TĂNG CƯỜNG SỰ THẤU HIỂU CỦA CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI TRONG THỜI ĐẠI 4.0

TĂNG CƯỜNG SỰ THẤU HIỂU CỦA CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI TRONG THỜI ĐẠI 4.0

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 ngày càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập… Thời đại 4.0 khiến những đứa trẻ ngày một gắn chặt với công nghệ, với thế giới ảo của riêng mình. Công nghệ giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, chúng ta dễ dàng kết nối với mọi người trên thế giới. Thế nhưng, sự hiện đại này lại chính là nguyên nhân lớn khiến những đứa trẻ trở nên “vô tâm” với chính gia đình của mình. Bài viết này với mong muốn xoả bỏ khoảng cách giữa hai thế hệ tạo nên sự gắn bó và thấu hiểu giữa cha mẹ đối với con cái, góp phần vun đắp và xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững.

Ngày nay, trẻ em được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nhiều, hiểu biết và đa cảm hơn. Do đó, cha mẹ cần giúp con cái tin tưởng và khai thác các tiềm năng, làm chủ cuộc sống bằng các sáng tạo và khám phá. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để hiểu con cái mình như thử nghe nhạc chúng thích, xem chương trình Ti-vi chúng đam mê, đọc sách báo tuổi mới lớn, xem các blog tuổi trẻ,… cha mẹ dần dần sẽ hiểu được sự khác biệt với con cái. Nhờ đó, những cái “chẳng thể hiểu nổi” và “phức tạp” của tuổi teen sẽ được cha mẹ hiểu và thông cảm. Do đó, cha mẹ hãy dành quỹ thời gian cần thiết mỗi ngày để nô đùa và trò chuyện với con cái, rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa hai thế hệ. Bằng cách này cha mẹ có thể sẽ tăng cường sự cảm thông thế hệ.

Tuổi trẻ ngày nay thích tự do, thoải mái và tự chủ hơn. Môi trường sống, đối tượng giao lưu…là những điều mà các bậc cha mẹ quan tâm, định hướng cho con cái chọn lựa, để con cái thoát ra được sự tiêu cực trong cuộc sống, có hướng đi tích cực và phát triển bản thân hơn.

Trong tình huống con cái không vâng lời, không làm theo lời khuyên của cha mẹ, dù rất tức giận nhưng cha mẹ không nên thể hiện sự thất vọng và giận dữ lên con cái bằng các hình thức đánh đòn, quát mắng, hăm doạ, buộc con cái phải nghe lời, điều đó càng làm con trở nên ương bướng và lì lợm. Không kiểm soát được cảm xúc sẽ làm cha mẹ mất bình tĩnh và sẽ dẫn đến sai lầm, sự việc có thể dẫn đến tình huống tệ hơn. Càng dùng vũ lực, buông lời trách cứ nhiều chừng nào thì cha mẹ tạo thêm hố sâu ngăn cách với con cái nhiều chừng ấy. Do vậy, cha mẹ nên bằng mọi cách tạo bầu không khí hợp tác để con cái hiểu được cha mẹ và nổ lực thích ứng, ứng xử tốt đẹp và tích cực. Cha mẹ hãy khéo léo đưa ra lời cảnh báo, đồng thời chỉ dẫn con một cách nhẹ nhàng thực tế, nhằm thúc đẩy con hành động mang lại hiệu quả tích cực, luôn thể hiện tinh thần vui vẻ, cảm thông vốn sẽ khiến trẻ dễ dàng lắng nghe cha mẹ hơn.

Thay vì ép buộc con cái làm những việc chúng không đam mê hay ưa thích, làm cha mẹ nên hướng dẫn nhằm giúp đỡ con cái phát huy khả năng và trí sáng tạo về các lĩnh vực sở trường và yêu thích. Không biết được tiềm năng và khả năng của con cái, càng ép càng làm cho con cái khổ đau. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến con cái khi cần thiết.

Ngoài ra, cần thể hiện sự yêu thương với con cái là điều không thể thiếu, cách đơn giản là sự chăm sóc và nói lời yêu thương, con cái sẽ vững mạnh trong nghịch cảnh và nhận ra cha mẹ là điểm tựa tinh thần cho con cái. Thay vì tức giận làm cho bản thân khổ đau, cha mẹ nên thông cảm và thể hiện tình yêu thương nhiều hơn, không từ bỏ trách nhiệm làm cha mẹ, nổ lực giúp đỡ con cái vượt qua cá tính khác biệt, trở thành nhân cách tốt có giá trị trong hiện tại và tương lai. Dạy con biết ơn gia đình là điều bắt buộc bởi khi con biết trân trọng công lao của cha mẹ, con sẽ biết sống nhẫn nại, lễ phép. Từ đó, khả năng tự lập của con được đánh thức, con biết gánh vác cho gia đình và tự thân trên con đường tương lai của mình. ​

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 6 năm 2020

Huỳnh Thị Kim Loan

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế