THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI ĐỂ GIẢM MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH

Ngày Quốc tế Trẻ em gái (International Day of the Girl Child) được tổ chức vào ngày 11 tháng 10 hàng năm được thống nhất trên toàn cầu bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2011 nhằm thúc đẩy quyền và lợi ích của trẻ em gái trên toàn thế giới. Thay vì hướng đến toàn phái nữ như ngày 8/3, ngày 11/10 tập trung chủ yếu vào các bé gái dưới độ tuổi vị thành niên. Theo đó, việc đấu tranh hay tìm ra giải pháp phá vỡ vòng luẩn quẩn về việc phân biệt đối xử, cũng như bạo lực với phụ nữ, đồng thời khuyến khích và bảo vệ một cách trọn vẹn thiên chức nhân quyền được Liên Hợp Quốc khẳng định là cần đầu tư ngay vào chính các bé gái.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012, Ngày Quốc tế Trẻ em gái hàng năm nhằm tập trung sự chú ý của cộng đồng thế giới vào nhu cầu giải quyết những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt, thúc đẩy trao quyền cho trẻ em gái và việc thực hiện các quyền con người của các em. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây tác động mạnh tới toàn thế giới và thậm chí kéo lùi nhiều năm nỗ lực trong cuộc chiến chống bất bình đẳng giới toàn cầu.

Không đơn giản chỉ là một ngày kỷ niệm, Ngày Quốc tế Trẻ em gái ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn … Ngày lễ này nhấn mạnh thực tế cuộc sống của các bé gái trên toàn cầu và những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt. Không phải tất cả các trẻ em gái trên toàn thế giới đều phải đối mặt với tất cả những thách thức này. Song hầu hết các trẻ em gái sẽ gặp phải ít nhất một trong số chúng.

Mặc dù có đến một nửa dân số là phụ nữ trên thế giới, nhưng sự bất bình đẳng giới khiến phụ nữ thường bị phân biệt đối xử trên toàn cầu. Trẻ em gái thường phải đối mặt với sự kì thị vì tuổi tác và giới tính. Ở các nước đang phát triển, cứ 1 trong 3 trẻ em gái phải kết hôn trước 18 tuổi, khiến họ bị tước mất cơ hội học tập, phát triển sự nghiệp và bị bạo lực cả về thể xác và tinh thần… Ở nhiều nơi trên thế giới, bé gái có thể sẽ phải đối mặt với rào cản trong giáo dục. Có khoảng 62 triệu trẻ em gái không được đi học và tỉ lệ trẻ em gái tốt nghiệp tiểu học thấp hơn trẻ trai đến 33%; 83% nhân công làm việc nhà là là phụ nữ và trẻ em gái … Trong thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế, có khoảng 88 triệu lao động trẻ em trên thế giới là các bé gái. Các em phải làm việc trong môi trường kém an toàn, nhận đồng lương rẻ mạt và bị đối xử bất bình đẳng giới.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái mỗi năm đều được Liên Hợp Quốc chọn cho một chủ đề riêng. Chủ đề năm 2021 là “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nhấn mạnh: cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái. Mặt khác, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình. Từ đó, thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái, từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái; đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ.

Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai.

Bằng việc công nhận ngày 11/10 hằng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, thế giới đang chứng minh sự thật rằng làm con gái không hề là việc dễ dàng và trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn và một tương lai tươi đẹp hơn.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Liên Hiệp Quốc tiếp tục kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần đưa ra các giải pháp, trong đó có giải pháp “Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái”, bởi vì đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, các cộng đồng và quốc gia trên thế giới. Trong đó phụ nữ và trẻ em gái là 2 nhóm đối tượng gánh chịu nhiều thiệt thòi, hệ lụy về sức khỏe, tinh thần; các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân bị gián đoạn…

Một xã hội phát triển và nhân văn là một xã hội mà ở đó phụ nữ có thể có đầy đủ thông tin để đưa ra lựa chọn của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tinh thần, đặc biệt khi họ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho các lựa chọn của mình. Một người phụ nữ khi làm chủ được cơ thể của mình thì đồng thời cũng sẽ đạt được tiến bộ trong học tập, sức khỏe, thu nhập và an toàn. Người phụ nữ cũng như gia đình của mình sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay, chúng ta cùng tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em gái, cùng đấu tranh chống lại những khó khăn, bạo lực và tội phạm mà các em hàng ngày phải đối mặt để các em có một cuộc sống vui tươi, khỏe mạnh và tự chủ.

Liên Hiệp Quốc hy vọng rằng Ngày Quốc tế của Trẻ em gái sẽ mang đến những kết quả tích cực. “Sự đầu tư vào việc duy trì các quyền của trẻ em gái ngày hôm nay hứa hẹn một tương lai công bằng và thịnh vượng hơn, khi mà một nửa nhân loại trở thành đối tác bình đẳng trong việc giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, xung đột chính trị, phát triển kinh tế, phòng chống dịch bệnh và tăng tính bền vững toàn cầu”.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 10 năm 2021

Hồ Ngọc Phương

Phòng Truyền thông-Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu tuyên truyền của HLHPN Việt Nam về ngày Quốc tế của Trẻ em gái T10/2021

2. Báo Khoahoc.tv ngày 03/04/2021

3. ĐNRTV.com ngày 11/10/2021 4. Báo Bình Thuận online ngày 05/10/2020