Tổ quốc và các con, gia tài của mẹ

Tôi nhớ năm 2003, khi đi tìm tư liệu cho một chuyên đề lịch sử phụ nữ, đến bệnh viện Thống Nhất, gặp bà Nguyễn Thị Một- nguyên Trưởng Ban Phụ vận, Chánh văn phòng Xứ ủy Nam Bộ. Bà lúc ấy đã lấy bệnh viện làm nhà, nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Bà trao cho chúng tôi quyển hồi ký: “Cuộc đời của mẹ- Gia tài các con”, nói: “Tất cả ở trong này, kể ra biết bao nhiêu cho đủ”.

Tôi nhớ năm 2003, khi đi tìm tư liệu cho một chuyên đề lịch sử phụ nữ, đến bệnh viện Thống Nhất, gặp bà Nguyễn Thị Một- nguyên Trưởng Ban Phụ vận, Chánh văn phòng Xứ ủy Nam Bộ. Bà lúc ấy đã lấy bệnh viện làm nhà, nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Bà trao cho chúng tôi quyển hồi ký: “Cuộc đời của mẹ- Gia tài các con”, nói: “Tất cả ở trong này, kể ra biết bao nhiêu cho đủ”. Tuy quên nhiều chuyện mới diễn ra nhưng bà nhớ rất kỹ, khúc chiết những chuyện cũ. Bà kể thêm cả những chuyện ngoài trang sách. Trong hồi ký, bà bộc bạch: “Tôi không viết sách để in bán, mà vì một cuộc đời hoạt động quá dày. Xuôi tay nhắm mắt cũng tròn trách nhiệm người đảng viên với Đảng. Nhưng viết để lại cho con cháu. Gia đình không có tài sản thừa kế, nhưng còn cuộc đời gắn với lịch sử cách mạng để lại cho con cháu, cho bạn bè, cho những địa phương nơi tôi hoạt động…”

Những trang hồi ký của bà là một gia tài lớn, bởi đó không chỉ nói về cuộc đời bà, mà bà là chứng nhân vừa là người nhập cuộc của gần một thế kỷ- những ngày đầu tiên Đảng mới thành lập, những ngày cách mạng tiến và thoái trào, cho đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bà đã nhập cuộc và chứng kiến với vai trò một quần chúng đứng ngoài Đảng, rồi là người đảng viên mới 15 tuổi, đã sớm hòa nhập vào dòng thác cách mạng; là người mẹ, người vợ, người đồng chí, những ngày đấu tranh trong nhà tù Mỹ ngụy, vượt qua muôn vàn cực hình khốc liệt, những thử thách nghiệt ngã. Nhưng người phụ nữ với vẻ ngoài bình hường, đôn hậu ấy đã vượt qua, đứng vững với sức mạnh gần như phi thường.

Bà Nguyễn Thị Nho (bí danh: Nguyễn Thị Một), sinh năm 1918 tại xã Long Đức Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trong một gia đình nông dân nghèo. Mồ côi cha từ nhỏ, cảnh mẹ góa con côi nhiều nỗi thương tâm. Mẹ cô mong muốn con gái được đi học, trở thành cô giáo. Bà tâm sự: “Nhưng thực tế không cho phép, hoàn cảnh thiếu thốn mỗi năm càng gia tăng, nhất là vào thời kỳ kinh tế khủng hoảng những năm 1930-1931. Tôi học đến lớp nhì, Đốc học trường Cần Giuộc thấy tôi học giỏi và con mồ côi nên cho tôi được một học bổng tại trường Phú Lâm và ở nội trú. Nhưng vì gia đình quá nghèo mẹ tôi không đủ khả năng sắm sửa quần áo, mùng mền theo quy định của trường, nên sau cùng tôi phải nghỉ học”. Năm 1934, dưới sự dìu dắt của chị Nguyễn Thị Bảy (Hoàng hậu đỏ), bà vào Đảng, là Bí thư chi bộ xã Long Đức Đông. Năm 1936, bà hoạt động trong phong trào Đông dương Đại hội tỉnh Tân An. Câu chuyện kể dùng thơ ca, hò vè của chị em vạn cấy chống chủ đất bóc lột được bà thuật lại trong hồi ký vô cùng sinh động. Năm 1938, bà là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh. Năm 1939-1940, bà là cán bộ Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, đảng ủy viên Đảng ủy khu Chợ Lớn. Sau Nam kỳ khởi nghĩa, chồng bà là ông Trương Văn Bang bị địch bắt vào tù, bà lánh lên lên Sài Gòn, vừa nuôi con vừa tìm cách nối lại liên lạc. Năm 1943, bà bắt được liên lạc với ông Trần Văn Giàu, lên Bà Rá thăm chồng, vừa tìm cách thông báo cho tù nhân biết được tình hình bên ngoài. Năm 1945, bà tham gia cướp chính quyền tại Cần Giuộc. Năm 1946-1949, bà là Đoàn trưởng Ban chấp hành phụ nữ Cứu Quốc xã, Đoàn trưởng phụ nữ Cứu Quốc huyện, Thường vụ Quận ủy Cần Giuộc; Ủy viên Ban chấp hành phụ nữ Cứu Quốc Nam Bộ.

80 năm tuổi Đảng, cuộc đời hoạt động cách mạng của bà đúc kết thành bài học vô giá. Phụ nữ làm cách mạng so với nam giới có biết bao khó khăn, như những dòng hồi ký bà đã viết: “Trong kháng chiến, nam giới ít bận tâm đến con cái bằng phụ nữ. Họ chỉ lo công tác, việc gia đình gần như hoàn toàn người vợ phải gánh vác. Nếu bản thân chị em nào không đấu tranh được giữa việc gia đình và việc xã hội thì sẽ bị tụt trở lại, công tác không liên tục, không hoàn thành trách nhiệm được cách mạng giao.Vừa việc nước, vừa việc nhà, nên khi thoát ly tôi phải lo gởi mấy con sao cho ổn. Mỗi lần giặc đi ruồng, mẹ tôi phải cõng con tôi đi trốn. Tình hình căng thẳng quá!. Tôi phải đem đứa con 7 tuổi vào căn cứ gửi cho các anh ở văn phòng của Tiểu đoàn 922 (Bộ đội Cần Giuộc biên chế thành tiểu đoàn), còn đứa nhỏ nhờ mẹ tôi nuôi. Mỗi khi có dịp, về thăm con vài tiếng đồng hồ rồi đi, mỗi lần đi là cả một việc xót xa, bứt rứt, tai vẫn nghe con khóc khi xa mẹ, có khi con đau ốm cũng phó mặc cho gia đình”.

Năm 1951-1954, bà là Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam bộ, Trưởng ban Phụ vận kiêm Hội trưởng Ban chấp hành Phụ nữ Phân liên khu Miền Đông Nam bộ. Những năm tháng công tác ở rừng miền Đông gian khổ được ghi lại đầy cảm động qua những trang hồi ký. Bà là nhân chứng của nạn lụt thế kỷ năm 1952. Chiến trường Miền Đông Nam Bộ bị địch phong tỏa, việc tiếp tế lương thực vô cùng khó khăn. Bà Nguyễn Thị Một nhận nhiệm vụ thoát ly công tác về Chiến khu Đ trong lúc đang mang thai. Đó cũng là rào chắn mà người phụ nữ khi tham gia hoạt động cách mạng phải vượt qua với nghị lực phi thường: “Do nhiều phụ nữ trong cơ quan mang thai, không đi tải gạo xa được và công việc sản xuất có hạn chế, nội bộ đâm ra lủng củng. Các anh thanh niên trong cơ quan coi chúng tôi như gánh nặng. Chị em chúng tôi rất khổ tâm!. Có chị tủi thân muốn trở về gia đình sanh đẻ rồi trở lại công tác. Chúng tôi mang thai lại phải ăn đói, ăn toàn muối và rau, nấu canh bầu canh bí cũng thêm muối. Một hôm, đồng chí Lê Duẩn và một số anh em các tỉnh về hội nghị Khu ủy tại Hội trường khối Dân vận. Các đồng chí xuống gặp chúng tôi ăn cơm trộn khoai với bầu luộc chấm muối rất chua xót. Nắm được tình hình kham khổ của phụ nữ dẫn đến 4 chị sẩy thai, đồng chí triệu tập anh em cơ quan nói: “Phụ nữ có trách nhiệm thiêng liêng là phải sanh đẻ và nuôi con, còn phải gánh vác công việc xã hội. Chúng ta là người cách mạng phải thấy trách nhiệm chăm lo giúp đỡ chị em. Ai xem việc có mặt của phụ nữ trong cơ quan là gánh nặng là thiếu tinh thần của người Cộng sản”. Những lời anh Ba Duẩn xây dựng làm anh chị em chúng tôi rất xúc động…”

Sau nạn lụt lịch sử năm 1952, cơ quan giản chính, áp lực công việc trĩu nặng trên đôi vai của người mẹ mới sinh con ba tháng. Những tài liệu quan trọng, bà phải luôn mang theo bên mình cùng với đứa con. Trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt, lòng người mẹ trải qua những giằng xé dữ dội: “Có đồng chí đề nghị: “Nếu trường hợp bị bao vây chị bỏ cháu bên đường, đừng bồng theo rủi cháu khóc, địch phát hiện, chúng tiêu diệt cả trung đội chúng ta”. Tôi hứa với các đồng chí. Tôi nghĩ cách nếu tình thế nguy hiểm đến nơi, tôi phải bóp mũi con để bảo vệ lực lượng cách mạng. Chuẩn bị tinh thần hy sinh như vậy nhưng lòng dạ tôi rối bời, nhìn mặt con thơ mà nước mắt cứ trào ra, mong sao tình huống xấu không đến!.

Trong gian khổ, tình đồng chí, đồng đội thương yêu đùm bọc nhau rất cao quý, thiêng liêng. Tôi nhớ đồng chí Kiều đã chân tình phát biểu trong cuộc họp chi bộ cơ quan Dân vận: “Đồng chí Một cơ quan ta có con nhỏ đang còn bú, lẽ ra cháu cũng được hưởng quyền lợi như ta, nhưng cơ quan mình…. Tôi thấy chị Một ăn một bát cơm trộn khoai mà lựa cơm ra nấu cho con ăn thì làm sao đảm bảo được sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Chúng ta phải biết cảm thông với hoàn cảnh người mẹ vừa nuôi con vừa làm việc vất vả. Tôi đề nghị cơ quan mỗi tháng dành vài ba ký gạo cho cháu bé ăn, mình có thiếu thốn một chút cũng không sao”. Lúc ấy, tôi làm bí thư chi bộ cơ quan dân vận, tự thấy lời đề nghị của đồng chí Kiều không thể chấp nhận được, bao nhiêu anh em cũng thiếu thốn như mình. Nhưng các đồng chí trong chi bộ đều nhất trí dành cho cháu bé mỗi tháng 2 ký gạo. Hai ký gạo nhỏ nhoi trong thời điểm ấy chở nặng nghĩa tình biết bao!”

Sau hiệp định Genève, bà là Trưởng ban phụ vận, phụ trách văn phòng Xứ ủy, góp công bảo vệ Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn viết tài liệu “Đường lối cách mạng miền Nam”. Bà bảo toàn bí mật của Đảng trong hoàn cảnh hoạt động giữa lòng địch. Do có kẻ khai báo, tháng 8.1959, bà sa vào tay giạc, bị kết án 20 năm tù khổ sai. Đến ngày 5.3.1974, bà được trả tự do. Suốt 15 năm bà liên tục bị kẻ thù đày từ trong nhà tù đến trại giam khác: An ninh quân đội Sài Gòn, Tổng nha cảnh sát ngụy, đề lao Gia Định, Công an Hàng keo (Gia Định). Trung tâm cải huấn Gò Công, Trung tâm Tân Hiệp, 3 lần ở Trung tâm cải huấn Thủ Đức, 3 lần ở nhà tù Phú Lâm, 5 lần vô khám lớn Chí Hòa, 3 lần đày ra Côn Đảo… Ở hầu hết các nhà giam, kể cả chuồng cọp-những địa ngục trần gian, quân thù dùng mọi thủ đoạn từ cám dỗ, mua chuộc đến tra khảo cực hình, từ đòn ly gián đến trắng trợn tinh vi, dùng bức cung nhục hình đến đem con nhỏ ra lung lạc, nhưng người phụ nữ ấy vẫn kiên cường chịu đựng và vượt qua. Những trang hồi ký của bà in đậm dấu ấn những ngày tù ngục, cả những suy nghĩ rất chân thành của một con người bình thường bằng xương bằng thịt: “Con người không phải sắt đá, tư tưởng không phải lúc sóng gió giống như lúc bình thường. Có những giây phút tôi cũng nghĩ đến việc sẽ phải khai báo thế nào? Nhưng tôi tự trấn tĩnh và nhớ đến bao nhiêu đồng chí đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, nhớ đến lời giáo dục của Đảng, tôi xua đuổi mọi ý nghĩ phi vô sản. Mỗi lúc ấy tôi nhớ đến vị lãnh tụ tối cao là Hồ Chủ tịch, hình ảnh vị cha già đã giúp tôi tăng thêm nghị lực và sức phấn đấu…”. Nữ biệt động Lê Thị Thu Nguyệt, từng ở tù Côn Đảo với bà, xúc động báo tin bà mất. Chị kể: “Ở Côn Đảo, Dì Một đã dạy chính trị cho tôi. Dì dạy bằng chính xương máu, bằng cả cuộc đời trung kiên của mình nên rất thuyết phục. Tình thương của dì đã giúp tôi đứng vững trong các cuộc đấu tranh khốc liệt chốn địa ngục trần gian Côn Đảo”.

Với lẽ sống cao đẹp, lòng vị tha, chân thành, lòng kiên định không thế lực nào lay chuyển, bà Nguyễn Thị Một để lại dấu ấn sâu sắc trong mắt người đương thời. Trong hai cuộc trường chinh giữ nước của dân tộc, người phụ nữ ấy đã “chân cứng đá mềm” vượt Trường Sơn, xuyên qua cánh rừng miền Đông Nam Bộ đầy biệt kích, thú dữ, giấu trong tim nỗi đau của người vợ xa chồng, người mẹ xa con, bao lần đứng trước bờ vực hiểm nguy, cái chết. Bà là người phụ nữ Việt Nam bình thường nhưng cũng thật phi thường. Thật may mắn, trước lúc đi xa, bà đã kịp để lại cho cuộc đời hồi ký “Cuộc đời của mẹ, gia tài các con”. Gia tài ấy là gia sản quý báu không chỉ riêng cho con cháu bà mà còn di sản vô giá cho thế hệ mai sau.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 4 năm 2013

Trầm Hương