PHỤ NỮ SÀI GÒN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Thành phố Sài Gòn xưa, thành phố Hồ Chí Minh nay là một thành phố năng động và đầy sáng tạo. Đặc biệt, trong các phong trào cách mạng chống thực dân và đế quốc, ý chí người dân Sài Gòn vô cùng kiên cường trong đánh giặc cứu nước. Trong đó, lực lượng cách mạng của phụ nữ Sài Gòn đã gan dạ không tiếc xương máu, tuổi thanh xuân, tham gia các phong trào yêu nước bằng nhiều hình thức như: chiến đấu trực tiếp với địch, tham gia các trận chống càn, xây dựng cơ sở trong lòng địch, tuần hành xuống đường, tải lương thực, đạn dược phục vụ chiến đấu…. đầy quả cảm.

Thành phố Sài Gòn xưa, thành phố Hồ Chí Minh nay là một thành phố năng động và đầy sáng tạo. Đặc biệt, trong các phong trào cách mạng chống thực dân và đế quốc, ý chí người dân Sài Gòn vô cùng kiên cường trong đánh giặc cứu nước. Trong đó, lực lượng cách mạng của phụ nữ Sài Gòn đã gan dạ không tiếc xương máu, tuổi thanh xuân, tham gia các phong trào yêu nước bằng nhiều hình thức như: chiến đấu trực tiếp với địch, tham gia các trận chống càn, xây dựng cơ sở trong lòng địch, tuần hành xuống đường, tải lương thực, đạn dược phục vụ chiến đấu…. đầy quả cảm. Tổng khởi nghĩa và nổi dậy giành chính quyền năm 1945 đã ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ Sài Gòn trong lực lượng lãnh đạo Hội phụ nữ đã đảm nhiệm vị trí trọng yếu và nhiều nữ chiến sĩ đã được giao trọng trách, tích cực chuẩn bị mọi công việc cho tổng khởi nghĩa: may cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm …

Theo dòng lịch sử ngày 9/5/1945, Nhật đảo chính Pháp, là thời cơ tổ chức Việt Minh phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Khi Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng chống phát xít thắng lợi buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện. Nhận định đây là thời cơ, trong Hội nghị toàn quốc họp tại Tân Trào ngày 16/8/1945, Quốc dân đại hội thông qua quyết định Tổng khởi nghĩa. Tại Nam kỳ vào đêm ngày 16/8/1945 và rạng sáng 17/8/1945, hội nghị Xứ ủy Nam kỳ mở rộng lần 1 tổ chức tại Chợ Đệm (nay là 3 xã Tân Kiên, Tân Nhựt, An Phú Tây và thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh). Đình Tân Túc bên sông Chợ Đệm là căn cứ địa của Tỉnh ủy Sài Gòn – Chợ Lớn và là nơi nuôi giấu lực lượng vũ trang chuẩn bị cho cách mạng tháng 8. Trong kỳ họp này, hội nghị chưa quyết định khởi nghĩa nhưng yêu cầu các lực lượng phải túc trực tại Sài Gòn, sẵn sàng khởi nghĩa.

Ngày 19/8/1945, được tin khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi, Xứ ủy Nam kỳ họp Hội nghị ở Chợ Đệm, lần 2 vào ngày 21/8/1945 thành lập Ủy ban Khởi nghĩa, chỉ thị phải hoàn thành việc giành chính quyền trước 0 giờ ngày 25/8/1945 và quyết định đưa Việt Minh ra hoạt động công khai. Phụ nữ Sài Gòn nô nức chờ lệnh khởi nghĩa, tham gia rải truyền đơn kêu gọi đồng bào tham gia mít tinh tại rạp Nguyễn Văn Hảo vào ngày 20/8/1945 (sau năm 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo đổi tên thành rạp Công Nhân. Nay là nhà hát Kịch thành phố Hồ Chí Minh, số 30 đường Trần Hưng Đạo, Quận 01). Ngày 21/8/1945, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được kéo lên tại hiệu ăn Ánh Long tại góc đường Dixmude – Galliéni (nay là đường Đề Thám và Trần Hưng Đạo, Quận 01). Đêm ngày 21/8/1945, các đội tự vệ xung phong cùng nhân dân chiếm lĩnh nhiều vị trị quan trọng trong thành phố. 22 giờ ngày 24/8 đến trưa 25/8, nhân dân Sài Gòn đã chiếm được Dinh Khâm Sai, Dinh Đốc Lý, các sở cảnh sát, đài Phát thanh, nhà ga, bưu điện, nhà đèn, các quận, bốt… và các cây cầu quan trọng bao quanh khu trung tâm Sài Gòn: cầu Thị Nghè, Nhị Thiên Đường, cầu Mống…Sáng ngày 25/8/1945, tại Sài Gòn toàn bộ chính quyền về tay Việt Minh. Nhân dân Sài Gòn tiến hành mít tinh, tuần hành mừng khởi nghĩa thắng lợi. Phụ nữ từ các huyện Thủ Đức, Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè đội ngũ chỉnh tề với tầm vông vạt nhọn, gậy gộc trong tay tiến vào Sài Gòn theo nhịp bài ca “Lên Đàng”. Trưa ngày 25/8/1945, đoàn tuần hành cầm cờ, biểu ngữ tụ tập tại ngã tư đường Bonnard – Charner (nay là Lê Lợi – Nguyễn Huệ) đến trước dinh Đốc lý thành phố (này trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố) để biểu dương lực lượng. thể hiện quyết tâm giành độc lập thật sự. Các cửa hiệu đóng cửa, chợ nghỉ bán. Cả thành phố rung chuyển theo bước chân của hàng lớp lớp người, nay vùng lên nắm lấy vận mệnh của mình.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội; thì tại Sài Gòn phụ nữ hòa vào dòng người tham dự cuộc mít tinh cùng các tầng lớp nhân dân vui mừng lắng nghe lời kêu gọi nhân dân thành phố, cùng đồng bào cả nước quyết tâm đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành đuôc từ đại diện Xứ ủy Nam Kỳ là ông Trần Văn Giàu. Nhiều phụ nữ đã tham gia vào tổ chức Hội Phụ nữ Tiền Phong và Đoàn Phụ nữ Cứu quốc hoạt động cách mạng hợp pháp và công khai đóng góp cho cuộc kháng chiến bằng các công việc có ý nghĩa xã hội và chính trị quan trọng như mở các lớp cứu thương, truyền bá chữ quốc ngữ, làm hậu cần cho lực lượng khởi nghĩa…. Cụ thể, trong ngày mít tinh, phụ nữ trong tổ chức Hội Phụ nữ Tiền Phong mặc đồng phục trắng, quần xanh. Đoàn Phụ nữ Cứu quốc mặc áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ cùng đưa cao nắm tay hô vang khẩu hiệu “ủng hộ Việt Minh, đả đảo thực dân Pháp; Cơm áo tự do và hòa bình”.

(Nhân dân Sài Gòn giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, ngày 25/8/1945

Ảnh tư liệu của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ)

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi là một bước ngoặt to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp trong hơn 87 năm, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Cách mạng tháng tám năm 1945 cũng là bước ngoặt trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Phụ nữ Sài Gòn mạnh dạn bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình và tham gia vào mọi mặt của xã hội. Tuy nhiên, giữa lúc đồng bào Sài Gòn đang hân hoan chào đón ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, thì thực dân Pháp thành từ các khu nhà cao bắn xuống đoàn người biểu tình, lập tức những đội thanh niên xung phong xông vào các tòa nhà vây bắt những tên lính Pháp gây chiến, lực lượng phụ nữ cùng với quần chúng lùng sực vây bắt những tên thực dân quá khích trong thành phố và cảnh giác trước những hành động khiêu khích như: ngày 4/9/1945 phái bộ Anh đòi chiếm Nam bộ phủ lúc này là nơi làm việc của Ủy ban nhân dân Nam Bộ (tòa nhà dinh Gia Long nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh). Đồng thời, để giữ vững được thành quả đạt được nhân dân và phụ nữ Sài Gòn bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ khi mới giành độc lập chưa được một tháng. 12 giờ đêm ngày 22/9/1945, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp nổ ra khắp Sài Gòn. Ngày 23/9/1945, Ủy ban kháng chiến Nam bộ kêu gọi đồng bào bất hợp tác với thực dân Pháp. Phụ nữ tiểu thương tại các chợ hưởng ứng bằng bãi thị trên khắp đường phố Sài Gòn, hỗ trợ cùng nhân dân dựng chiến lũy để chiến đấu. Phụ nữ Sài Gòn còn nhiệt tình tham gia mọi hoạt động đồng hành cùng các chiến sĩ chiến đấu ác liệt ở Dinh Xã Tây, ga xe lửa, bến cảng… và đảm đương xuất sắc hai nhiệm vụ, đó là: tản cư người già và trẻ em ra khỏi thành phố, đi sâu vào các thôn xóm lao động vận động, thuyết phục các gia đình tản cư ra các vùng nông thôn; tổ chức các tổ cứu thương phục vụ nơi có chiến trận với nhiều đóng góp đa dạng như tiếp tế, giao liên, trinh sát…. và đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm của những người phụ nữ Sài gòn vốn bình dị nhưng rất gan dạ.

Tinh thần cách mạng của phụ nữ Sài Gòn trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 là những giá trị lịch sử vô cùng quý giá trong cuộc sống văn hóa của người đô thị hiện nay. Đó chính là tinh thần đoàn kết và tư tưởng giải phóng phụ nữ.

Bảo Tàng Phụ nữ Nam Bộ tổng hợp từ tư liệu

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 8 năm 2019