TẾT NGUYÊN ĐÁN – TẾT ĐOÀN VIÊN, SUM VẦY

alt

Tết Nguyên Đán biểu hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh. Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết – do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông – có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính.

Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời… người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.

altNgay từ những “ngày trong năm” người ta đã sửa soạn đón tết rất chu đáo, cả vật chất lẫn tinh thần. Mọi sản vật, nhất là nông sản như lúa, nếp, trái cây, heo gà… nhà nông đều tính toán cho kịp thời, kịp tiết để hễ đến Tết thì có thức ngon và tươi hầu chưng cúng và thết đãi. Các bà, các chị thì thi thố khéo tay, tài làm bếp qua các loại bánh, mứt đủ loại. Nhà cửa cũng được lau dọn, sơn phết, tổng vệ sinh cả mùng, mền, chiếu, gối và may sắm thêm áo quần mới. Lư hương, chân đèn trên bàn thờ cũng được chùi bóng sáng choang.

Đối với người Việt Nam, đoàn tụ trong ngày Tết là vấn đề rất thiêng liêng và được đề cao. Ngoài sợi dây ràng buộc tình cảm vô hình, có lẽ còn do hoàn cảnh xã hội kinh tế mà mọi người phải đi làm ăn xa…Xa nhà đã lâu nhưng mỗi lần tết đến cũng về quê hương để gặp lại người thân, thăm viếng mồ mả ông bà, vấn an cha mẹ. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.

Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, bệnh nhân với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri…

Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất.

Các món ăn truyền thống trong dịp Tết phải kể đến trong mỗi gia đình người Việt như:altalt

– Bánh chưng hay bánh tét: là món ăn quen thuộc và không thể thiếu được trong ngày Tết, khi tới bất kỳ gia đình nào. Là loại bánh được kết hợp độc đáo từ các nguyên liệu của gạo nếp dẻo, đậu xanh, thịt mỡ béo ngậy và vị cay nhẹ của hạt tiêu.

– Dưa món củ kiệu hay dưa hành dùng để ăn kèm với bánh chưng, bánh tét

alt

– Thịt kho nước dừa

alt

– Canh khổ qua nhồi thịt

alt

– Gà luộc: những món ăn truyền thống ngày Tết không thể thiếu được thịt gà luộc. Con gà luộc vàng ruộm được bày lên mâm cỗ để thắp hương tổ tiên, khi thưởng thức thì chặt miếng ăn kèm muối tiêu chanh, xé phay trộn gỏi hay nấu chung với miếng tùy theo mỗi gia đình

alt

Từ đây cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết. Để sau Tết Nguyên Đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai.

Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.

Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc.

Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng để ăn Tết…

Tết đến xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Bên cạnh đó là khao khát sự trường tồn cuộc sống, sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân, sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết Nguyên đán còn là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 02 năm 2021

Trần Thanh Tú

Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày

ÂÂÂ