TINH THẦN VÀ KHÍ THẾ ĐẤU TRANH CỦA PHỤ NỮ TÂN ĐỊNH TRONG SỰ KIỆN LỊCH SỬ NGÀY 16 THÁNG 7 NĂM 1930

Đúng 5 giờ sáng ngày 16/7/1930, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Tân Định (huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà), đoàn biểu tình gồm 500 người có trên 1/3 là phụ nữ, đội ngũ chỉnh tềtrải dài hàng trăm mét, trang phục gọn gàng, hiên ngang, hùng dũngdo đồng chí Dương Chước và Nguyễn Thế chỉ huy, đoàn biểu tình tiến vào vị trí chuẩn bị xuất phát từ núi Ổ Gà (khu công viên Tượng đài 16/ 7 hiện nay).

Huỳnh Thị Kim Loan

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), phong trào cách mạng trên cả nước có nhiều bước phát triển mới. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đúng đắn vai trò, vị trí của phụ nữ trong cách mạng “Phụ nữ chiếm số đông trong lực lượng nhân dân, lại chịu nhiều đau khổ nên có tinh thần đấu tranh cách mạng, nếu phụ nữ không tham gia thì cách mạng không thể thành công. Ngược lại, phụ nữ muốn giải phóng mình, phải cùng dân tộc và giai cấp đứng lên làm cách mạng”. Do đó, Đảng đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo quần chúng phụ nữ đi theo ngọn cờ của Đảng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ.

Ở Khánh Hoà, Ban cán sự Đông Dương Cộng Sản đoàn tỉnh được chuyển thành ban Tỉnh uỷ lâm thời Đảng Cộng sản do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Bí thư. Trong số Đảng viên Tân Việt được chuyển thành đảng viên Cộng sản có 2 chị Lê Thị Em và Bùi Thị Trung Lương. Đây là những người phụ nữ đầu tiên đi theo con đường cách mạng vô sản ở Khánh Hoà. Hai chị được phân công phụ trách công việc cơ quan, và điều hành đường dây liên lạc của Tỉnh Uỷ. Đông đảo phụ nữ tham gia các tổ chức quần chúng của Đảng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ…Những khẩu hiệu chính trị chung cùng với những khẩu hiệu đòi quyền lợi thiết thực đã động viên, cổ vũ, đông đảo phụ nữ tham gia đấu tranh. Chị em là lực lượng chủ yếu, phân phối và tham gia treo cờ, dán rải truyền đơn ở các thị tứ, thị trấn và dọc đường giao thông, nhất là ở Nha Trang, Vĩnh Xương, Tân Định. Trong tỉnh, truyền đơn được rải ở nhiều nơi, cờ búa liềm được treo ở Tháp Bà, miếu Sinh Trung (Nha Trang), cây Dầu Đôi (Diên Khánh)… Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa, Đảng bộ huyện Tân Định đã vận động quần chúng nhân dân, tiến hành cuộc biểu tình chống lại thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến vào ngày 16/7/1930 thu hút đông đảo phụ nữ tham gia và đi đầu.

Đúng 5 giờ sáng ngày 16/7/1930, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Tân Định (huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà), đoàn biểu tình gồm 500 người có trên 1/3 là phụ nữ, đội ngũ chỉnh tềtrải dài hàng trăm mét, trang phục gọn gàng, hiên ngang, hùng dũngdo đồng chí Dương Chước và Nguyễn Thế chỉ huy, đoàn biểu tình tiến vào vị trí chuẩn bị xuất phát từ núi Ổ Gà (khu công viên Tượng đài 16/ 7 hiện nay). Dẫn đầu đoàn biểu tình là lực lượng phụ nữ, bà Nguyễn Thị Thích (Suối Ré) đánh trống lệnh, các bà Nguyễn Thị Chuột (Hòn Khói), Mai Thị Tý, Huỳnh Thị Sương (Suối Ré) cầm cờ đỏ búa liềm, bà Nguyễn Thị Miến (Hòn Khói) cầm biểu ngữ…Đoàn vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu “đả đảo thực dân Pháp và Nam Triều phong kiến”, “chống khủng bố trắng”, “ủng hộ công nông Nghệ Tĩnh và Quãng Ngãi”, “chống sưu cao, thuế nặng, bỏ thuế chợ, hạ giá lúa”. ủng hộ Liên bang Xô Viết” v.v…tiếp theo là công nhân làm muối, ngư dân đánh cá, nông dân lao động, thợ thủ công, những người buôn bán nhỏ, dân nghèo… Nghe đoàn biểu tình đi đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế nhiều tiểu thương và quần chúng lao động kéo theo, đoàn biểu tình mỗi lúc một đông (lên đến cả ngàn người), khí thế mỗi lúc một dâng cao… khi vào tới thị trấn Tân Định, có đến 1000 người.Vượt qua đồn lính khố xanh, toán quân đồn trú này không kịp phản ứng vì quá bất ngờ và hoảng hốt trước lực lượng đông đảo cùng khí thế sôi sục của quần chúng cách mạng. Đoàn biểu tình đã bao vây huyện đường. Thừa thắng đoàn biểu tình phá cửa nhà giam, thả tù chính trị và buộc tên tri huyện Đinh Bá Cẩm cúi đầu nhận bản yêu sách, sau đó tập trung về chợ huyện (chợ cũ Ninh Hòa hiện nay) tổ chức metting, dân phố và đồng bào đang mua bán trong chợ tập trung rất đông.

Không có mô tả.Bà Nguyễn Thị Miến- người cầm biểu ngữ đi hàng đầu trong cuộc biểu tình

ngày 16/7/1930 tại huyện Tân Định (Ninh Hòa)

Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn ở Nam Trung Bộ trong thời kỳ này. Kẻ thù hốt hoảng, ra sức đàn áp phong trào. Hai giờ chiều cùng ngày, chúng cho 2 xe chở đầy lính ra phối hợp cùng bọn quan quân địa phương truy lùng đảng viên và cốt cán quần chúng. Gần 20 chị dẫn đầu đoàn biểu tình lần lượt bị bắt, bị tra tấn rất dã man nhưng vẫn giữ tròn khí tiết.

Về sự kiện trọng đại ngày 16/7, báo cáo hàng năm (6/1930-5/1931) của Công sứ Pháp tại Nha Trang thú nhận: “Ngày 16-7-1930, từ 6 đến 7 giờ sáng, một đoàn từ 700 đến 1000 người bắt giữ tại huyện đường viên tri huyện Tân Định (Ninh Hòa). Họ thả người bị bắt duy nhất ấy, sau khi bắt buộc ký vào bản bãi bỏ các sắc thuế. Cuộc biểu tình gồm một số lớn người Bá Hà. Đi đầu cuộc biểu tình là trống, và cờ đỏ búa liềm. Một số tương đối lớn phụ nữ đi đầu cuộc biểu tình”.

Cuộc biểu tình ngày 16/7/1930 đã giáng một đòn bất ngờ giáng xuống uy thế chính trị của bộ máy thống trị tàn bạo của bọn thực dân và tay sai phong kiến huyện Tân Định nói riêng và của tỉnh Khánh Hòa nói chung,là cuộc đấu tranh quy mô lớn do Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa lãnh đạo và cũng là cuộc biểu tình đầu tiên ở các tỉnh Nam Trung Bộ giành được thắng lợi sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, nối tiếp cuộc đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5 của công nhân Trường Thi, Bến Thủy (tỉnh Nghệ An), góp phần châm ngòi nổ cho cao trào cách mạng trong những năm 1930 – 1931. Chính vì vậy, ngày 27/12/2002, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định lấy ngày 16/7/1930 làm Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Tinh thần và khí thế đấu tranh của phụ nữ Tân Định trong cuộc biểu tình sáng ngày 16/7/1930 đã cổ vũ mạnh mẽ phụ nữ toàn tỉnh tham gia các cuộc đấu tranh. Trong các ngày 16 và 17/7/2930 diễn ra những cuộc đấu tranh như đình công của công nhân xe lửa và Sở Thuế Nha Trang đòi tăng lương, đòi lập nghiệp đoàn, đòi giảm thuế…Tinh thần cách mạng của cuộc biểu tình đã nêu cao những tấm gương chiến đấu, hy sinh kiên cường, bất khuất của Đảng viên Cộng sản và quần chúng cách mạng, đã in một dấu son chói ngời trong lịch sử truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Khánh Hòa, là niềm tự hào, sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, giúp phụ nữ Tân Định (Ninh Hòa) nói riêng và phụ nữ Khánh Hòa nói chung vượt lên trên những gian khổ, hy sinh, đoàn kết một lòng, chiến đấu ngoan cường dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xứng đáng cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Mở ảnh

Tượng đài 16/7 tại thị xã Ninh Hòa ( Khánh Hòa) nơi diễn ra cuộc biểu tình ngày 16/7/1930

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2022

Huỳnh Thị Kim Loan

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

Tài liệu tham khảo

– Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa(1992),“Truyền thống cách mạng của phụ nữ Khánh Hòa (1930- 1975)

– Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (2015),“Lịch sử phụ nữ Nam Bộ kháng chiến”, NXB chính trị Quốc gia

https://tinhdoankhanhhoa.org.vn

https://ninhhoa.khanhhoa.gov.vn

https://tinhuykhanhhoa.vn