QUÂN VÀ DÂN MIỀN ĐÔNG NAM BỘ TRONG CHIẾN DỊCH MANG TÊN BÁC

Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) chúng ta cùng nhìn lại những đóng góp của quân và dân Đông Nam Bộ trong Chiến dịch mang tên Bác. Cách đây 48 năm, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch mang tên Bác – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945; chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thống nhất đất nước. Từ đây, Bắc-Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui. 

Chiến tranh đã qua đi, đất nước Việt Nam nay đã đổi mới, vươn mình lớn mạnh. Mùa Xuân đại thắng năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn luôn là một mốc son chói lọi, sống mãi trong ký ức của mỗi thế hệ người Việt Nam với ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước, miền Đông Nam Bộ là chiến trường trọng điểm, là sào huyệt đầu não của bộ máy chiến tranh xâm lược và chế độ tay sai. Mỗi bước leo thang của đế quốc Mỹ làm cho cuộc chiến ngày càng mở rộng với quy mô và mức độ ác liệt hơn, gây cho lực lượng cách mạng nhiều khó khăn, tổn thất. Song, với tinh thần yêu nước, quyết giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông, quân và dân miền Đông Nam Bộ đã cùng với quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh, ban đầu tên là Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn – Gia Định là chiến dịch cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Chiến tranh Việt Nam. Tên Chiến dịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị quyết định. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký chỉ thị của Quân ủy Trung ương mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh và các đồng chí: Lê Trọng TấnLê Đức Anh và Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh; chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh

Trước hết, chúng ta có thể thấy chiến dịch được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định tầm vóc vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ mà quân và dân ta chiến đấu trường kỳ, gian khổ sau 21 năm nói chung và chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định nói riêng.

Thứ hai, mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên xung phong và quần chúng nhân dân tham gia chiến dịch. Quyết định mang tính lịch sử ấy, đã làm cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát huy cao độ, đạt đến đỉnh cao – chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Đồng thời, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ, động lực phất cao ý chí, tinh thần chiến đấu quyết tâm giành thắng lợi trong trận chiến đấu cuối cùng để thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác từ mùa xuân năm 1969:

“Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào;

Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.

Thứ ba, mang tên Bác kính yêu, chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định sẽ khai thác và phát huy sức mạnh tối đa của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Thứ tư, chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn – Gia Định được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn thể hiện tình cảm tôn kính của quân và dân ta nói chung, quân và dân miền Nam nói riêng đối với lãnh tụ kính yêu của dân tộc, “Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”. Đó cũng là niềm khát khao cháy bỏng của Bác, mong muốn khôn nguôi của Người là “đến ngày thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà” Người sẽ thăm đồng bào miền Nam ruột thịt.  “Mỗi một ngày, một giờ, đồng bào miền Nam chưa được giải phóng là Người ăn không ngon, ngủ không yên”. Chính tình cảm thiêng liêng dành cho đồng bào miền Nam ấy càng thôi thúc quân và dân ta chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất tiến lên giành thắng lợi vào ngày 30/4/1975.

Thứ năm, chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn – Gia Định được mang tên Bác, còn có ý nghĩa thời đại vô cùng to lớn.

Năm 1974, chính quyền Sài Gòn ngày càng suy yếu toàn diện cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Trong khi đó, lực lượng cách mạng đã giành được nhiều thắng lợi to lớn trên các chiến trường. Tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976. Theo tinh thần của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu hoàn chỉnh Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. 

Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, từ giữa năm 1974, Quân ủy – Bộ Tư lệnh Miền đã lập Kế hoạch năm 1975 với mục tiêu tạo bước ngoặt quyết định và cơ sở căn bản để giành thắng lợi trong năm 1976, đồng thời sẵn sàng chớp thời cơ nếu tình hình chuyển biến mau lẹ, giải phóng miền Nam trong năm 1975. Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ được Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ giải phóng những vùng rộng lớn ở hướng Bắc, Đông Bắc và Đông Nam của Miền, tạo thế liên hoàn với các căn cứ lớn và các bàn đạp vùng ven thành phố, thị xã, chia cắt Quân khu 2 và 3 của địch, nối liền vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ với Khu 6.

Về cơ bản, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang miền Đông là tạo thế, tạo lực tại chỗ chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn. Yêu cầu cụ thể được xác định: Mở rộng vùng giải phóng, bao vây áp sát Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu, tạo bàn đạp để khi thời cơ đến, các binh đoàn chủ lực có thể nhanh chóng tập trung lực lượng, triển khai binh khí, kỹ thuật, từ nhiều hướng tiến công giải phóng Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu và tạo điều kiện giải phóng những vùng đất còn lại. 

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Quân khu 7 thành lập sư đoàn đầu tiên – Sư đoàn 6. Quân khu Sài Gòn – Gia Định thành lập Trung đoàn Quyết Thắng (sau đổi tên là Trung đoàn Gia Định I), xây dựng thêm Đại đội 316 của Miền. Lực lượng vũ trang nội đô được củng cố lại; các quân khu tăng cường cán bộ xuống đơn vị chiến đấu, bổ sung trang bị cho các trung đoàn, tiểu đoàn và lực lượng vũ trang địa phương; tổ chức quán triệt, thống nhất tư tưởng và cách đánh, huấn luyện chiến đấu hiệp đồng binh chủng, hiệp đồng giữa các cánh, các mũi và phối hợp giữa tiến công với nổi dậy. 

Đầu năm 1975, tình hình diễn biến hết sức mau lẹ. Các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Trị Thiên – Huế và Đà Nẵng giành thắng lợi giòn giã, giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ, đập tan các tuyến phòng thủ vững chắc của quân đội Sài Gòn. Quán triệt chủ trương thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975 của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam đề ra nhiệm vụ khẩn cấp: Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sụp toàn bộ quân đội và chính quyền Sài Gòn, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân với khí thế tiến công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam.

Thực hiện quyết tâm chiến lược trên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ tiến hành các chiến dịch tiêu diệt địch ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng thủ từ xa, phá thế co cụm và phòng ngự của địch, hình thành thế bao vây chia cắt Sài Gòn; đồng thời, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho chủ lực tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn.

Các quân đoàn chủ lực và nhân dân Sài Gòn – Gia Định, trên các hướng, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đồng loạt tiến công các mục tiêu quy định. Sư đoàn 6 (trong đội hình Quân đoàn 4) đánh chiếm các mục tiêu trên Đường 1, thị xã Biên Hoà. Sư đoàn 5 (trong đội hình Đoàn 232) tiến công xuống Tân An, Thủ Thừa, chặn cắt Đường số 4. Trung đoàn Gia Định phối hợp đánh chiếm các mục tiêu Tân Sơn Nhất, Bà Quẹo, Quán Tre, xa lộ Sài Gòn và cửa sông Nhà Bè. Các đơn vị đặc công, biệt động đánh chiếm và chốt giữ các cầu (cầu Bông, cầu Sáng, cầu Rạch Chiếc…), các trục đường giao thông chính, tạo bàn đạp và dẫn đường cho các binh đoàn tiến vào nội đô Sài Gòn. Lực lượng vũ trang các quận hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy, tiêu diệt lực lượng chống cự, thành lập và bảo vệ chính quyền cách mạng.

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân giải phóng tiến vào thành phố, ngày 30/4/1975.

5 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, các cánh quân đồng loạt Tổng tiến công vào Sài Gòn. 11 giờ 30 phút, cờ giải phóng bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập. Ngày 01 tháng 5 năm 1975, Côn Đảo – địa phương cuối cùng của miền Đông Nam Bộ được hoàn toàn giải phóng. 

Xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào 11 giờ 30 ngày 30/4/1975

Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hiệp đồng tác chiến với các địa phương và bộ đội chủ lực của cấp trên đánh địch trên các hướng, làm cho địch bị động, phân tán lực lượng, bộc lộ sơ hở yếu kém, tạo thời cơ để bộ đội chủ lực tiến hành những đòn tiến công chiến lược, cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi cuối cùng, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Thắng lợi này được ghi vào lịch sử như một chiến công oanh liệt của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Mặc dù đã qua 48 năm, nhưng chiến dịch mang tên Bác – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng ngày 30/4/1975 còn vang mãi đến hôm nay như bản hùng ca bất diệt, bởi trong chiến dịch ấy đã quy tụ được sức mạnh toàn dân trong đó có quân và dân miền Đông Nam Bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 4 năm 2023

Trang Ngọc Thắng

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam, Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh (2020), “Chiến thắng 30-4-1975 đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.