TA CHƯA KỊP NÓI LỜI ĐỀN ƠN MẸ…

Sau hiệp định Genève, chính quyền Diệm tập trung đánh phá phong trào cách mạng ở Bến tre rất khốc liệt. Ngày 17.4.1969, bọn công an Ngô Quyền đến bao vây nhà má Kế ở cồn Ốc, lùng sục khắp nơi vẫn không tìm ra hầm bí mật, bèn đánh đập, bắt má phải chỉ hầm. Trước trận mưa đòn trút lên xối xả thân hình gầy yếu, má Kế lấy hết sức mình, gượng ngồi dậy, đưa tay chỉ vào ngực mình nói: “Chồng con tao là ở trong tim tao đây, chúng bay cứ mổ ra mà kiếm”. Địch bầm gan tím ruột chở má về ty công an tỉnh Bến Tre, tiếp tục khai thác nhưng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; mọi phương tiện, dụng cụ tra tấn tối tân để khai thác má đều thất bại. Đến ngày thứ 3 sau khi bị bắt, má Kế trút hơi thở cuối cùng.

Tượng đài bà mẹ dang cánh tay, lấy thân mình che chở cho những người con trước mũi súng quân thù được dựng lên trang trọng ngay giữa quảng trường thành phố Đà Nẳng. Đó là bà mẹ Nhu nơi căn cứ lõm cửa biển, tần tảo nuôi con lên đến đại học, đưa con mình đến với cách mạng.  Mẹ đào hầm cho các biệt động thành đánh giặc. Mẹ chắt chiu từng con cá, con tôm đổi lương thực nuôi các chiến sĩ dưới hầm. Mẹ còn đi điều tra, thu thập tin tức, làm giao liên cho biệt động. Bị chỉ điểm, địch kéo đến vây ráp. Mẹ Nhu bị trói, bị đánh đập rất tàn nhẫn nhưng mẹ kiên quyết không chỉ hầm bí mật. Từ dưới hầm, các chiến sĩ biệt động nghe rất rõ lời cuối cùng của mẹ: “Hầm ở trong tim tao”. Mẹ Nhu hy sinh trong tư thế khom lưng ôm những đứa con vào lòng.

Đất Nam bộ thành đồng có nhiều bà mẹ bản thân là anh hùng, vừa là bà mẹ Việt Nam anh hùng, vừa là liệt sĩ. Trong những bà mẹ anh hùng ấy, thật tiêu biểu tấm gương chiến đấu dũng cảm, gan dạ của Bà Đoàn Thị Nghiệp. Đó là một tỉnh đội phó có những thành tích lẫy lừng trong chiến đấu, một anh hùng quân đội, một người chỉ huy  luôn đi đầu trước những cuộc tấn công. Trong một trận chiến đấu ở bót Cẩm Sơn, 4 chiến sĩ của ta hy sinh. Dưới tầm lửa đạn, đồng đội không mang được xác tử sĩ trở về. Địch chôn anh em trong một cái hố ngoài rào bót không xa, lấy cây gài những xác chết không cho nổi lên mặt nước. Lòng bà đau như xát muối, hạ quyết tâm dù bất cứ giá nào cũng phải mang hài cốt đồng đội về an táng. Bà cắt một tiểu đội luồn lách qua dòng kênh, lẫn vào đêm tối lần ra bót Cẩm Sơn. Mùi tử thi và bẫy rập kẻ thù giăng sẵn. Từ trong bót, địch có thể nổ súng ra ngoài bất cứ lúc nào. Bà men theo dòng kênh, nhẹ nhàng trườn xuống hố chôn người, lặn xuống nước đội lên từng xác chết rồi bò theo dòng kênh đến một chiếc xuồng nghi trang. Nhẫn nại, can đảm, kiên trì; bà đưa được xác 4 đồng đội về nơi an toàn. Nhưng người phụ nữ giỏi giang ấy không bảo vệ được chính những đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Hai con trai của bà hy sinh ở tuổi còn rất trẻ. Căm thù giặc cao độ, khi bị vây bủa, bà đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…

Má Ba Thở ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh kiên trì, bí mật đào hầm nuôi du kích xã. Khi địch đem mìn đến gần cửa hầm để giật, bất chấp hiểm nguy, má kêu lên: “Các con xông lên diệt giặc”. Hai chiến sĩ bung lên ném lựu đạn làm 2 tên giặc bị chết, các anh thoát được ra ngoài, má anh dũng hy sinh. Địch đốt nhà khiến con gái má là Lê Thị Trừ cùng hai du kích hy sinh trong hầm. Tinh thần chiến đấu, dũng cảm hy sinh của má Ba Thở và chị Trừ để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng dân quân Gia Lộc.

Từ địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau, đi bất cứ nơi đâu, tôi cũng tìm được những câu chuyện cảm động về những bà mẹ. Bà Nguyễn Thị Mười ở Vĩnh Lợi, Bạc Liêu chặn cửa, giằng co không cho địch vào nhà kiểm soát. Nhờ vậy, cán bộ trong nhà chạy thoát, bà bị địch bắn chết. Mẹ Đỗ Thị Phúc (Mẹ Gấm) ở Nam Thái Sơn, Rạch giá đã chắt chiu từng lon gạo, mắm muối nuôi cán bộ, du kích. Bà lần lượt đưa hết  các con cháu lên đường tòng quân giết giặc. Bà mẹ ấy còn đi đầu trong các cuộc đấu tranh trực diện với địch. Bà đã từng lấy thân mình che miệng hầm, không cho địch ném lựu đạn vào giết hại các chiến sĩ cách mạng. Mẹ đã dẫn đầu 40 cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân với địch. Đó cũng là người mẹ ngồi ngay trước mũi xe tăng, ngăn không cho địch ủi phá xóm làng. Ở Bình Định, trong lúc các chiến sĩ bị vây, có người mẹ đã vắt sữa mình nuôi thương binh nặng. Bà mẹ của anh hùng không quân Nguyễn Hồng Nhị khi sa vào tay giặc đã dũng cảm chịu đựng nhục hình tra tấn, sẵn sàng cho địch thả xuống giếng, thà hy sinh bản thân mình, quyết bảo toàn bí mật cách mạng.

Có nơi nào trên thế giới trong một gia đình có 3 thế hệ nối tiếp nhau là bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó là những người phụ nữ trong gia tộc Võ Văn Tần ở Đức Hòa, Long An đã sinh ra hai Trung ương ủy viên Đảng. Bà Võ Thị Thung từng đi đầu các cuộc đấu tranh chống thuế, đòi dân sinh dân chủ thời chống Pháp. Bà Võ Thị Thung tham gia kháng chiến chống Pháp, hy sinh, để lại người con trai duy nhất là Phạm Công Khanh. Nối tiếp chí mẹ, Công Khanh tham gia đánh Mỹ, hy sinh. Khi nhảy xuống giếng bảo toàn khí tiết, mẹ Võ Thị Thung đâu nghĩ có một ngày mình được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.

Một lần đến thăm Bảo tàng Hóc Môn, vẻ đẹp của bà mẹ VNAH Hà Thị Tháng trong bức di ảnh với mái tóc búi cao, áo dài cao cổ, dáng ngồi đường bệ, sang trọng trên chiếc ghế cổ đã níu chân tôi lại. Sợ mình nhầm, tôi đọc lại dòng chú thích: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Tháng- Giao liên, bảo vệ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, hy sinh ở Cầu Lớn”. Những dòng chú thích ngắn gọn dưới bức chân dung của một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp ấy  thôi thúc nhiều thế hệ tuổi trẻ thành phố Sài Gòn hành hương về xã anh hùng Bà Điểm. Quê hương 18 thôn vườn trầu còn có bà mẹ VNAH Võ Thị Hồi, một bà mẹ bám đất giữ vườn, đào hầm nuôi cán bộ, vào tù ra khám, cống hiến 4 người con cho Tổ quốc quyết sinh.

Còn có biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng không kịp về thăm thành phố. Trong số đó, có cả những bà mẹ đã ngã xuống trong các cuộc đấu tranh chính trị trực diện với quân thù, trên đường giao liên, trong những nhà tù khét tiếng của Mỹ ngụy, trên đường hành quân, trong các trận đánh, cả những bà mẹ đã được sống đến ngày hòa bình thống nhất, nhưng những năm đất nước còn khó khăn, Nhà nước chưa kịp ban hành pháp lệnh phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Tôi không sao quên được đôi mắt đượm buồn, xa vắng của bà mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Rộng- một bà mẹ có 4 người con hy sinh, góp phần đào hàng chục căn hầm bí mật nơi cánh rừng sau nhà, cắn răng không nhận xác con trước mặt kẻ thù để bảo toàn bí mật cho các chiến sĩ. Năm ấy, mẹ không nói về hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của mình, chỉ nhắc: “Mấy đứa hồi đó má nuôi bây giờ không biết sống chết ra sao mà không thấy về thăm. Má chỉ mong chúng nó vì bận rộn nên không về thăm má! Má mong tụi nó còn sống…”. Nay má đâu còn để những người con từng được má che chở dưới những căn hầm bí mật năm nào viếng thăm, báo hiếu. Tôi thấy mình mãi mắc nợ những giọt nước mắt đọng trên gương mặt đầy những nếp nhăn của má Hai ở vành đai diệt Mỹ Bình Đức, Mỹ Tho năm xưa. Sự hy sinh của chị Bé Sáu- Trung đội trưởng trung đội nữ pháo binh, đứa con má yêu nhất, cưng nhất trong bốn đứa con hy sinh là một tổn thất không gì bù đắp nổi cho má. Hơn 10 năm trước đến thăm, nhìn ngôi nhà rách nát, xiêu vẹo, trống hoác của má, nhìn gian bếp đen đặc bồ hóng, những chiếc nồi méo mó, sứt vỡ đặt trên “ba ông táo” tôi chạnh lòng thầm nghĩ: “Nếu còn sống, chị Bé Sáu sẽ xây lại ngôi nhà xinh xắn, khang trang hơn; má sẽ bớt buồn hơn”. Nỗi đơn côi của má bên túp lều rách nát mà tôi ghi lại được bằng kỹ năng của người mới chụp ảnh đã lay động nhiều tấm lòng nhân ái. Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1993, Báo Công An TP.HCM đã quyên góp anh chị em cơ quan tặng cho má Sáu số tiền 5 triệu đồng. Báo Công An giờ giàu hơn, thực hiện nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa quy mô, rộng khắp hơn nhưng nay thì má Hai đã không còn…

Khi đang viết những dòng này thì tôi nhận được điện thoại của Trung tá Minh Thu-Trưởng ban công tác nữ Công An TP.HCM. Chị hỏi tôi có biết chị đang ở đâu không rồi nghẹn ngào nói: “Tôi đang ở An Giang, mẹ Sâm mất rồi. Tôi đang đọc bài báo của Trầm Hương viết về mẹ đây…”. Tôi lặng người, không tin mới tháng 4 năm ngoái, tôi đã đến mừng mẹ có ngôi nhà mới ở tầng trệt một chung cư đường Lý Thường Kiệt. Để mẹ có được ngôi nhà ấy, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà báo Hoàng Nam Sơn có tác động rất tích cực đến UBND thành phố. Tôi chợt nhớ buổi tọa đàm truyện ký “Mẹ”  được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và báo Văn Nghệ  tổ chức trang trọng năm 2003 có những nhân chứng từ trang sách bước ra cuộc đời. Câu chuyện kể của bà mẹ nào cũng vô cùng cảm động, làm rơi nước mắt bao người đến dự. Bà mẹ Việt nam Anh hùng Nguyễn Thị Sâm đến từ Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè không phải là nhân vật từ trang sách nhưng câu chuyện về cuộc đời đầy ắp nước mắt, đau thương, mất mát; những huân huy chương cao quý mà mẹ nhận được và nỗi bất công ghê gớm mà mẹ đã chịu đựng làm mọi người sững sờ, kinh ngạc. Hôm ấy, cả hội trường lặng đi khi nghe mẹ bày tỏ uẩn khúc “đã hơn 40 năm tôi viết đơn “đòi” lại nhà mà vẫn bắt vô âm tín. Từ chuyện kể của mẹ, tôi đến Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, mới hiểu thêm cuộc đời với những chiến công nghe kể như huyền thoại, đầy ly kỳ, sâu thẳm của mẹ. Đó là một bà mẹ trong một gia đình ba thế hệ đều là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chồng bị quân Pháp giết, quăng xác xuống sông  khi đó Mẹ đang mang thai, vừa tìm được xác chồng đem chôn, mẹ đã bị bắt vào tù, chịu đựng những trận đòn tra tấn dã man. Cho đến gần ngày sinh mẹ mới được thả ra nhưng mẹ vô cùng đau đớn vì hai bầu vú bị địch dí điện, kẹp nát không còn sữa cho con. Mỹ Duyên, con gái mẹ lớn lên, đang là nữ sinh trường Gia Long, tham gia phong trào học sinh sinh viên, bị lộ, thoát ly ra vùng giải phóng. Mậu Thân 1968, trong trận đánh vào Long Bình, Mỹ Duyên hy sinh, cùng bị địch vùi trong ngôi mộ tập thể 400 chiến sĩ quân giải phóng. Đó là người mẹ xuất thân trong một gia đình hằng sản, từng có tàu chở khách Cần Thơ-Châu Đốc; từng có xe du lịch, xe tải chở khách và lương thực hàng hóa và có nhiều đóng góp cho cách mạng. Trong vai trò “bà chủ”, mẹ đã mưu trí, dũng cảm cứu được hai chỉ huy Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ thoát khỏi sự khủng bố của những tên cướp đường sông khét tiếng lúc bấy giờ. Gia đình mẹ qua nhiều thế hệ, bản thân mẹ đã cống hiến cho Tổ quốc không chỉ tài sản mà cả chồng, con nhưng sao mẹ chịu nổi bất công quá lớn. Tôi chân thành hỏi, mẹ nói về hoàn cảnh trái khoáy của mẹ do chiến tranh mang lại. Ngày hòa bình, ngôi nhà mẹ ở đường Lý Thường Kiệt bị bộ đội trưng dụng, rồi sau đó, được phân cho cán bộ bởi Ban quân quản lúc đó nghĩ là nhà vô chủ, nào ngờ sau khi thoát khỏi nhà tù Mỹ ngụy, mẹ vật lộn với bệnh tật, được đưa đi chữa bệnh thời gian khá dài. Ngày về, thấy nhà mình đã thay chủ. Mẹ viết đơn. Cơ quan nơi mẹ gởi đơn thẩm tra, hứa xem xét rồi rơi vào im lặng. Đợi mãi, không nhà, mẹ phải đưa mẹ chồng, cô chồng và đứa cháu nuôi nhỏ dại đi vùng kinh tế mới. Tuổi tác cao, bệnh tim hành hạ, không trụ nổi vùng đất phèn khô cháy, mẹ về thành phố, gặp người thủ trưởng cũ năm xưa là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ. Ông viết giấy giới thiệu đưa mẹ vào Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, giải quyết việc ăn, ở trước mắt rồi tính cách xin lại nhà sau. Mẹ chờ đợi, chờ đợi đằng đẳng mấy mươi năm, hàng chục lần gõ cửa các cơ quan công quyền giúp mẹ đòi lại nhà nhưng năm tháng cứ trôi qua… Hôm ấy gặp tôi, mẹ nghẹn ngào nói: “Cha mẹ tôi đều là người có công với cách mạng nhưng dưới suối vàng vẫn không yên khi đến nay, tôi vẫn chưa có được một nơi tử tế để thờ cúng tổ tiên, trong khi tôi là đứa con gái duy nhất của gia đình. Tôi không xin mà chỉ mong được trả lại lẽ công bằng. Tôi còn giữ sơ đồ nhà, giữ giấy tờ của Sở Lao động TBXH đề nghị trả lại nhà cho tôi. Nay tôi đã 80 tuổi rồi…”. Vì nỗi bức xúc của một bà mẹ VNAH “80 tuổi rồi” mà đêm ấy thôi đã thức suốt đêm viết bài ký “Số phận một người mẹ ngoài trang sách” đăng trên báo Văn nghệ. Có được tờ báo ấy, mẹ có thêm “vũ khí” đấu tranh. Nhà thơ Nguyễn Duy với trái tim đa cảm, thấy chuyện “bất bình chẳng tha” đã cùng nhà báo Hoàng Nam Sơn vào cuộc. Với đôi chân khập khiễng trên chiếc nạng gỗ do di chứng vết thương tai nạn giao thông, anh Nguyễn Duy  ba lần cầm xấp đơn và bài báo in ảnh mẹ gõ mọi cánh cửa từ nguyên Thủ tướng, Chủ tịch Ủy Ban… Anh căn dặn tôi hộ tống mẹ Sâm đến phòng tiếp dân để mẹ được bình tĩnh. Ông Võ Văn Kiệt càng không chịu nổi cảnh “bất bình” này, trực tiếp gặp Chủ tịch Lê Thanh Hải giao việc đền ơn đáp nghĩa… Kết quả là tháng 4.2004, mẹ Sâm mời tôi đến mừng mẹ được thành phố bố trí căn hộ tầng trệt chung cư thoáng mát, khang trang. Sau đó ít lâu, mẹ gọi điện cho tôi bày tỏ ý nguyện về An Giang, nơi quê hương chôn nhau cắt rốn sống những ngày cuối đời. Thấy mẹ có nhà mới chúng tôi yên tâm, ít liên lạc với mẹ hơn trước. Nào ngờ, chưa đến lễ kỷ niệm 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ đã ra đi. Nghe tôi báo tin mẹ Sâm đã mất, nhà thơ Nguyễn Duy lặng người, ngậm ngùi nói: “Chúng ta đã đền ơn mẹ quá trễ”.

Gần 40 năm ngày chiến thắng, bên những đóa hoa tươi thắm, những nghi lễ trang trọng, những hoạt động tuyên truyền rầm rộ, tốn kém, xin những người hôm nay hãy dành phút thinh lặng nghĩ đến những người mẹ đã lặng lẽ làm nên những cột mốc rực rỡ lịch sử dân tộc. Mãi đến năm 1994, Quốc hội mới ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Hãy chân thành nhìn nhận, chúng ta không chỉ đền ơn cho những mẹ quá trễ mà còn có bao bà mẹ chúng ta còn chưa kịp đền ơn. Nào đâu chỉ có hơn 40.000 bà mẹ Việt nam anh hùng, đất Nam bộ thành đồng còn có hàng triệu bà mẹ hữu danh lẫn vô danh, với những hy sinh thầm lặng, cao cả cho ngày toàn thắng. Những người mẹ, người chị đã ra đi, không kịp nhìn thấy ngày 30 tháng 4 lịch sử, không kịp nhìn thấy những đổi thay to lớn, những thành tựu của đất nước gần 40 mươi năm. Trong ngày đại lễ, pháo hoa sẽ được bắn lên rực rỡ và phải chăng những linh hồn bất tử đang trở về, sáng bừng ánh hào quang.

                                            Tp.Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 5 năm 2012

                                                                    Trầm Hương