TRANG PHỤC CƯỚI TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ KHMER Ở NAM BỘ

TRANG PHỤC CƯỚI TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ KHMER

Ở NAM BỘ TRONG TRƯNG BÀY TẠI

BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc là một bộ trang phục truyền thống riêng với dáng vẻ, màu sắc khác nhau như chiếc áo dài của cô gái Kinh; áo dài bít tà mặc chung với váy của cô gái Chăm; áo cánh xẻ ngực, ít khi cài cúc, để hở yếm ở trong, áo choàng mặc ngoài là kiểu áo tứ thân không cài cúc mà thường để buông hay thắt vạt của những cô gái thuộc nhóm Việt – Mường

TRANG PHỤC CƯỚI TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ KHMER Ở NAM BỘ

TRONG TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc là một bộ trang phục truyền thống riêng với dáng vẻ, màu sắc khác nhau như chiếc áo dài của cô gái Kinh; áo dài bít tà mặc chung với váy của cô gái Chăm; áo cánh xẻ ngực, ít khi cài cúc, để hở yếm ở trong, áo choàng mặc ngoài là kiểu áo tứ thân không cài cúc mà thường để buông hay thắt vạt của những cô gái thuộc nhóm Việt – Mường; kiểu áo xẻ cài khuy nách, quần, xà cạp, tạp dề của những cô gái thuộc nhóm Tày – Thái; hay như kiểu váy xếp nếp trang trí nhiều hoa văn, áo xẻ và cài khuy nách, áo dài mặc ngoài thêu của những cô gái thuộc nhóm Mông – Dao…trong đó trang phục truyền thống phụ nữ Khmer Nam bộ mang nét duyên, nét độc đáo không thể lẫn lộn với bất kỳ một trang phục nào khác.

1- Trang phục cưới phụ nữ Khmer Nam bộ

Dân tộc Khmer tập trung sinh sống chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Khmer cư trú tập trung tại các tỉnh: Sóc Trăng (397.014 người, chiếm 30,7 % dân số toàn tỉnh và 31,5 % tổng số người Khmer tại Việt Nam), Trà Vinh (317.203 người, chiếm 31,6 % dân số toàn tỉnh và 25,2 % tổng số người Khmer tại Việt Nam), Kiên Giang (210.899 người, chiếm 12,5 % dân số toàn tỉnh và 16,7 % tổng số người Khmer tại Việt Nam), An Giang (90.271 người), Bạc Liêu (70.667 người), Cà Mau (29.845 người), thành phố Hồ Chí Minh (24.268 người), Vĩnh Long (21.820 người), Cần Thơ (21.414 người), Hậu Giang (21.169 người), Bình Phước (15.578 người), Bình Dương (15.435 người). Hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa (lúa nước trời và chủ động tưới) với năng suất thấp, trồng màu thời vụ, chăn nuôi bò và heo. Ngoài sản xuất nông nghiệp, đồng bào Khmer còn phát triển các nghề thủ công như: dệt, gốm, làm đường từ cây thốt nốt… Trong đó, phải kể đến nghề dệt Thổ Cẩm – một nghề sản xuất truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer – sử dụng nguồn nguyên vật liệu là tơ tằm để dệt ra những tấm lụa mượt mà, óng ả, tạo nên những bộ trang phục truyền thống mang đậm sắc thái dân tộc của người Khmer nhất là trang phục cưới.

Trang phục cưới cổ truyền. Ảnh: BT Phụ nữ Nam bộMùa cưới truyền thống của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ tháng 1 đến 3 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Tuy những tập tục trong lễ cưới mang tính đặc thù của dân tộc mặc dầu ngày nay nó đã được đơn giản hóa nhiều và mỗi địa phương có cách thể hiện khác nhau, nhưng cái hồn của chúng vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Trong đám cưới, trang phục cổ truyền của cô dâu Khmer khá cầu kỳ và rực rỡ thường có 3 phần: áo, váy, và mão. Cô dâu thường mặc chiếc xăm pốt bằng sợi kim tuyến hay tơ tằm màu đỏ sậm hoặc hồng cánh sen sậm, dài đến cổ chân, có dệt hoa văn, cùng chiếc áo ngắn tay bó chẽn hoặc để hở một bên vai (xa bây). Áo và xăm pốt được giữ chặt và gọn ghẽ bằng chiếc thắt lưng kim loại (xai krò bách). Một tấm sronko có dạng như cái yếm hình bán nguyệt quàng phía trước quanh chân cổ, che phủ hết phần trên của ngực áo. Tấm này màu đỏ, trang trí trên đó có những mảnh hạt chai, thêu hoa cườm sặc sỡ, chung quanh kết tua diềm diêm dúa. Tóc cô dâu được bới cao trước khi đội mũ cưới, chiếc mũ này hình tháp nhọn ba tầng kết hoa lộng lẫy của cô dâu (kà păng hoặc còn gọi là kpâl plôp) làm bằng kim loại hoặc giấy bồi cứng màu đỏ, được trang trí sặc sỡ bởi các hạt ngọc trai, hạt xoàn nhân tạo, thêu hoa cườm và chung quanh mũ kết các chiếc cánh của con kim quýt slap ừng phim màu xanh lá cây pha sắc vàng óng. Trên mũ cắm tua tủa các cây trâm (sniêk sok) gắn bông hoa tròn đủ màu như một rừng hoa khoe sắc (tượng trưng cho tuổi trẻ của cô dâu tươi đẹp như mùa xuân). Nơi chân mũ gắn hai chuỗi hạt ngọc rủ dài xuống hai bên tai của cô dâu.

Trang phục của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chỉ còn được thể hiện rõ nhất trong lễ cưới ở một số gia đình còn giữ được phong tục cũ. Ngày nay trang phục cưới cô dâu Khmer được cách tân, biến tấu theo nhiều kiểu mới lạ và đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau theo hướng phù hợp với thời đại nhất là chiếc xà rông được thiết kế rất cầu kỳ nhưng hầu hết vẫn giữ ở mức độ dung hòa giữa hiện đại và truyền thống. Cô dâu người Khmer đa số vẫn còn duy trì trang phục truyền thống. Thông thường cô dâu hay mặc chiếc xăm pốt hôl màu tím sẫm hay màu hồng cánh sen được xếp nếp cầu kỳ, mặc áo dài tầm vông màu đỏ thắm, quàng khăn ngang người và đội mũ kpâl plôp, loại mũ hình tháp nhọn nhiều tầng, bằng kim loại hoặc bằng giấy bồi, được trang trí bằng cánh con kim quýt màu xanh biếc.

altNhìn chung, các loại trang phục truyền thống của người Khmer vừa kín đáo vừa trang trọng và có phần lộng lẫy với trang trí và màu sắc sặc sỡ, rất duyên dáng và xinh đẹp. Trang phục truyền thống của người Khmer thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Mặc dù có sự cộng cư lâu đời với người Việt, người Hoa nhưng người Khmer ngày nay vẫn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong lĩnh vực phục sức, do quá trình cộng cư với người Việt, người Khmer đã thích nghi với cách mặc gần hoàn toàn như người Việt. Tuy nhiên, trong dịp lễ hội, đám cưới… thì yếu tố văn hóa truyền thống trong trang phục vẫn còn đậm nét.

2- Phát huy giá trị di sản trang phục cưới truyền thống của phụ nữ Khmer – Nam bộ tại không gian trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Từ năm 2005, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thiết kế không gian trưng bày về sinh hoạt văn hóa của phụ nữ Nam bộ, trong đó có chuyên đề lịch sử trang phục mà trang phục cưới cổ truyền của phụ nữ Khmer là một không gian đẹp với đường nét cách điệu về máu nhà truyền thống người Khmer vùng đồng bằng sông Cứu Long. Trong không gian ấy, trang phục cưới được thể hiện với hiện vật gốc khá ấn tượng bên cạnh là hình ảnh của một đám cưới truyền thống với nhân vật thật mà cán bộ sưu tầm được dịp trãi nghiệm và tác nghiệp. Để phát huy di sản phi vật thể về trang phục cưới, bảo tàng còn có những thước phim tư liệu khá sống động. Tuy nhiên để phát huy hơn nữa giá trị di sản phi vật thể này, nên chăng cần có những chú thích kể về câu chuyện có thật của cô dâu- chú rể, cách thức may và mặc áo cưới truyền thống để hấp dẫn người tham quan và như vậy giá trị di sản mới kết nối với cộng đồng theo tinh thần ICOM 2014.

TP.HCM, ngày 27 tháng 5 năm 2014

TRẦN THANH TÚ

Viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Tài liệu tham khảo:

– Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam – Ngô Đức Thịnh – Nxb Khoa học Xã hội – Hà Nội, 2006 – trang 482.

– Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam – Ngô Đức Thịnh – Nxb Văn hóa dân tộc – Hà Nội, 2000 – trang 215.

– Tư liệu thuyết minh Trang phục truyền thống phụ nữ Khmer của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

www.danviet.vn

– www.dantocviet.vn