TRI ÂN THẾ HỆ MÃI MÃI TUỔI 20

Bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” của phóng viên Đoàn Công Tính chụp vào năm 1972, khi chiến sự ở Thành

Cổ Quảng Trị vào thời điểm ác liệt nhất. Nay được phóng lớn, trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị.

Tháng bảy, trong khoảnh khắc cuối hạ đầu thu với một ngày kỷ niệm rất quan trọng của đất nước, ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 là dịp để chúng ta tưởng nhớ các anh hùng dân tộc đã hy sinh, đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập của dân tộc. Với tôi – một người trẻ thế hện 9X sinh trong thời bình thì dịp 27/7 năm nay đã đến với rất nhiều xúc cảm…

Võ Cư

Tháng bảy, trong khoảnh khắc cuối hạ đầu thu với một ngày kỷ niệm rất quan trọng của đất nước, ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 là dịp để chúng ta tưởng nhớ các anh hùng dân tộc đã hy sinh, đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập của dân tộc. Với tôi – một người trẻ thế hện 9X sinh trong thời bình thì dịp 27/7 năm nay đã đến với rất nhiều xúc cảm…

Tôi đến Thành cổ Quảng Trị một ngày tháng bảy đầy nắng và gió trong hành trình trở lại những năm 70 của thế kỷ trước. Thành cổ Quảng Trị không chỉ là một tòa thành mà đó còn là nơi lưu giữ biết bao ký ức về cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt. Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị được xây dựng ngay trong khuôn viên, bên cạnh một gò đất cao giữa thành mà như những cán bộ hướng dẫn du khách tham quan đã nói: “Có thể coi đây là nấm mồ chung cho những người chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Bởi ở trong Thành cổ, dưới mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ, gốc cây đều là máu thịt, là những tấm thân liệt sĩ đã bị chôn vùi bởi bom cày, đạn xới”.

Như một lần khao khát soi tỏ những giá trị hào hùng, bất khuất qua những dòng chữ viết vội, giản dị, bức tâm thư được viết bằng nước mắt, bằng tình yêu nước và ý chí quật cường chống giặc Mỹ xâm lược của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình: “Toàn thể gia đình kính thương! Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”… Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”. Trước khi vào chiến trường Quảng Trị, anh là sinh viên năm thứ tư, Khoa Xây dựng, Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Anh viết bức thư này vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm lịch sử, viết bằng dự cảm của một người biết trước mình sẽ hy sinh trong thời điểm mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tận cùng.

Lời thư xoáy sâu mãi vào tâm khảm những người đọc, nhắc nhở chúng ta – những người sống dưới bầu trời thanh bình hiện tại mạch nguồn tri ân quá khứ. Bức tâm thư được trích trên chỉ là số ít trong hàng trăm bức thư thời chiến hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng trong khuôn viên Thành cổ, thể hiện khí phách người Việt Nam trong chiến trận ấy.Trải qua mưa bom, lửa đạn và bao đổi dời thời cuộc, nay vẫn lành lặn, vẹn nguyên như biểu tượng của lòng yêu nước sắt son.

Có lẽ vì vậy mà trên gò đất ấy được dựng lên một lư hương lớn với ngọn tháp như khắc lên Trời, để ghi dấu về những ngày lịch sử đã qua của một Thành cổ Quảng Trị anh hùng. Trên những bức tường gạch bao quanh, những bờ hầm vẫn còn đó chi chít dấu đạn, vết bom. Nơi những bước chân của thế hệ hôm nay thảnh thơi dạo bước, vẫn còn đó những dấu tích xưa xanh xám, rêu phong màu chiến tranh, màu bi tráng.

Dòng Thạch Hãn nằm nghiêng bên Thành cổ, cứ trôi đi không lưu lại chút gì quá khứ. Ấy vậy mà những người đến nơi đây vẫn thấy nghẹn ngào. Đó là dòng sông bắt đầu từ dải Trường Sơn hùng vĩ, chảy qua những dãy núi, qua những đồng bằng nhỏ hẹp và đổ ra biển Đông rộng lớn. Ở đâu mà chẳng có dòng sông vỗ về tắm mát bao ẩn ức, Thạch Hãn cuồn cuộn phù sa mùa lũ và cũng có khi trong lặng đến êm đềm. Nhưng dòng sông ấy đã chảy qua một vùng đất mà lịch sử mãi mãi phải nhắc đến, mảnh đất đầy nắng lửa – thành cổ Quảng Trị.

81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ đã trở thành 81 ngày đêm huyền thoại, với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Và trong 81 ngày đêm ấy, dòng sông Thạch Hãn đã là chứng nhân của bao cuộc chuyển quân vào tiếp viện cho Thành cổ. Quá khứ và hiện tại như xích lại gần khi những câu chuyện về cuộc chiến khốc liệt hơn 40 năm trước vẫn vẹn nguyên qua lời anh thuyết minh viên xúc động nghẹn lời: “Cứ mỗi đêm có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn vào tiếp viện cho Thành cổ thì đến sáng hôm sau chỉ còn lại vài người sống sót. Bao chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông”.

Tôi hình dung những gương mặt thanh xuân can trường của thời đạn lửa. Các chị, hẳn độ ấy đương tuổi đôi mươi, mái tóc nhung nhúc đen buộc vội chiếc khăn mùi soa thoảng hương bồ kết. Các chị, có lúc vận tấm áo bà ba mềm mại lưng ong, lại có khi khoác lên mình vững vàng tấm áo trấn thủ; xen giữa những giờ trực chiến mà ánh mắt rực lửa canh giữ bầu trời yên ả của quê hương, là thời khắc hồn nhiên chia nhau một mảnh gương soi, một chùm hoa bưởi, một bức thư chiến trường viết vội… Ánh mắt nào vừa tươi lên câu hát, nay hằn lửa căm thù; đôi tay nào vừa thoăn thoắt dưới đồng, vẫn còn vương lấm bùn non đã vội siết chặt hờn căm nơi nòng pháo. Trong làn mưa bom bão đạn, họ vẫn hát lên niềm tin về một chiến thắng. Giữa hiện thực trần trụi, những đóa hoa tâm hồn vẫn tươi mát, những giọt nước mắt cho đồng chí, đồng đội đã ngã xuống để hôm nay đất nước thay da đổi thịt, thế hệ trẻ tự hào và viết tiếp trang sử vàng của dân tộc. Là các anh, các chị đấy, bình dị lắm mà kiên cường lắm!

Dường như có gì đó nức nở sâu trong lòng người đứng nhìn dòng sông xuôi ra biển lớn. Bởi trên dòng sông ấy, ngày nay, những con thuyền vẫn nhẹ nhàng xuôi ngược, những chuyến đò ngang thong thả nối đôi bờ. Đứng trước dòng sông ấy, có nhà thơ quân đội từng viết để tưởng nhớ, tri ân những người đồng đội:

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

Đó là những giọt nước mắt làm ấm lòng dòng Thạch Hãn, là những bông hoa dành cho những người chưa từng được nhận một lần. Dòng sông đã không bị quên lãng, những ánh hoa đăng đã rực sáng ở nơi này, Thạch Hãn đã mãi ở tuổi hai mươi.

Thành cổ hôm nay cỏ đã lên xanh và dòng sông Thạch Hãn vẫn tha thiết chảy dưới sắc xanh trong của mây trời Quảng Trị. Càng thấy thấm thía hơn công ơn của một thế hệ mãi mãi tuổi hai mươi, một thế hệ đã quên mình vì đất nước với những khát khao thật lớn lao như những dòng thơ của nhà thơ Thanh Thảo từng viết:

Chúng tôi ra đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Những dấu ấn Thành cổ, Thạch Hãn sẽ mãi in đậm trong lòng những người con đất Việt trên hành trình khám phá để hiểu và yêu thêm quê hương – đất nước – con người.Chiến tranh đã lùi xa ngót nửa thế kỷ, chỉ còn lại trong ký ức của những bậc tiền bối sống trong thời kỳ đó, với thế hệ trẻ chúng ta thì hiểu về chiến tranh qua từng trang sử, những di tích lịch sử, qua lời kể của người đi trước hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội. Biết về sử, hiểu rõ tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, thế hệ trẻ chúng ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ và ra sức xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả mà các anh phải đánh đổi cả xương máu mới giành được cho hôm nay.

Thành cổ Quảng Trị ngày nay

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2022

Võ Cư

Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ Quốc tế