TẾT ĐOAN NGỌ TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN TÂY NAM BỘ

“Tháng tư đong đậu nấu chè

Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”.

Mùng 5 tháng 5 Tết Đoan Ngọ, rộn ràng khắp miền Tây Nam Bộ thể hiện nếp sống thuận hòa với tự nhiên ước mong mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no sung túc và thật nồng ấm trong tâm thức người dân Phương Nam. Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ tập tục, văn hóa nông nghiệp.

Truyện xưa kể lại rằng, sau khi thu hoạch vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến ăn mất cây trái, lương thực vừa mới thu hoạch. Mọi người rất buồn bã không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên lúc này có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông bèn chỉ cho người dân mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Người dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ lũ lượt té ngã xuống, lớp thì bỏ đi mất. Đôi Truân còn bảo người dân thêm: sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, đây là thời điểm giao mùa nắng nóng kéo dài, sâu bọ dịch bệnh phát triển mạnh. Nên mỗi năm cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Để tưởng nhớ việc Đôi Truân đã dạy cách diệt trừ sâu bọ, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan Ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ (Đoan là mở đầu, Ngọ là giữa trưa) là bắt đầu giữa trưa. Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm.

Còn đối với người dân Tây Nam Bộ, vào những ngày này tiết trời oi ả nóng nực, nhiều bệnh tật phát sinh phát triển, nhất là bệnh dịch. Người ta cho rằng, trong cơ thể con người cũng giống như cây cối hoa màu cũng tiềm ẩn những loại côn trùng sâu bọ theo nghĩa khác. Cho nên người dân có thói quen phòng bệnh vào thời điểm giao mùa bằng cách ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là những thức ăn làm từ nếp mục đích để loại bỏ các loại ký sinh trong bộ phận tiêu hóa của con người. Nếp quen thành lệ, cứ vào mùng 5 tháng 5 thì nhà nhà quây quần bên nhau để chuẩn bị mâm cúng ông bà tổ tiên, thổ thần, đất đai viên trạch để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây lành trái ngọt, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, yên vui. Lễ vật càng sung túc đủ đầy, càng cho thấy gia đình làm ăn thuận lợi, ấm no. Thông thường lễ vật thường là đặc sản miền sông nước, mang đặt trưng riêng của khu vực Tây Nam Bộ.

Ngày Tết Đoan Ngọ, ông cha ta thời xưa thường làm mâm cơm canh, bánh trái, chè xôi, trà rượu dâng cúng ông bà tổ tiên, thổ thần, đất đai viên trạch để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây lành trái ngọt, nhà nhà yên vui. Ngoài sắm lễ vật, hoa quả, bánh trái… thì tùy địa phương và mỗi gia đình bày trí sản vật theo mùa, nhưng món ăn chính không thể thiếu là: bánh ú nước tro, bánh xèo, vịt, cơm rượu…những đặc sản của vùng chuyên nông nghiệp.

Thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ. Theo triết lý của người dân, vào ngày Tết Đoan Ngọ, dương khí mạnh nên ăn thịt vịt có tính hàn, giải nóng, làm mát cơ thể. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Theo quan niệm xưa, bánh ú nước tro với đặc tính của các nguyên liệu làm bánh từ nếp, đậu và nước tro sẽ có tác dụng dễ tiêu, giải nhiệt, tiêu độc. Bánh sau khi nấu chín, sẽ dẻo dai, mềm, khi ăn cảm nhận được cảm giác mát lạnh. Khi là nếp được ngâm nước tro nên bánh có màu cánh dán cực kỳ bắt mắt.

Ảnh Bánh ú nếp tro[1]

Ở miền Tây Nam Bộ, món cơm rượu không để hạt nếp rời rạc mà vò thành viên, ủ cho lên men dậy mùi khi ăn sẽ có vị ngọt. Cơm rượu hội tụ ngũ vị có thể làm cho các loại “sâu bọ” ký sinh trong cơ thể người “say rượu” mà chết đi.

Món cơm rượu trong ngày Tết Đoan Ngọ.  Ảnh sưu tầm

Nhất thiết phải có bánh xèo trong Tết Đoan Ngọ vì khi làm sẽ có nhiều người, bánh xèo càng thêm đậm đà, cái thú của món bánh này là vừa ăn vừa có thể rôm rã chuyện trò để chờ đợi những chiếc bánh mới sắp ra đĩa. Bánh xèo quê giòn rụm ăn cùng với các loại rau vườn như: lá cách, lá chùm ruột, lá xoài non, đinh lăng… Bánh xèo ở miền Tây Nam Bộ thì lại khác so với miền Trung, to hơn bởi người dân ở đây phóng khoáng, ẩn đằng sau là câu chuyện khai khẩn vùng đất mới của người dân khi đến vùng đất mới, với những tập tục văn hóa ẩm thực, lễ nghi và tình cảm gia đình gắn bó với nhau.

Bánh xèo trong Tết Đoan Ngọ. Ảnh sưu tầm

Trong ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch thì còn có các tập tục như: tục treo bó lá ngải, tục ăn cơm rượu, tục nhuộm móng tay, tục chặt cây, tục buộc chỉ cổ tay[2]… ngày nay các tập tục được sơ giảm đi bớt. Đối với người dân Tây Nam Bộ tục treo bó lá với các hương liệu, làm cho các loại côn trùng, sâu bọ tránh xa. Bó hương liệu sẽ được treo trên trần nhà với các loại thảo dược như lá bạch đàn, lá sả, lá quế, đinh lăng…

Tục treo bó lá xua đuổi côn trùng sâu bọ. Ảnh sưu tầm

Ngày Tết Đoan Ngọ không chỉ là gắn với sự tuần hoàn của thời tiết trong năm mà còn là nét đẹp văn hóa dân tộc, độc đáo, thể hiện tấm lòng tri ân nguồn cội sự trân trọng và gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp, bắt nguồn từ xa xưa cho đến hôm nay tập tục này vẫn được lưu giữ. Có thể nói tất cả những hình thức tổ chức Tết Đoan Ngọ xưa và nay không những phục vụ cho nhu cầu ăn uống vui chơi giải trí mà còn tác động đến cách ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên là sợi dây kết nối các thế hệ trong gia đình và thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Tết Đoan Ngọ còn nhắc nhở mọi người luôn nhớ về quê hương, nguồn cội. Tết Đoan Ngọ còn góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa đặc thù trong kho tàng phong tục lễ hội của dân tộc Việt Nam.

  1. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 6 năm 2023

Tiêu Văn Dể

Phòng Truyền Thông – Giáo Dục và Quan Hệ Quốc Tế


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan Kế Bính (2003), Việt Nam phong tục, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  2. https://tinhte.vn/thread/mung-5-5-tet-doan-ngo-va-nguon-goc-cai-banh-u.3152244/
  3. https://tuoitre.vn/ong-doi-truan-lien-quan-gi-voi-nguon-goc-tet-doan-ngo-giet-sau-bo

[1] https://laodong.vn/xa-hoi/tet-doan-ngo-ve-tham-lang-nghe-banh-trang-trao-trao-hon-tram-nam-tuoi-814956.ldo

[2] Sách Hà Nội địa dư-mục phong tục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *