TRIỂN LÃM ẢNH: “BÁC NHỚ MIỀN NAM, NỖI NHỚ NHÀ. MIỀN NAM MONG BÁC, NỖI MONG CHA”

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), Bảo Tàng Phụ Nữ Nam Bộ khai mạc triển lãm bộ ảnh: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác, nỗi mong Cha”;

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), Bảo Tàng Phụ Nữ Nam Bộ khai mạc triển lãm bộ ảnh:

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà.

Miền Nam mong Bác, nỗi mong Cha”;

Với 50 ảnh tư liệu thể hiện tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu với nỗi lo đau đáu, mong chờ ngày thống nhất được vào thăm nhân dân miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam dành cho Bác được khắc họa trong 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu.

alt

altalt

Sinh thời , Bác Hồ luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”… ”Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”… “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, miền Nam – mảnh đất “đi trước về sau” kiên cường đánh giặc suốt mấy chục năm, từng chịu biết bao đau thương, gian khổ, được Bác Hồ gửi gắm những tình cảm tin cậy và yêu thương rất đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa vào thăm đồng bào miền Nam, nhưng hình ảnh Người ở khắp miền Nam, trong lòng mỗi người dân yêu nước.

Ngày 31/5/1946, trước khi lên đường sang Pháp tìm giải pháp cứu vãn hòa bình ở Việt Nam, Bác Hồ gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam” và tin tưởng: “Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”. Tại Hội nghị Việt – Pháp ở Fontainebleau, Người tuyên bố: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Nhân dịp kỷ niệm 6 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (1952), Người bày tỏ: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta”. Kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ nhất, đất nước lại bị chia cắt, Bác viết thư gửi bộ đội và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (9/1954), phác ra tiến trình: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”.Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ và gian khổ, đồng bào miền Nam vẫn là người “Đi trước về sau”. Trong thư chúc mừng năm mới 1956 ngày 01/01/1956, Bác khen: “Miền Nam yêu quý của chúng ta luôn xứng đáng là “Thành đồng Tổ quốc””. Các cán bộ tập kết đem theo cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác trồng cây vú sữa ngay cạnh ngôi nhà ở góc vườn Phủ Chủ tịch. Khi chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn, Người cho chuyển cây vú sữa về trồng cạnh nhà sàn để hàng ngày Bác chăm sóc và luôn cảm thấy gần đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Nǎm 1965, gặp đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, cả đoàn đều khóc vì sung sướng, cảm động và vây quanh Bác; Người xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”. Bác hỏi chuyện chiến trường và được biết tâm tư của đồng bào cán bộ chiến sĩ miền Nam “không sợ gian khổ, không sợ chết mà chỉ sợ một điều… sau này không được nhìn thấy Bác”. Vừa nghe xong, Bác trào dâng nước mắt, khóc vì thương nhớ miền Nam. Bác tự rèn luyện sức khỏe và đề nghị Bộ Chính trị thu xếp cho Bác đi vào miền Nam với quyết tâm “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho tôi đi bộ. Các chú đi được thì tôi đi được. Đi mỗi ngày một ít”. Chiến tranh ác liệt và đường đi khó khăn, nhưng Bác thuyết phục “Đi thǎm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em…”. Cán bộ chiến sĩ miền Nam ra Bắc đều được vào nhà sàn và ăn cơm với Bác. Người dặn xúc cơm cho thật đầy bát và ăn cho hết thức ăn; riêng Bác cũng cố gắng ăn hai bát cơm để mọi người tin rằng Bác vẫn khỏe và đồng bào miền Nam yên tâm. Ngày 5/8/1969, Đoàn liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch ra Bắc vào thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác rất vui mừng nêu rõ ý chí: “Phải tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh đến khi Mỹ – Nguỵ thất bại hoàn toàn, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”.

Hiểu được nỗi lòng của những người dân đang chiến đấu trên tuyến đầu chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng nhân dân miền Nam danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng “Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang”… Chính từ sự quan tâm động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, đầy hy sinh ấy đã trở thành động lực để nhân dân miền Nam kiên cường chiến đấu làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người.

Triển lãm ảnh với chủ đề: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác, nỗi mong Cha” của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nhằm giới thiệu đến khách tham quan tình cảm của Bác dành cho nhân dân miền Nam và hình ảnh của Bác – vị Cha già kính yêu của dân tộc luôn sống mãi trong lòng nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Triển lãm ảnh chính thức khai mạc vào sáng ngày 19/5/2020 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và phục vụ khách tham quan đến hết ngày 31/7/2020.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 5 năm 2020

Nguyễn Thị Thu Hồng

Phòng Truyền Thông- Giáo dục và Quan hệ quốc tế