PHỤ NỮ XƯA CẦM BÚT

           Lịch sử dân tộc Việt Nam đã khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trên các lĩnh vực trong các thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. Dân tộc Việt Nam không thiếu những người phụ nữ anh dũng, chịu thương, chịu khó, những người mẹ âm thầm chôn giấu nỗi đau mất chồng, mất con; những cô gái chưa kịp hưởng tuổi thanh xuân đã quên mình làm giao liên cách mạng, tham gia du kích thể hiện cao độ tinh thần: “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

           Song, sẽ thật khiếm khuyết nếu không đề cập đến những cống hiến của phụ nữ trong nền văn học nước nhà. Người phụ nữ Việt Nam cũng đã tỏ rõ khả năng tuyệt xuất của mình trên lĩnh vực viết văn, làm thơ, tham gia viết báo trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những phụ nữ làm báo, viết báo với nhiều bài xã luận sắc xảo đã chứng tỏ sự trưởng thành trong nhận thức về vai trò và vị trí của mình. Họ – những người phụ nữ cầm bút đã sử dụng báo chí làm phương tiện truyền thông để nói lên nguyện vọng của giới nữ. Sự góp mặt của các cây bút nữ trên diễn đàn thơ văn, báo chí ngày càng khẳng định được vị trí và năng lực của giới nữ trong lĩnh vực cầm bút.

           Bước tiếp những cây bút tài hoa trong xã hội phong kiến Việt Nam: Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Ngọc Hân Công Chúa…là Mai Am nữ sĩ, Sương Nguyệt Anh, nữ sĩ Manh Manh – Nguyễn Thị Kiêm, Phan Thị Bạch Vân… càng về sau các cây bút nữ đương đại xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn văn chương, báo chí… đã minh chứng hùng hồn cho những đóng góp tích cực của người phụ nữ trong nền văn học Việt Nam, những người phụ nữ đã dùng ngòi bút của mình góp phần làm rạng danh lịch sử dân tộc và nâng cao vị thế của người phụ nữ trên mọi lĩnh vực.

           Ngay từ buổi đầu của xã hội phong kiến Việt Nam, xuất hiện nhiều cây bút nữ kiệt xuất, góp tiếng nói vào văn đàn nước nhà và mãi lưu truyền hậu thế. Đó là:

          – Bà Đoàn Thị Điểm (1705-1748) nữ sĩ danh tiếng thời Lê, tác giả bản dịch Nôm tác phẩm “Chinh phụ ngâm”, “Truyền kỳ mạn lục” … Tên tuổi của Đoàn Thị Điểm đã được xếp vào vị trí là một tác giả lớn của nền văn học thời trung đại với bút pháp đa dạng, vừa giỏi văn Hán lại cũng vừa giỏi thơ Nôm.

          – Bà Huyện Thanh Quan, tên thật là Nguyễn Thị Hinh (1805-1848) một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam. Bà nên duyên với ông Lưu Nguyên Ôn (Lưu Nghị), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì làm Tri huyện Thanh Quan (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thời vua Nguyễn nên Bà thường được gọi theo chức vụ của chồng là Bà Huyện Thanh Quan. Bà Huyện Thanh Quan sáng tác không nhiều, hầu hết viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật. Hiện gồm những bài sau: Thăng Long thành hoài cổ, Qua chùa Trấn Bắc, Qua đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà… Những bài thơ Nôm của Bà phần nhiều là tả cảnh, tả tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra Bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người phụ nữ có học thức suy nghĩ đến nước nhà. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện.

            – Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương: sống vào cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19. Năm sinh và năm mất cũng như tiểu sử về Bà không được các tài liệu ghi chép rõ ràng. Hồ Xuân Hương vốn thông minh, sắc sảo, ứng biến nhanh lại rất mực tài hoa, song cuộc đời lại gặp nhiều éo le. Cuộc đời Bà đã để lại một kho tàng thơ thực sự độc đáo, giàu tính nghệ thuật, cho đến bây giờ nhiều bài thơ của Bà vẫn chưa tìm thấy đầy đủ. Thơ của Bà là thơ “vừa thanh vừa tục.” Thực sự có thể xem Bà là người phụ nữ Việt Nam có tư tưởng tiến bộ đầu tiên khi đã vượt qua rào cản của những luật lệ và một số phong tục cổ hủ thời bấy giờ để đưa những tâm tư tận đáy lòng của người phụ nữ lên những vần thơ. Bà Hồ Xuân Hương được xem là một nữ thi sĩ kiệt xuất của đất nước; một Hồ Xuân Hương tồn tại mãi trong tất cả những người Việt Nam, không chỉ riêng phụ nữ Việt Nam. Đọc thơ của Bà để  mà yêu mến và trân trọng những người con gái, phụ nữ Việt Nam.

            Đầu thế kỷ XX khi nền văn hoá phương Tây du nhập vào Việt Nam, vai trò của người phụ nữ trong xã hội bắt đầu chuyển biến rõ rệt, từng bước có những thay đổi theo xu hướng tiến bộ. Từ những công việc nội trợ bếp núc, nhiều phụ nữ đã vươn ra hoà nhập với xã hội bằng những công việc trước đó chỉ có nam giới mới được làm, như viết văn, làm báo và hoạt động xã hội …

            Người phụ nữ với vai trò mới ngày càng xuất hiện nhiều hơn, thu hút sự chú ý của xã hội, đồng thời tiếng nói của họ bắt đầu có trọng lượng, đại diện cho giới phụ nữ tiến bộ là những tên tuổi: Sương Nguyệt Anh tên thật Nguyễn Xuân Khuê (1864-1921), sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre, là con gái thứ 5 của cụ Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) với tờ “Nữ giới chung”. Mẹ là bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba thuộc huyện Cần Giuộc. Bà học giỏi, thường làm thơ bằng chữ Hán hay quốc ngữ để bày tỏ tâm sự trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than đau khổ. Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh…

            “Nữ giới chung” là tiếng chuông nữ giới, tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, số 1, ra ngày 01/02/1918. Tòa soạn đặt tại số 5, đường Taberd – Sài Gòn. Chủ nhân tờ Nữ giới chung là một người Pháp tên là Henre Blaquière, ông Trần Văn Chim làm Tổng thư ký và giao cho bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Là cơ quan phổ biến ngôn ngữ, thương mại, kỹ nghệ và các vấn đề phụ nữ; ngay trong tờ Nữ giới chung số đầu tiên, bà Sương Nguyệt Anh đã đưa ra đường lối của tờ báo này: nâng cao nền luân lý; dạy cho độc giả biết cách sống hằng ngày; chú trọng đến nền thương mãi và tiểu – thủ công nghiệp, tạo tiếp xúc giữa con người v.v…

            Tiếp sau tờ “Nữ giới chung”, một người phụ nữ ở Gò Công là bà Cao Thị Khanh (1900 – 1962)  vợ ông Nguyễn Đức Nhuận chủ bút báo “Phụ nữ Tân văn”. Tuần san số 1 xuất bản ngày thứ năm (02/05/1929). Ban biên tập Phụ Nữ Tân văn gồm những cây bút nữ nổi tiếng, đứng đầu là bà chủ nhiệm Cao Thị Khanh và các nữ ký giả Hướng Nhựt, Trần Thanh Nhàn, Phạm Vân Anh, Thu Tâm nữ giáo, Cao Thị Ngọc Môn, Nguyễn Thị Kiêm… Hầu như bìa tất cả các số của báo Phụ Nữ Tân văn đều có hình ba cô gái tượng trưng phụ nữ ba miền: Bắc – Trung – Nam. Dưới có câu thơ: “Phấn son tô điểm sơn hà /Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.

            Ngay từ số đầu tiên, Phụ nữ Tân văn đã kêu gọi “Ngay hôm nay, Phụ nữ Tân văn ra đời là non sông thêm một tay thợ điểm tô, xã hội thêm một người lo công việc, trên trường văn trận bút thêm một đội binh đàn bà, mà trong buồng khuê của chúng ta, cũng có một cơ quan để cùng nhau phấn đấu với đời...”. Liên tiếp 14 số đầu, Phụ nữ Tân văn đã đăng những bài phỏng vấn các vị trí thức, học giả đương thời như cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng… Tất cả đều tán đồng chủ trương tiến bộ của Phụ nữ Tân văn, là cổ súy dân sinh dân chủ, bênh vực phụ nữ, đề cao luân lý giáo dục… Báo còn mở nhiều hội chợ, vừa giới thiệu thành tích nữ giới, vừa lấy tiền lãi xây dựng viện Dục Anh, quán cơm từ thiện, phòng trọ đêm cho khách lỡ đường… Phụ nữ Tân văn còn vận động thành lập Nữ lưu học hội và thành lập giải thưởng “văn học và đức hạnh”, nhằm biểu dương người tốt việc tốt trên báo. Báo thường xuyên có những bài phổ biến trí thức nữ giới, đặc biệt là bênh vực quyền lợi nữ giới, những bài phản đối quan niệm cổ hủ, ngăn cấm nữ giới tham gia các hoạt động thể dục thể thao, cấm giới nữ đi xe đạp, cắt tóc ngắn, đến trường học, thưởng thức văn học nghệ thuật.

            Ký giả trợ lý đắc lực của báo Phụ nữ Tân văn, đồng thời là một nhà thơ nữ tiên phong trong phong trào thơ mới là Manh Manh nữ sĩ, tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, sinh năm 1914 tại Gò Công. Năm 1932, sau khi tốt nghiệp bằng Thành Chung, xin làm giáo viên trường Nữ học Sài Gòn một thời gian, Nguyễn Thị Kiêm bước vào làng báo với bút danh Lệ Thủy, Myn,…. Đầu tiên Bà viết báo mang tính tài tử đăng ở các báo Công Luận, Việt Nam… Về sau, Bà là linh hồn của tờ Phụ nữ Tân văn. Bà quan niệm, phụ nữ phải có học vấn, phải am tường văn học nghệ thuật, biết thể thao, trong gia đình hay ngoài xã hội phải bình đẳng với nam giới. Bà vừa là ký giả vừa là diễn giả, nên các buổi diễn thuyết của Bà luôn được dư luận chú ý. Bà còn là ký giả am tường nghệ thuật, là cây bút phê bình các vở kịch và cải lương đương thời.

          Trong cùng bối cảnh đó, Nữ lưu thư quán do Phan Thị Bạch Vân phụ trách ra đời vào năm 1928, trụ sở đặt tại số 24 – 26, đường Chủ Phước, Gò Công. Ban biên tập Nữ lưu thơ quán gồm có: Đạm Phương (Huế), Nguyễn Thị Đan Tâm (Phủ Quảng Trung kỳ), Hoàng Thị Tuyết Hoa (bút danh của Phan Thị Bạch Vân), Tùng Viên (Phủ Quảng Trung kỳ), Vũ Xuân Đệ (Hà Nội), Quốc Anh (giáo học Phú Thọ, Đồng Hới), Á Nam Trần Tuấn Khải (Hà Nội). Nữ lưu thơ quán xuất bản sách mỗi tháng 3 kỳ với mục đích: “Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở học vấn thêm cao”. Song song trong cùng thời gian đó còn có nữ sĩ Tương Phố (1900 – 1973) nổi tiếng với Giọt lệ thu đăng trên báo “Nam phong” năm 1928 …Thế hệ sau Bà một chút là Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Sơn, Thu Hồng, Mộng Tuyết, Anh Thơ, Bảo Hòa… Trên diễn đàn báo chí và sau đó là trên lĩnh vực xuất bản các sáng tác văn chương của phụ nữ khắp Trung – Nam – Bắc đã tạo nên một mảng riêng, độc đáo, đóng góp xứng đáng vào bức tranh văn chương chung của dân tộc của nửa đầu thế kỷ XX.

          Nhìn chung từ đầu thế kỷ XX, trên văn đàn Nam Bộ, tiếng nói về phụ nữ và của người phụ nữ đã thực sự là một tiếng nói có âm sắc, có điểm nhấn, tạo nên nhiều hương vị riêng cho thơ ca, báo chí lúc bấy giờ. Hoạt động sáng tác của nữ giới khởi sắc, họ nhanh chóng tiếp thu các thành tựu mới mẻ trong văn đàn, thi ca và tham gia vào tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc. Bên cạnh đó, người phụ nữ cầm bút thế kỷ XX đã sáng tác bằng phong thái tự do cả về cảm xúc và hình thức.

             Khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, sự góp mặt của các cây bút nữ trên diễn đàn thơ văn, báo chí ngày càng rầm rộ, khẳng định được vị trí và  năng lực của giới nữ trong lĩnh vực cầm bút. Đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của phụ nữ cũng như của xã hội về vai trò của phụ nữ bằng sự ra đời các ngòi bút của nữ chiến sĩ cách mạng và càng phát triển về sau. Lực lượng phụ nữ cầm bút ngày càng nhiều và chứng tỏ năng lực của phụ nữ trên lĩnh vực này trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

                                                Tp.Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 6 năm 2023

                                                                   Nguyễn Thị Thắm

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *