TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN TRONG TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI NAM BỘ

Tết Nguyên đán là ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, đây cũng là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả trong một năm. Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm. Không đơn thuần là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới hay đơn giản là sự chuyển mùa, hơn thế, Tết mang ý nghĩa tâm linh và nguồn cội, khiến ta sống sâu sắc hơn, gắn bó hơn với quê hương, với tổ tiên ông bà.Trải qua bao nhiêu biến động của lịch sử nhưng những phong tục cổ truyền của người Việt vẫn giữ được nét bản sắc dân tộc qua đó phản ánh tinh thần đạo hiếu, coi trọng lễ nghĩa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thành kính với tổ tiên, thần linh của người Việt. Các lễ nghi tùy theo từng thời kỳ, địa phương có khác nhau đôi chút, nhưng các phong tục, lễ nghi chính thì không mấy thay đổi.

Trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Tết âm lịch của người Việt ta có thể kéo dài hàng tuần, bắt đầu từ 23 tháng Chạp, đến tận mùng 10 tháng Giêng năm sau, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình.

Trong tuần lễ trước Tết nhiều gia đình đi viếng mộ của người thân, đắp thêm đất, dọn cỏ, thắp nhang khấn mời hương linh người thân về vui tết với gia đình. Từ ngày 20 tháng chạp trở đi nhiều nhà đã bắt đầu sửa sang dọn nhà cửa để cúng Tết theo tín ngưỡng, phong tục cổ truyền của ông cha để lại.

Ngày 23 tháng chạp là ngày cúng tiễn ông Táo chầu trời với ý nghĩa nhờ ông báo cáo những điều tốt đẹp giúp gia đạo một năm mới bình an và may mắn.Vào ngày đưa ông Táo, người ta thường bày biện rất nhiều thức ăn: như hoa quả, bánh ngọt,.. bài vị, sớ tâu cùng mũ, áo đôi hia bằng giấy …trong nhà bếp nơi đặt bàn thờ Ông Táo làm lễ vật cúng bái.

Ngày 30 Tết, nhà nhàlàm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà”. Cho đến khi hết Tết khói hương trên bàn thờ gia tiên lun nghi ngút và sau đó đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì làm lễ “đưa ông bà”. Trước giao thừa, các gia đình thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu qua tục cúng gia tiên. Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 Tết, thường đông đủ mọi người thân trong gia đình. Theo quan niệm của người Nam Bộ mỗi năm có một ông Thần Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, là để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới.Lễ vật cúng giao thừa không thể thiếu mâm ngũ quả, mâm ngũ quả thường gồm các loại trái như mãng cầu, dừa, đu đủ, sung vì nó tượng trưng cho “Cầu vừa (dừa) đủ sung”. Nếu không tìm được sung thì có thể chưng xoài hoặc thơm. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”. Gần đây có phát hiện thêm qủa Dư cũng được trang trí trên mâm ngũ quả cầu mong được dư dã, sung túc.. Ngoài ra trên bàn thờ nhà nào cũng đều có cặp dưa hấu đỏ. Dưa hấu chưng tết là dưa hấu quả tròn, đẹp , hai quả phải cân xứng nhau.

Trong những ngày Tết, người Nam bộ thường có những kiêng kỵ “nên” và “không nên”với hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn và tránh những điều xui, rủi xảy ra cho bản thân và gia đình trong suốt năm

Nên: Trước ngày 29 tết tất cả các lu, hủ chứa gạo, chứa nước, muối phải được đổ đầy để mong một năm đầy đủ. Nhà cửa phải được quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp.Trong ngày đón giao thừa mọi người đều trang bị cho mình một bộ quần áo mới, tắm rửa gội đầu sạch sẽ, tiền để trong túi với hy vọng cả năm đều mới mẻ và tiền đầy túi.

Những điều cấm kỵ:

• Xông đất

Những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông đất ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

• Không quét nhà vào ngày mùng 1

Tết Trước Tết các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng nên vào ngày Tết không cần dọn dẹp nữa. Những ngày đầu năm, các gia đình đều kiêng quét nhà bởi theo quan niệm nếu quét nhà là sẽ quét hết tài lộc ra khỏi cửa.

• Không đổ rác ngày mùng 1

Phong tục này xuất phát từ câu chuyện của người Trung Quốc. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó. Nên người Việt Nam quan niệm nếu đổ rác ngày mồng Một thì cũng hết tài lộc của gia đình.

• Không cho lửa đầu năm

Lửa tượng trưng cho đỏ, cho sự may mắn nên vào những đầu năm, mọi người đều kiêng kỵ cho lửa người khác.

• Không cho nước đầu năm

Nước là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ nên người Việt Nam quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi “Tiền vào như nước”. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, mát lành

• Không đi chúc tết sáng mùng 1

Người Việt Nam thường tránh đi chúc Tết sáng đầu năm vì không muốn xông đất nhà người khác. Với người Việt Nam người xông đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm. Ngày mồng một Tết người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.

• Không làm đổ vỡ đồ dùng

Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kỵ.

• Không mặc quần áo màu đen – trắng

Với người Việt Nam, màu đen – trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng. Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi trẻ để mong muốn một năm mới may mắn, vui vẻ.

• Không vay mượn đầu năm

Ngày đầu năm đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ. Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.

• Không xuất hành ngày mùng 5

Ngày mồng Năm là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.

• Kiêng nói điều xui

Ngày đầu năm mọi người chỉ nói những điều may mắn, vui vẻ cho cả một năm.

• Kiêng treo tranh xui

Không treo những bức tranh như đánh ghen, đi kiện, treo những bức tranh tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, phát đạt.

• Kiêng mua đồ xui

Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, mua gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng bởi nó là món hàng đầu tiên gia chủ mang về nhà. Món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn thực dụng. Đầu năm kiêng mua dao, thớt, chày, cối… Người ta hay mua muối trong những ngày đầu năm với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị.

• Không tranh cãi, bất hòa

Vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào. Người lớn tránh quát mắng, trẻ con không khóc lóc để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.

• Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2

Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo. Thực ra, người xưa chẳng có nhiều quần áo để giặt, và ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, tiết trời lạnh, việc ngừng giặt hai ngày cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến họ.

• Kiêng mở tủ vào mùng 1

Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.

• Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa

Việc đứng hay ngồi trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.

Tết của người Nam bộ cơ bản vẫn còn nguyên bản nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Những phong tục bình dị ấy là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện tính cách điển hình người dân ở phương Nam. Cùng với sự phát triển của xã hội, cách đón tết, ăn tết, chơi tết của người Nam Bộ hiện nay cũng đã có nhiều sự thay đổi đáng kể. Những phong tục, nghi lễ của người Nam Bộ vào dịp Tết giờ có lẽ cũng dần dần được đơn giản hơn cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, những nét đặc trưng nhất vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây mỗi dịp Tết về.

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Đức Thịnh chủ biên (2012), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, NXB Trẻ.

2. Nhiều tác giả (2000), Văn hoá Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, TP. Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Hữu Hiệp (1995), Dân ta ăn Tết, NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 4. Thạch Phương (1989), Địa Chí Long An, NXB Long An.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 02 năm 2021

Trịnh Thị Tuyết Hằng

Phòng Nghiên cứu- Sưu tầm- Trưng bày