TÌNH CẢM BÁC HỒ DÀNH CHO THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em – Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Từ ngày 15/5 đến ngày 30/6 được coi là tháng “Hành động vì trẻ em Việt Nam”.

Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 01/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (01/6/1950) diễn ra trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước. Bác viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”.

Cụ thể hơn, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong ngày 15/5/1961, Bác gửi đến thiếu nhi cả nước 5 lời dạy thiêng liêng:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”

Cho đến hôm nay, thiếu nhi cả nước vẫn xem đó là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội. Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Bác còn xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25/8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả”. Bác cũng căn dặn người lớn phải quan tâm chăm sóc, giáo dục các em. Người nhắc nhở, ngày Tết Thiếu nhi 01/6, người lớn trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng và người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”. Từ đó về sau, hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước ta lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ. Bác luôn hết sức quan tâm, dạy bảo các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Tình yêu thương thiếu niên nhi đồng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện bằng tất cả tấm lòng của người ông, người bác, người cha và với tầm nhìn của một vị lãnh tụ thiên tài chăm lo cho thế hệ tương lai của nước nhà. Trong hoàn cảnh nào và ở đâu, Người cũng luôn nghĩ về các cháu, hướng các cháu vào những hoạt động vui chơi bổ ích và nề nếp kỷ luật. Dù bận trăm công nghìn việc lãnh đạo đất nước, nhưng Người vẫn luôn dành thời gian đi thăm các trường học, lớp mẫu giáo, trại thiếu nhi… động viên, khuyên nhủ và cùng vui chơi với các cháu. Đặc biệt, Người thường xuyên viết thư thăm hỏi, gửi quà động viên các cháu thiếu niên nhi đồng miền Nam đang sống dưới sự đàn áp của Mỹ – Ngụy, chưa có một ngày hòa bình thật sự. Tình yêu đó, sự quan tâm đặc biệt đó bắt nguồn từ lý tưởng: “suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người”. Ở Người, quan điểm về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em đã sớm trở thành một bộ phận của tư tưởng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội văn minh. Bác luôn có một sự gắn bó mật thiết, một tình cảm trìu mến, hiền hòa và chu đáo với thiếu nhi. Đó là sự ấm áp vô cùng to lớn của một vị lãnh tụ vĩ đại.

Hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, Bác Hồ rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Tháng 01/1958, Bác đến thăm trường thiếu nhi miền Nam. Nghe tin Bác đến thăm, các cô chú phụ trách trường tíu tít chuẩn bị, trang hoàng hội trường đón Bác. Khi Bác đến, tất cả mọi người ùa ra đón Bác và đưa Bác đến hội trường đã được chuẩn bị cờ, hoa lộng lẫy. Nhưng Bác đề nghị dẫn Bác đến nhà bếp và phòng ngủ xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không. Sau đó, Bác lấy ra một gói kẹo lớn chia đều cho các cháu. Đang nhìn các cháu ăn kẹo, Bác chợt nhận ra có 1 cháu đang đứng ở góc phòng, nét mặt buồn so. Bác gọi lại hỏi:

– Cháu tên là gì? Vì sao lại đứng ở đây?

– Cháu tên là Tộ. Vì cháu phạm lỗi, tay bẩn không rửa nên các cô chú phạt, không cho nhận kẹo của Bác.

Bác cười bảo Tộ đi rửa tay rồi chia kẹo cho Tộ, sau đó Bác dạy:

– Từ nay, cháu phải luôn giữ gìn đôi tay cho sạch nhé. Bàn tay con người rất đáng quý.

Tộ rất cảm động trước sự chăm sóc ân cần của Bác. Từ đấy, bạn luôn giữ đôi tay sạch sẽ và rửa tay sạch trước khi ăn.

Bác không bao giờ quên chuẩn bị những gói kẹo, gói bánh để làm quà tặng cho các em nhỏ, thể hiện sự quan tâm chu đáo của Người. Đối với thiếu nhi, đặc biệt là các cháu bé, Bác luôn ân cần, gần gũi và ấm áp như vậy. Bác luôn chỉ dạy các em nhỏ bằng những lời nói hết sức giản dị, tạo cảm giác thoải mái, yêu thương đến các em.

Nói về những tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam nói chung và các cháu thiếu niên, nhi đồng nói riêng đó là sự quan tâm, chăm sóc, là tình yêu thương được hình thành và bồi đắp qua năm tháng. Từ những ngày đầu tiên bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã mang theo trong mình hình ảnh một nửa đất nước còn đang bị thực dân cai trị, nơi đồng bào vẫn đang ngày đêm chịu đựng sự tàn ác của kẻ thù. Cho tới ngày Bác trở về nước hoạt động cách mạng năm 1911, tới những năm tháng sau kháng chiến chống Pháp, miền Bắc đã được tự do, nhưng Tổ quốc vẫn còn nỗi đau chia cắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có điều trăn trở làm sao để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, “cố gắng giải phóng nhanh để Bác vào thăm đồng bào miền Nam”. Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, Bác để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam, trong bản Di chúc của mình, Bác đã hai lần nhắc đến nhi đồng, đến miền Nam. Đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta!…”. Đoạn kết thúc, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Tuy Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Bác sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu niên, nhi đồng nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung.

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Các tổ chức và cá nhân hãy đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền luật pháp, chính sách, chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tuyên truyền các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…; tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ gia đình người có công với cách mạng, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo vượt khó, học giỏi; trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, các cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em… phù hợp với điều kiện thực tế; tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; triển khai nhiều hoạt động ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng chống dịch bệnh Covid – 19. Việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục trẻ em là công việc thường xuyên và liên tục, toàn diện và lâu dài. Hãy để trẻ em được hưởng thụ quyền lợi chính đáng và có điều kiện để vươn tới ước mơ cao đẹp. Con người ai cũng có những trải nghiệm và tuổi thơ khác nhau, nhưng những ngày tết Thiếu nhi, hay tết Trung thu luôn khắc ghi những kỷ niệm êm đềm về tuổi thơ trong sáng. Dù ta có đi đâu làm gì, vẫn luôn nhớ về tuổi thơ ấy. Do vậy, hãy dành cho trẻ nhỏ những ký ức thật đẹp đẽ về tuổi thơ, hãy để cho các cháu được vui chơi, được tận hưởng niềm hạnh phúc của mình.

Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu nhi Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh” như Người hằng mong đợi.

Các thiếu niên dũng sĩ miền Nam chụp hình với Bác Hồ và Bác Tôn (Ảnh tư liệu).

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 6 năm 2021

Phạm Tuấn Trường

Phòng Truyền thông-Giáo dục và Quan hệ quốc tế