TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ: “CUỘC SỐNG NỘI CUNG TRIỀU NGUYỄN”

Hướng tới kỷ niệm “Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam” 23/11/2015, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp cùng Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “CUỘC SỐNG NỘI CUNG TRIỀU NGUYỄN” vào lúc 14 giờ 30 ngày 19/11/2015 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (số 202 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

KỶ NIỆM NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM 23/11 (2005 – 2015)

TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ: “CUỘC SỐNG NỘI CUNG TRIỀU NGUYỄN”

Hướng tới kỷ niệm “Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam” 23/11/2015, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp cùng Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “CUỘC SỐNG NỘI CUNG TRIỀU NGUYỄN” vào lúc 14 giờ 30 ngày 19/11/2015 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (số 202 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Hoàng triều Nguyễn (1802-1945) – triều đại cuối cùng của nền quân chủ nước ta. Thời kỳ này, tất cả những thiết chế của triều đại phong kiến phát triển đến đỉnh cao từ việc điều hành đất nước đến quản lý Hoàng gia trong đó có chốn hậu cung. Tất cả sinh hoạt trong nội cung theo những nguyên tắc chuẩn mực được xây dựng từ nền tảng văn hóa truyền thống Việt Nam và ảnh hưởng tư tưởng đạo Phật và đạo Nho tạo thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc thù nơi cung cấm Việt Nam từ nghi lễ, giao tiếp, trang phục, ẩm thực, tiêu khiển,…

altTrong Đại nội, Hoàng đế là người đàn ông duy nhất, còn lại là những người phụ nữ được phân cấp rõ ràng theo quy định về cửu giai – chín bậc cùng các Thái giám. Cuộc sống của người phụ nữ trong nội cung các triều đại phong kiến Việt Nam là một bức tranh sống động, đằng sau hạnh phúc được sống trong “phủ chúa” là cuộc sống ẩn chứa những nỗ lực phi thường để vẹn toàn hình ảnh người vợ, người mẹ của những bậc mẫu nghi.

Nhìn chung, đời sống của các bà trong cung phải tuân theo theo những lễ nghi, khuôn phép,… trong mọi sinh hoạt để đảm bảo sự an bình, hòa hiệp chốn nội cung từ việc phụng thờ tổ tiên, phụng sự hoàng đế, phụng dưỡng hoàng thái hậu,… Thiên chức người phụ nữ trong Nội cung không phải khác biệt với người phụ nữ bên ngoài mà nó được nâng cao thành chuẩn mực và biểu tượng về phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam thời quân chủ với nhiều tấm gương còn lưu lại ngày nay.

altVới mục đích phản ảnh thực tế một phần cuộc sống của người phụ nữ trong nội cung triều Nguyễn đến công chúng, đồng thời góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể chốn hoàng cung, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp với nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trưng bày chuyên đề: “CUỘC SỐNG NỘI CUNG TRIỀU NGUYỄN” qua hơn 150 hiện vật và hình ảnh đặc sắc của bộ sưu tập về dụng cụ đàn hát, chế biến thức ăn, trang phục, trang sức, dụng cụ ăn trầu với sự đa dạng về chủng loại hình dáng và chất liệu….Đề tài không nằm ngoài mong muốn tuyên truyền rộng rãi đến công chúng thưởng ngoạn – đặc biệt là tầng lớp trí thức trẻ, sinh viên, học sinh, phụ nữ kể cả nam giới có nhiều hiểu biết hơn về đời sống phụ nữ trong nội cung triều Nguyễn qua những hiện vật trưng bày.

Trưng bày giới thiệu rộng rãi đến công chúng các hiện vật phục vụ đời sống của giới nữ trong cung đình triều Nguyễn đến hết tháng 2 năm 2016. Thông qua các vật phẩm được trưng bày, chúng ta phần nào có thể tìm hiểu được trang phục, trang sức, ẩm thực, thú tiêu khiển…của giới nữ quyền quý trong nội cung. Đồng thời, đây cũng là chuyên đề phục vụ việc bảo lưu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể về cung đình Huế cho giới nghiên cứu, các nhà hoạt động nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh,… ngày nay có thêm tư liệu để phục dựng đúng đắn kiểu cách sinh hoạt của giới quý tộc Việt Nam dưới thời Nguyễn.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 11 năm 2015

Trịnh Tuyết Hằng