TRẢI NGHIỆM HỌC VĂN TẠI BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Nhân kỷ niệm 257 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (3/01/1766 – 3/01/2023) và đẩy mạnh công tác tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức hoạt động trải nghiệm giờ học văn với cô giáo Đoàn Thị Liệp – nguyên giáo viên Ngữ Văn Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) – Người đã biến tà áo dài thành tác phẩm hội họa chứa đựng ý nghĩa văn học để truyền cảm hứng học môn Văn đến cho bao thế hệ học trò, những chiếc áo dài như một loại giáo cụ trực quan sinh động, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước.

Bộ sưu tập “Áo dài văn học” hay bộ sách giáo khoa Ngữ văn bằng áo dài do chính cô Liệp tự tay thiết kế thể hiện sự sáng tạo, vô cùng độc đáo, ý nghĩa và mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. Hai trăm tác phẩm văn học được thể hiện trên tà áo dài trong suốt 40 năm gắn bó với nghề giáo của cô đã khiến cho những bài giảng môn Ngữ văn trở nên gần gũi hơn đối với các em học sinh.

Đằng sau cánh cửa tủ là câu chuyện dài của lòng yêu nghề, yêu văn, tình yêu nước non cháy bỏng, là kết tinh nước mắt ngóng chồng, khóc chồng hy sinh ngoài mặt trận, cũng là ánh sáng rực rỡ nhất trong đêm đen cuộc đời đặc quánh, nhọc nhằn. Chồng hy sinh ở chiến trường khi cô mới sinh đứa con gái đầu lòng còn đỏ hỏn. Người liệt sĩ hy sinh nằm lại chiến trường Campuchia ở tuổi 25 cùng bức thư cuối cùng về đến gia đình sau khi mất với nỗi niềm: “… Vợ sắp sinh con mà con không về được, không biết cô ấy có giận con không?”. Trở thành vợ liệt sĩ khi còn rất trẻ, biết bao gánh nặng đổ dồn lên vai Cô giáo trẻ. Một thân nuôi con bằng đồng lương sư phạm, cô bán thêm bánh mì buổi sáng, xe xôi mặn buổi tối; làm thêm chả giò để bỏ mối các hàng quán để kiếm tiền nuôi con.

Mỗi tiết dạy của cô luôn chứa đựng những điều hấp dẫn và thú vị. Hành trình trên bục giảng của cô đến bây giờ vẫn chưa hề ngơi nghỉ, chỉ mong tiếp lửa cho thế hệ mai sau nên người. Cô quan niệm những điều rất đỗi to tát như lòng hiếu thảo, lòng yêu nước, yêu văn hóa truyền thống dân tộc có thể được giáo dục bằng những phương pháp nhập tâm đơn giản như vậy. Cô luôn bảo với học trò rằng: “Văn học là nhân học, mỗi bài văn luôn chứa đựng những giá trị và bài học trong cuộc sống”. Dù về hưu nhiều năm, cô vẫn xông xáo tham gia các hoạt  động xã hội như “Bếp ăn Tình Thương”, gây quỹ học bổng cho học sinh Trường Nguyễn Hữu Huân, giúp đỡ cơ sở vật chất cho các em học sinh ở Bình Phước… Và giờ đây, cùng với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hy vọng với các bài văn học, các bài thơ của “Bà giáo Liệp” sẽ tiếp tục truyền cảm hứng học môn văn đến các em học sinh, đến quí phụ huynh đang “tìm” động lực cho con trẻ học môn Văn.

Đến với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ quý khách sẽ được trải nghiệm giờ học văn đặc sắc qua di sản áo dài do cô Đoàn Thị Liệp giảng dạy và buổi nói chuyện đầu tiên với chuyên đề: “Bản lĩnh Kiều trong tác phẩm Đoạn trường Tân Thanh của Nguyễn Du”. Chương trình nhằm lan tỏa giá trị văn hóa nghệ thuật và góp phần cổ vũ tinh thần hiếu học của thế hệ trẻ về đời sống tinh thần, văn hóa của dân tộc.

Chủ nhân bộ sưu tập “áo dài văn học” – cô Đoàn Thị Liệp

Trải nghiệm Học văn qua tà áo dài của cô Đoàn Thị Liệp với chủ đề: “Bản lĩnh của Kiều trong tác phẩm Đoạn trường Tân Thanh của Nguyễn Du” sẽ được diễn ra vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 9/12/2022 (sáng thứ sáu) và dự kiến sẽ tổ chức 2 buổi/tháng trong năm 2023.

Địa điểm: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Số 200- 202 Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Các em học sinh và quí khách, quí Thầy Cô giáo đã từng là học trò của Cô giáo Liệp tham dự chương trình vui lòng đăng ký với Phòng Truyền Thông- Giáo dục – Quan hệ Quốc tế, gặp chị Huỳnh Thị Kim Loan, SĐT 038.9972782 hoặc trên Website của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ https://baotangphunu.com, trên trang Facebook của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Hân hạnh đón tiếp!

                                      Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 12 năm 2022

                                                                              Huỳnh Thị Kim Loan

                                                     Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế