TỌA ĐÀM KHOA HỌC: “VAI TRÒ CỦA ĐỘI QUÂN TÓC DÀI TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC”

Di sản văn hóa trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta rất quý giá và đáng tự hào. Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mọi thế hệ người Việt Nam. Trong đó, phong trào Đồng Khởi Bến Tre ngày 17/01/1960 là cuộc nổi dậy mang tính quần chúng, có tác động rộng lớn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị tại các đô thị ở miền Nam và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960), phá vỡ kế hoạch lập khu trù mật và chính sách “cải cách điền địa” của chính quyền Ngô Đình Diệm, để lại nhiều bài học kinh nghiệm với phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi” trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Đồng Khởi Bến Tre (17/01/1960-17/01/2020),100 năm ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định (15/3/1920 – 15/3/2020), 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020); Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Vai trò của Đội quân tóc dài trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” vào ngày 05 tháng 12 năm 2019.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Bến Tre là chiến trường vô cùng ác liệt, là nơi thực hiện thí điểm hầu hết các chiến thuật và thủ đoạn quân sự mới để khủng bố phong trào cách mạng ở miền Nam. Từ trong gian khổ đó, đội quân tóc dài Bến Tre đã ra đời và là một loại hình sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân phối hợp ba mũi tiến công: chính trị, vũ trang, binh vận đã tạo thành sức mạnh tổng hợp giành được nhiều chiến công thời chống đế quốc Mỹ cứu nước.

Đã có biết bao người con ưu tú, những người mẹ, người chị, người vợ đã vượt qua mưa bom của kẻ thù, bị tra tấn, tù đày, những người phụ nữ ngã xuống trước mũi súng của kẻ thù, có những mẹ đã dâng hiến những đứa con yêu quí của mình, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ðội quân tóc dài trở thành là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường của người phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài viết gửi về tham gia với nội dung sâu sắc nêu bật được sự phối hợp chặt chẽ phương châm “hai chân, ba mũi” trong chiến tranh nhân dân, đã bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng như mối liên kết trong đấu tranh chống lại những chính sách hà khắc trong nhà tù của những nữ tù chính trị cùng những phong trào đấu tranh bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ; phong trào đòi quyền sống của phụ nữ miền Nam…

Buổi tọa đàm khoa học sẽ góp phần phát huy công tác giáo dục lịch sử và gắn kết với cộng đồng địa phương đồng thời hoàn thiện bộ sưu tập hiện vật liên quan đến “Vai trò và đóng góp của phụ nữ miền Nam qua hai cuộc kháng chiến” phục vụ cho công tác mở rộng nội dung nghiên cứu, làm rõ tính chất anh hùng của nhân dân Tây Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ tiến đến việc thực hiện chương trình tọa đàm, hội thảo trong thời gian sắp tới nhằm thu hút khách tham quan đến với bảo tàng.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 11 năm 2019

Hồ Ngọc Phương