TIẾP THỊ BẢO TÀNG ĐỂ SẢN PHẨM BẢO TÀNG ĐẾN GẦN VỚI CÔNG CHÚNG

Bảo tàng là nơi bảo tồn những giá trị vật chất và giá trị tinh thần của nhân loại, nơi lưu giữ các ký ức của dân tộc, các nền văn hóa, những ước mơ và hy vọng của con người trên toàn thế giới. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, bảo tàng tồn tại như một thiết chế văn hóa, khoa học và giáo dục quan trọng.

1. Những vấn đề chung

1.1 Những vấn đề lý luận về Bảo tàng:

Bảo tàng là nơi bảo tồn những giá trị vật chất và giá trị tinh thần của nhân loại, nơi lưu giữ các ký ức của dân tộc, các nền văn hóa, những ước mơ và hy vọng của con người trên toàn thế giới. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, bảo tàng tồn tại như một thiết chế văn hóa, khoa học và giáo dục quan trọng. Các chuyên gia, các nhà bảo tàng học, văn hóa học đã không ngừng nghiên cứu nhằm hoàn thiện các định nghĩa cơ bản của bảo tàng. Theo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã sửa đổi, bổ sung nội dung khái niệm về “Bảo tàng” thuộc Điều 47 và chuyển thành khoản 16 Điều 4, cụ thể: “16. Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng”.

1.2 Quan niệm về tiếp thị bảo tàng:

Khi xã hội phát triển, nhu cầu của con người cũng thay đổi, bảo tàng phải có sản phẩm dịch vụ công chúng “cần”. Vì vậy tiếp thị bảo tàng là các hoạt động nhằm nắm bắt nhu cầu của thị trường và khách tham quan bảo tàng để thực hiện một cách tốt nhất những nhu cầu ấy. Nắm bắt nhu cầu của thị trường và phân tích những nhu cầu ấy tùy theo điều kiện của từng nhóm đối tượng khác nhau để có chiến thuật khác nhau. Mỗi bảo tàng đều có những sản phẩm khác nhau để phục vụ từng đối tượng vì vậy chiến lược thu hút khách tham quan là nhiệm vụ sống còn của từng bảo tàng. Do đó tiếp thị bảo tàng phải là một quá trình liên tục năng động và linh hoạt. Nói cách khác tiếp thị bảo tàng có vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động bảo tàng, bảo tàng cần phải đưa ra những định hướng, chiến lược nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của bảo tàng, phục vụ cho khách tham quan ngày một tốt hơn.

1.3 Quan niệm về sản phẩm bảo tàng:

Sản phẩm bảo tàng là loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu có tính văn hóa cao của quá trình tham quan bảo tàng, sản phẩm phải để phục vụ công chúng, đáp ứng yêu cầu của công chúng. Sản phẩm bảo tàng được xem là hàng hóa công cộng mang tính chất tiêu dùng công cộng. Giá trị của sản phẩm bảo tàng gồm các nội dung chủ yếu sau: đó là tính quý hiếm, độc đáo, hệ thống của các bộ sưu tập; phong cách và nghệ thuật trưng bày đặc trưng của bào tàng và các phương tiện khoa học công nghệ hiện đại; các dịch vụ và mối quan tâm của bảo tàng với khách tham quan. Như vậy sản phẩm bảo tàng vừa là sản phẩm hữu hình vừa là sản phẩm vô hình.

2. Mục tiêu và giải pháp:

2.1 Hoạt động tiếp thị là hoạt động không thể thiếu trong một bảo tàng hiện đại.

Nếu như trước đây, các bảo tàng chủ yếu tiếp thị với các công ty du lịch nhằm thu hút khách từ các đoàn khách du lịch đến tham quan tại bảo tàng thì hiện nay hầu hết các bảo tàng đã có sự thay đồi tư duy, tức là không quá trông chờ vào sự thu hút khách từ các công ty du lịch mà mỗi bảo tàng phải suy nghĩ, học tập những cái mới, cái hay từ các bảo tàng bạn cũng như phải đề ra những chiến lược riêng của mình để thu hút khách tham quan. Sự sống còn, mới mẻ của các bảo tàng không kể là bảo tàng do nhà nước quản lý hay bảo tàng tư nhân đều có chung mục đích là tiếp thị để công chúng biết được chất lượng sản phẩm mà mỗi bảo tàng giới thiệu ra bên ngoài. Xã hội càng hiện đại thì yêu cầu của công chúng cũng ngày càng tăng cao. Do vậy đòi hỏi các sản phẩm ấy đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của công chúng, trẻ cũng như già thì việc tiếp thị của bảo tàng mới tạm được xem là thành công.

2.2 Các giải pháp đề ra:

Vấn đề con người là khâu then chốt, chú trọng công tác đào tạo để đội ngũ kế thừa giỏi chuyên môn, nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp.

Phải có đề cương trưng bày chuyên đề cho phù hợp, khơi nguồn nhận thức cho người xem, phù hợp với lứa tuổi tham quan.

Chủ động mang các chuyên đề đi trưng bày lưu động tại nhiều địa phương, trường học, trung tâm văn hóa, bảo tàng tỉnh nhằm quảng bá cho hoạt động của bảo tàng.

Tạo mối gắn kết với các cộng tác viên bảo tàng, các công ty truyền thông, báo, đài địa phương và ngoài thành phố.

Tạo mối gắn kết với ngành du lịch nhằm thu hút khách tham quan từ các công ty du lịch.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của bảo tàng. Đăng tải các hoạt động và tin tức trong ngành lên trang web của bảo tàng nhằm giúp cho mọi người có thể truy cập và hiểu về bảo tàng. Tạo cầu nối giữa bảo tàng và khách tham quan nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho công chúng.

3. Một số vấn đề đặt ra tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ:

Bảo tàng là một thiết chế quan trọng, không thể thiếu đối với đời sống sinh hoạt văn hóa của con người. Bảo tàng thực hiện công tác giáo dục tuyên truyền thông qua trưng bày hiện vật, hình ảnh và các hoạt động văn hóa khác. Việc tiếp thị các sản phẩm bảo tàng để bảo tàng ngày càng gần gũi hơn với công chúng là một việc làm cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay.

3.1 Như trên đã đề cập, vấn đề con người luôn là vấn đề then chốt của mỗi bảo tàng. Sự khó khăn từ khâu tuyển dụng được một cán bộ trẻ, có năng lực chuyên môn, có tâm huyết, trách nhiệm với bảo tàng, có tính sáng tạo và đột phá để giúp bảo tàng thay đổi theo chiều hướng hiện đại là một việc làm tưởng dễ mà khó. Tuy nhiên, khó khăn mà bảo tàng đang gặp phải là cán bộ được đào tạo chuyên ngành và đáp ứng được các điều kiện tuyển dụng việc làm theo qui định của các cơ quan chức năng.

3.2 Muốn đi tiếp thị thì phải mang sản phẩm, từ đó đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu, đề cương trưng bày phù hợp và có tính thời sự nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng đến hoạt động của bảo tàng.

3.3. Đổi mới nội dung, hiện vật trưng bày cố định nhằm làm mới không gian trưng bày để thu hút khách tham quan là vấn đề khó khăn trong điều kiện kinh phí hoạt động của bảo tàng hiện nay.

3.4. Đã xác định công tác tiếp thị thì phải chấp nhận đi nhiều địa phương, tốn nhiều kinh phí cho hoạt động này. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí cho hoạt động bảo tàng cũng là một vấn đề khó khăn chung đòi hỏi bảo tàng phải tiết kiệm chi phí tối đa trong khi yêu cầu phải quảng bá cho bảo tàng thì phải càng nhiều càng tốt, trong đó cũng cần chú trọng đến mối gắn kết với các cộng tác viên tại địa phương, các báo đài….

3.5. Tạo mối gắn kết với ngành du lịch là một vấn đề trong nhiều năm qua các bảo tàng cũng đã hướng đến, tuy nhiên đến nay việc thực hiện vẫn còn bỏ ngõ do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

3.6. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá, tiếp thị đã được lãnh đạo bảo tàng quan tâm và tạo điều kiện. Tuy nhiên cần nghiên cứu và đề ra những yêu cầu cao hơn, học hỏi thêm từ bạn bè, đồng nghiệp trong nước và quốc tế để áp dụng vào thực tế bảo tàng nhằm tạo bước đột phá, thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều của công chúng đến với bảo tàng.

Kết luận

Trong xu thế hiện nay, các hoạt động tuyên truyền quảng bá nhằm giới thiệu rộng rãi thông tin của bảo tàng đến với công chúng là điều tất yếu. Nhu cầu và thị hiếu hưởng thụ văn hóa của công chúng ngày càng nâng cao bắt buộc các bảo tàng phải đa dạng các sản phẩm văn hóa, sản phẩm bảo tàng để kịp đáp ứng và không lạc hậu với các nhu cầu chính đáng ấy.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 9 năm 2016

Nguyễn Thị Thu Hồng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2010), Việt Nam văn hóa sử cương (tái bản), Nxb. Văn học, Hà Nội.

2. Bảo Tàng Cách Mạng Việt Nam (1996), Sự nghiệp bảo tàng- những vấn đề cấp thiết (tập 1+2), Nxb. Lao động, Hà Nội

3. Bảo Tàng Cách Mạng Việt Nam (1997), Sự nghiệp bảo tàng- những vấn đề cấp thiết (tập 3), Nxb. Lao động, Hà Nội

4. Bảo Tàng Phụ Nữ Nam Bộ (2010)(chủ biên), Bảo Tàng Phụ Nữ Nam Bộ- 25 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Văn hóa Thông tin, TPHCM

5. Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh (2013), Nam Bộ- Đất và Người (tập IX), Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM

6. Đào Duy Kỳ (1967), Tìm hiểu khoa học Bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam xuất bản, Hà Nội.

7. Nguyễn Kim Loan (chủ biên) (2014), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

8. Nguyễn Thịnh (2004), Quản lý Bảo tàng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội

9. Ngô Đức Thịnh (2010) (Chủ biên), Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

10. Nghị quyết hội nghị lần thứ năm ban chấp hành trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

11. Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành(2003), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội

12. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật di sản văn hóa(2009), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội