PHỤ NỮ NAM BỘ VỚI CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (6/01/1946)

Cuối năm 1945, quân Pháp chiếm đóng Sài Gòn và các thị xã ở Nam Bộ. Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ bắt đầu trong lúc chính quyền cách mạng mới lập chưa đầy bốn tuần phải đương đầu với vô số khó khăn phức tạp.

KỶ NIỆM 70 NĂM TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU RA QUỐC HỘI VIỆT NAM 06/01 (1946-2016)

PHỤ NỮ NAM BỘ VỚI CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (6/01/1946)

Cuối năm 1945, quân Pháp chiếm đóng Sài Gòn và các thị xã ở Nam Bộ. Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ bắt đầu trong lúc chính quyền cách mạng mới lập chưa đầy bốn tuần phải đương đầu với vô số khó khăn phức tạp. Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bắt đầu sớm hơn so với cả nước và được sự chi viện của Trung ương, của đồng bào miền Bắc, đồng bào Nam Bộ đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ chính quyền cách mạng. Để khẳng định bản chất dân chủ của chế độ và một lần nữa để chứng minh rằng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo là một Chính phủ được sự tín nhiệm hoàn toàn của cả dân tộc Việt Nam, làm cho toàn thể nhân dân Việt Nam tăng cường ý thức về độc lập thống nhất và quyết tâm đem tất cả sức mạnh tinh thần và vật chất bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc; Chính phủ đã quyết định tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, cơ quan lập pháp tối cao của đất nước vào ngày 6/01/1946.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra trên quy mô toàn quốc, ngay cả trong các thành phố, thị xã bị thực dân chiếm đóng và từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược trong sự nô nức, phấn khởi của toàn dân. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, tất cả công dân Việt Nam, nữ cũng như nam từ 18 tuổi trở lên được thực hiện quyền tự do dân chủ, cầm lá phiếu trực tiếp lựa chọn người xứng đáng thay mặt cho mình ở cơ quan quyền lực tối cao là Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên phụ nữ thực hiện quyền nam nữ bình đẳng về chính trị do Cách mạng Tháng Tám đem lại.

Ở Nam Bộ, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù và nhân dân Nam Bộ đi bỏ phiếu bầu Quốc hội lúc này là thể hiện ý chí độc lập thống nhất, kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, bảo vệ tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Cán bộ phụ nữ tích cực đi tuyên truyền vận động bầu cử. Có nhiều làng, xã, địch chưa đặt chân tới được thì ta tổ chức bỏ phiếu gần như bình thường: míttinh, cờ băng, phòng bỏ phiếu, thùng phiếu, ban kiểm phiếu, v.v… Còn những nơi địch kiểm soát chặt chẽ thì chính quyền cách mạng và các đoàn thể phân công cán bộ đưa thùng phiếu đến các đường phố, các xóm lao động, đến từng nhà, để đồng bào ai nấy đều làm được nhiệm vụ công dân của mình. Đi bầu cử lần này là một hành động chính trị can đảm, chứng tỏ lòng dân Nam Bộ gắn bó với Chính phủ Trung ương, với Hồ Chí Minh, với độc lập thống nhất, chống lại sự chia rẽ, chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.

Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh. Tiếng súng kháng chiến vẫn tiếp tục nổ ra dưới nhiều hình thức như diệt tề trừ gian, tập kích, đốt phá kho tàng của địch… Tổng tuyển cử đã diễn ra dưới sự lùng ráp, khủng bố gay gắt của kẻ thù. Uỷ ban hành chính thành phố phải chuyển ra ngoại ô phía Tây Nam như¬ng vẫn bám sát chỉ đạo nhân dân nội thành và ngoại thành tiến hành Tổng tuyển cử. Hàng trăm cán bộ chính quyền, đoàn thể, chiến sĩ làm công tác tuyển cử đã chia ra các ngả, bám sát từng khu phố, từng xóm lao động, từng người dân để lập danh sách cử tri, tuyên truyền vận động bầu cử. Không có nơi bỏ phiếu cố định nên mỗi hộ (tương đương với phường hiện nay), kể cả những hộ ở trung tâm thành phố, có từ 3 đến 4 hòm phiếu lưu động được chuyển tới từng ngõ, từng nhà cho đồng bào bỏ phiếu. Cả Sài Gòn – Chợ Lớn có hàng trăm hòm phiếu như vậy.

Tại Tân An (Long An), máy bay Pháp xả súng bắn vào nơi quần chúng đi bỏ phiếu, làm 14 người chết và nhiều người bị thương; nhiều nơi phải bỏ phiếu ban đêm; vậy mà có trên 90% cử tri đi bỏ phiếu. Ở Mỹ Tho (Tiền Giang), ngày bầu cử, máy bay Pháp bắn phá dữ dội suốt ngày, rà theo khắp các kênh rạch. Nhưng tại Mỹ Hạnh Đông, cán bộ ta vẫn chèo xuồng, chèo tam bản, đánh trống chở hòm phiếu len lỏi vào tận các mương xứ rạch nhỏ, nơi đồng bào tản cư để đồng bào bỏ phiếu. Ở làng Đông Thành, quận Trà Ôn (Cần Thơ), có 2.188 cử tri, buổi sáng, máy bay địch đến đánh phá, đến chiều, vẫn có tới 1.827 người đi bỏ phiếu. Ở làng Mỹ Hoà, sáng sớm, giặc Pháp đã vào lùng sục khắp làng, bắn chết 13 người, trong đó, có một em bé bị giặc bắn, ném xuống sông, nhưng đến chiều vẫn có 1.927 cử tri trong tổng số hơn 2.500 cử tri đi bỏ phiếu. ở làng Thành Mỹ Hưng (Cần Thơ), có 4.288 cử tri, bất chấp địch đánh phá, vẫn có 4.209 người đi bỏ phiếu. Nhìn chung ở cả 71 tỉnh thành trong cả nước, 89% tổng cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã hoàn toàn thắng lợi, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước Việt Nam có Quốc hội và trong Quốc hội có đại biểu nữ trúng cử. Ở Nam Bộ có 3 trong số 10 nữ đại biểu Quốc hội trúng cử, đó là Bà Trịnh Thị Miếng – đại biểu tỉnh Gia Định; Bà Ngô Thị Huệ – đại biểu tỉnh Bạc Liêu; Bà Nguyễn Thị Thập – đại biểu tỉnh Mỹ Tho. Đây là những nữ cán bộ quen thuộc với nhân dân trong cao trào 1930-1931, trong phong trào 1936-1939, trong khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sau khi đắc cử Quốc hội, những cán bộ phụ nữ này đều phát huy tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân Nam Bộ, của phụ nữ Nam Bộ.

Thắng lợi Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thử thách ngàn cân treo sợi tóc, khó khăn chồng chất khó khăn; lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát khỏi cuộc đời nô lệ của hàng nghìn năm phong kiến và gần trăm năm thuộc địa. Thắng lợi của Tổng tuyển cử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc “.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 12 năm 2015

Phạm Thị Diệu