PHỤ NỮ SÀI GÒN – GIA ĐỊNH TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ

Đã 45 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn còn nguyên giá trị, chiến thắng đó đã ghi vào lịch sử dân tộc là một trong những chiến công hiển hách nhất; là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khí phách, bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chiến dịch Hồ Chí Minh, tên nguyên thủy là Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn – Gia Định, là chiến dịch cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và cũng là chiến dịch cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là chiến dịch quân sự có thời gian diễn biến ngắn nhất, diễn ra vào ngày 26 tháng 4 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Sài Gòn và kéo theo các cuộc nổi dậy vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long trong hai ngày 1 và 2 tháng 5. Chiến dịch này dẫn đến kết quả là chấm dứt hoàn toàn sự chia cắt thành hai vùng tập kết quân sự giữa hai miền Nam – Bắc của Việt Nam sau 21 năm, đưa đến việc thống nhất xã hội, chế độ chính trị, dân cư và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng lãnh hải, vùng trời và một số hải đảo. – Ngày 25/3/1975, Bộ chính trị nêu rõ: “Thời cơ chiến lược mới đã đến, phải nhanh chóng giải phóng miền Nam trước mùa mưa” và quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn”.

– Ngày 03/4/1975: lập bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định, gồm 5 quân đoàn chủ lực với tinh thần “thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng”.

– Ngày 09/4: ta đánh Xuân Lộc và ngày 21/4: giải phóng Xuân Lộc.

– Từ ngày 14/4 đến 16/4 đánh chiếm Phan Rang, tiếp đó giải phóng Bình Thuận, Bình Tuy.

– 18/4: Mỹ di tản khỏi Sài Gòn,

– 21/4: Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống.

+ 17 giờ, ngày 26 tháng 4: quân ta được lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch. Tất cả 5 cánh quân từ các hướng vượt tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào Sài Gòn.

– 28/4: quân ta nã đại bác và dùng máy bay ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, Mỹ đưa Dương Văn Minh thay Trần Văn Hương, tiến hành di tản người Mỹ và các quan chức cao cấp ngụy quyền.

– Đêm 28 rạng 29/4, các quân đoàn của ta tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh các cơ quan đầu não của địch.

– 9 giờ 30 phút ngày 30/4, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi ngừng bắn để điều đình giao chính quyền.

– 10 giờ 30 phút ngày 30/4, xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập bắt toàn bộ ngụy quyền Trung Ương.

– 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ Cách mạng tung bay trên nóc Tổng thống ngụy, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

– Các tỉnh còn lại của Nam Bộ, trong đó có An Giang, nhân dân nhất tề nổi dậy và tiến công theo phương thức xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh.

– Ngày 02/5/1975: miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng tạo điều kiện cho quân dân ta giải phóng các tỉnh còn lại ở Nam Bộ, giải phóng trọn vẹn miền Nam, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mở ra kỷ nguyên mới của Cách mạng Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc tiến công và nổi dậy của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có thể nói lực lượng phụ nữ được huy động và tham gia đông đảo hầu hết mọi mặt trận: có hơn 200.000 phụ nữ tham gia công tác phục vụ chiến đấu và hơn 7.000 phụ nữ tham gia lực lượng võ trang, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền…

Trong khí thế tiến công mãnh liệt, thần tốc của lực lượng vũ trang cách mạng trên khắp các chiến trường đã làm cho tinh thần binh sĩ, sĩ quân địch hoang mang tan rã. Phụ nữ Sài Gòn – Gia Định đã phát huy sở trường của mình làm công tác binh vận rất có hiệu quả. Nổi bật nhất vẫn là việc chị em đã tiếp tục phát huy thế tiến công bằng ba mũi giáp công để chiếm đồn bót địch ở cơ sở, tiến lên khởi nghĩa chiếm các tiểu khu, chi khu, công sở … buộc địch phải đầu hàng. Ở ngay nội thành Sài Gòn, lực lượng phụ nữ đã làm nòng cốt trong nhiều cuộc khởi nghĩa tại các địa điểm: Phú Nhuận, Bảy Hiền, Khánh Hội, Bàn Cờ, Xí nghiệp Liên Phương, Sicovina, Vimytex, Vinatexco, bệnh viện Đồn Đất v.v… Ngày 30/4/1975 khi đoàn quân tiến vào Sài Gòn, người dẫn đường cho các anh bộ đội là nữ giao liên Nguyễn Trung Kiên, chị đã dẫn đầu xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.

Đại thắng mùa Xuân 1975 nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung, không chỉ là thắng lợi riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Thắng lợi đó đã góp phần tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, thu hẹp trận địa của chủ nghĩa đế quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển.

Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được.

Chiến tranh càng lùi xa, chúng ta càng gìn giữ và phát huy tối đa giá trị tinh thần mà ngày chiến thắng 30/4 mang lại, để dân tộc mãi mãi hoà bình và thịnh vượng.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 4 năm 2020

Hồ Ngọc Phương

Phòng Truyền thông-Giáo dục và Quan hệ quốc tế