PHỤ NỮ NAM BỘ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

Ngày 28/01/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc rời trung Quốc về nước. Từ ngày 10 đến 19/5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp tại Pắc Bó do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Nghị quyết nêu rõ: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Hội nghị đã quyết định thay thế Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương bằng “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh). Các đoàn thể lấy tên là Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Thiếu nhi cứu quốc.

Hưởng ứng chủ trương của Đảng, ngày 16/6/1941, Đoàn Phụ nữ cứu quốc được thành lập, tiếp tục sự nghiệp của Phụ nữ giải phóng, Phụ nữ phản đế, Phụ nữ dân chủ, Đoàn Phụ nữ cứu quốc gia nhập Mặt trận Việt Minh, kêu gọi phụ nữ tham gia đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị cướp chính quyền.

Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

Về mặt tổ chức phụ nữ, song song với đoàn Phụ nữ cứu quốc, có tổ chức Phụ nữ Tiền phong. Đến tháng 6/1945, Nam Bộ có tổ chức Phụ nữ Tiền phong đầu tiên. Từ giữa năm 1945, Phụ nữ Tiền phong đã góp phần đắc lực vào những công việc xã hội mang nhiều ý nghĩa chính trị như: Chống dịch tả đang hoành hành ở Nam Bộ bằng cách đem thuốc cho uống, dầu xoa bóp đến tận người dân. Tập trung mở các lớp cứu thương, dạy băng bó, hô hấp nhân tạo, tích trữ thuốc men cấp cứu.

Như vậy là trước ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, phụ nữ Nam Bộ đã tập hợp được một lực lượng phụ nữ đông đảo gồm cả Phụ nữ Cứu quốc, Phụ nữ Tiền phong, hăng hái sẵn sàng chiến đấu. Hoạt động của phụ nữ cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền càng dồn dập hơn bao giờ hết. Ở mọi nơi, chị em được phân công đi mua súng đạn của lính Pháp, lính Nhật, lính khố xanh. Chị em còn tích cực tham gia dân quân tự vệ, ngày đêm giữ gìn trật tự, bảo vệ trị an, bảo vệ thôn xóm, tích cực quyên góp ủng hộ cách mạng. Chị em còn luồn sâu vào các trại lính, vận động lính địch chuyển đạn, nộp súng cho cách mạng, gây cơ sở trong lòng địch…

Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 và Đại hội quốc dân ở Tân Trào đã quyết định “Tổng khởi nghĩa”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch hồ Chí Minh, nhân dân Nam Bộ cùng nhân dân cả nước đồng loạt đứng dậy tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa. Ở các tỉnh, huyện, xã, những người phụ nữ bị áp bức, bóc lột, cùng cực là lực lượng hăng hái nhất tham gia khởi nghĩa. Nhiều chị em tham gia lãnh đạo khởi nghĩa. Ở các đô thị, đông đảo nữ công nhân, dân nghèo, trí thức, tiểu tư sản, tư sản dân tộc bấy lâu bị đè nén dưới ách phát xít Nhật- Pháp được Đảng giác ngộ, rèn luyện đã hăng hái xuống đường. Phong trào khởi nghĩa nổ ra hàng loạt đều khắp các tỉnh Nam Bộ. Trong những ngày khởi nghĩa, phụ nữ đã đóng góp vai trò quan trọng. Có thể kể đến như ở Sa Đéc, nổi bật có vai trò của bà Sáu Ngài (Trần Thị Nhượng) là một đại diện “đối ngoại” lanh lợi, tỉnh táo và kiên quyết. Ở Bến Tre có chị Nguyễn Thị Định (chị Bích) là người từ nhà tù Bà Rá về, đã dẫn đoàn đông hơn ngàn người rầm rập tiến vào thị xã Bến Tre giành chính quyền. Phụ nữ Mỹ Tho, Gò Công chờ đón thời cơ với đội ngũ chỉnh tề, các bà, các chị say mê làm bất cứ việc gì: học quân sự, học cứu thương, chuẩn bị dự trữ lương thực, mua vải đỏ, vải vàng may cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm. Các bà, các chị nhóm họp lại đông vui, cắt may khéo léo những lá cờ cách mạng.

Ngày 18/8/1945, lệnh khởi nghĩa của Mỹ Tho được phát vang lên từ buổi sáng tinh mơ. Các tổ chức quần chúng cùng với lực lượng vũ trang nhanh chóng chiếm lĩnh bốt mật thám, trại lính, kho bạc…Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các phố phường. Ủy ban nhân dân tỉnh Mỹ Tho được thành lập. Ở huyện Cai Lậy xuất hiện một nữ cán bộ trẻ là chị Phạm Ngọc Trang hoạt động hăng say và táo bạo. Chị là người tổ chức Phụ nữ cứu quốc, thành lập đội nữ dân quân, tập họp phụ nữ diễn thuyết về khởi nghĩa cướp chính quyền giành độc lập tự do và bình đẳng nam nữ. Ở Tân Hội, Tân Bình, Mỹ Hạnh Đông có chị Hai Quý, sau khi Cai Lậy cướp chính quyền, chị được phân công lên kinh Năm Ngàn phá kho thóc của Trương Văn Bền đã bỏ chạy, để phân phát cho dân nghèo. Chị lãnh đạo nữ dân quân canh gác, bảo vệ xóm làng rất chu đáo. Tại huyện Chợ Gạo, đêm 20/8/1945, chị Trần Ngọc Thơ (bí danh Hồng Liên), đã dẫn đội dân quân du kích xã phục kích dài theo kinh Chợ Gạo chặn bắt được một chiếc tàu của giặc Pháp trốn. Anh em du kích nhào xuống tàu lấy được nhiều súng trang bị cho đội dân quân của mình.

Thời kỳ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và Mặt trận Việt Minh, các tầng lớp xã hội ở Nam Bộ, đặc biệt là đồng bào và phụ nữ dân tộc Khmer, Hoa ở khắp các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau đều tích cực tham gia lực lượng Cách mạng.

Từ ngày 23 đến ngày 28/8/1945, ở Nam Bộ cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Hàng trăm cán bộ phụ nữ qua đấu tranh rèn luyện đã được cử vào các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh, huyện, xã. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã giải phóng cho nhân dân ta thoát khỏi ách thống trị hàng trăm năm của chế độ thực dân phong kiến. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Đảng Cộng sản đã huy động hàng triệu phụ nữ cùng toàn dân đưa cách mạng đến thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công là do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp Nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước; một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Trải qua nhiều năm đấu tranh cực kỳ gian khổ và anh dũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ đã không hề tiếc máu xương, hy sinh oanh liệt vì mục tiêu độc lập dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định. Chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh. Về lý luận cũng như về thực tiễn, những người yêu nước nhận thức được rõ, làm được đúng theo Chỉ thị của Đảng: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được. Bởi vậy nên công tác trong quần chúng phụ nữ không phải là một cái nhiệm vụ phụ thuộc của Đảng, công tác ấy chánh là một cái nhiệm vụ lớn và rất trọng yếu”.(Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập,Sđd, t2, tr 188)

Về phần của cán bộ phụ nữ, của giới phụ nữ và của phong trào phụ nữ thì nhận thức được rõ và làm đúng với tư tưởng chính trị lớn sau đây của Đảng: “Nếu phụ nữ đứng ngoài cuộc tranh đấu cách mạng của công nông thì không bao giờ đạt mục đích phụ nữ giải phóng được”. ( Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập,Sđd, t2, tr 189).

Trong 15 năm (từ 1930-1945), phong trào phụ nữ có lúc phát triển, có lúc đình trệ, nhưng luôn luôn là bộ phận khăng khít của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ mà người lãnh đạo duy nhất là Đảng Cộng sản. Ở Việt Nam, ngoài Đảng Cộng Sản không có chính đảng nào nêu rõ trong cương lĩnh vấn đề giải phóng phụ nữ, trong tranh đấu không hề xem nhẹ lợi ích cơ bản và khả năng cách mạng của phụ nữ.

Trải qua biết bao sự hy sinh, cách mạng đã thành công rất lớn trong việc đào tạo hàng nghìn chiến sĩ phụ nữ có tài, có đức, có chí, đủ lý luận và kinh nghiệm để đảm nhiệm các phận sự từ nhỏ đến lớn trong việc tạo ra cho giới phụ nữ một uy thế chính trị xứng đáng trong toàn thể nhân dân, một lòng tin tưởng vững chắc vào chính bản thân mình để phấn đấu vươn lên mãi.

Làm nên lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Nam Bộ, không có bàn cân nào đo, đếm được. Vinh quang ấy thuộc về sự lãnh đạo của Đảng, thuộc về nhân dân, nhưng phần cao đẹp nhất phải kể đến những người mẹ, người chị không tên, không kể công trong những ngày đen tối bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, bảo vệ cơ sở Đảng từ lúc nhen nhóm, hình thành và lãnh đạo cách mạng Tháng Tám thành công.

Tài liệu tham khảo:

– Tổ Sử Phụ Nữ Nam Bộ, Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ kháng chiến, Nxb Chính trị Quốc gia, 2015.

– Nhiều tác giả, Những người con gái đất thành đồng, Nxb Phụ nữ, 1996.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 8 năm 2020

Nguyễn Thị Thu Hồng

Phòng Truyền thông- Giáo dục- Quan hệ quốc tế