Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh; bà Phan Thị Bé Tư- nguyên Trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành… sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn việc “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”; những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện một tác phẩm thêu thêu trong tù, cách thể hiện tình cảm đối với Bác Hồ qua những kỷ vật thêu… Tất cả những tình cảm ấy được các mẹ, các chị gởi gấm qua từng đường kim, mủi chỉ, những dòng tâm sự được thể hiện qua các kỷ vật quý giá được làm ra từ trong những năm tháng của khói lửa chiến tranh.

Những sợi chỉ vô tri đủ màu sắc, qua bàn tay khéo léo của những nữ chiến sĩ cách mạng, chúng “kết nối” lại với nhau định hình thành những bức tranh thêu gần gũi với cuộc sống đời thường, với những ước mơ về cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động, qua đó giúp người xem hình dung được về cuộc đời, hồi ức của những người mà chiến công và sự hy sinh đóng góp của họ đã hòa vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Kính mời quí quan khách đến tham dự chương trình khai mạc trưng bày chuyên đề “Kỷ vật thêu của nữ chiến sĩ Cách mạng” được tổ chức vào lúc 8 giờ ngày 23 tháng 5 năm 2018 (sáng thứ tư) tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (số 200 – 202, Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Hân hạnh được đón tiếp.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 5 năm 2018

Phạm Tuấn Trường